Vụ cô gái mang Covid-19 về Hà Nội: Thói ích kỷ và sự khoan dung!

Thêm 5 ca dương tính với Covid-19 ngay giữa Thủ đô trong những ngày cuối cùng để Việt Nam đủ điều kiện công bố hết dịch, chẳng khác nào một “cú sốc” lớn đối với toàn dân tộc, nhưng cũng là bài học đương đầu với dịch: “Không thể thiếu sự tỉnh táo và cần gạt bỏ ngay thói ích kỷ cá nhân!”.

img
img

Tối ngày 6/3, tại cuộc họp khẩn cấp của ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19), Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thông báo về ca dương tính thứ 17, là một nữ bệnh nhân tên N.H.N. (26 tuổi, tạm trú tại Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội).

Ngay trong đêm, khu vực xung quanh nhà bệnh nhân ở phố Trúc Bạch từ số 125 đến 139 đã được cơ quan y tế địa phương phun thuốc khử khuẩn và tổ chức kiểm soát chặt chẽ cách ly khu vực này.

Tính đến sáng ngày 8/3, bộ Y tế xác nhận đã có thêm 4 bệnh nhân dương tính với Covid-19, trong đó có 3 người tiếp xúc với N.

Hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tại cuộc họp khẩn giữa đêm được chia sẻ “nhanh đến chóng mặt”. Chỉ hai ngày trước, khi nghe Phó Thủ tướng thông tin, trong một tuần nữa, không có ca nhiễm Covid-19 mới, thì theo quy định, Việt Nam sẽ công bố hết dịch, người dân cả nước ai cũng khấp khởi mừng thầm...

Ngay trong đêm 6/3, trên mạng xã hội tràn ngập những trạng thái được cập nhật:“Tôi cũng thương những y, bác sỹ, những nhân viên y tế trực chiến ở bệnh viện xuyên Tết, không dám ngơi nghỉ dù chỉ một giây. Tôi thương những chiến sỹ lui vào rừng, lập lán trại, chịu rét chịu khổ để ngày ngày băng rừng, ngăn người vượt biên mang theo mầm bệnh.

Tôi thương bà con Sơn Lôi sống chung với hai chữ “cách ly” 20 ngày đêm ròng rã để virus không thể lan rộng và lây lan cho cộng đồng.

Tôi thương “cái bánh mỳ” Việt Nam giữa cơn dịch cũng phải “gồng mình” chịu đựng.

Thương cả những người lãnh đạo tóc bạc quá nửa đầu, ngày đêm trăn trở làm sao để “Việt Nam chiến thắng đại dịch Covid-19”...

Đau lòng thay, chỉ vì lòng ích kỷ của một cá nhân, quên đi lợi ích cộng đồng, mà đánh đổi sự an toàn của người thân, của những người xung quanh, bất chấp công sức của hàng triệu người trong suốt hàng tháng qua.

Đêm nay, vì một người mà hàng triệu người không ngủ, hàng triệu con tim thổn thức, những đôi chân lại thêm tất bật, đèn phòng họp khuya mà chưa thể tắt, mồ hôi chảy trong đêm lạnh, những cái cúi đầu mệt mỏi: “Việt Nam lại có thêm một ca dương tính”!”.

Nhưng, không chỉ có vậy, trên mạng xã hội cũng không ngừng đăng tải những lời trách móc, thậm chí, thóa mạ nữ bệnh nhân N.H.N. một cách sỗ sàng. Đến cả người thân của bệnh nhân N. cũng bị chỉ trích nặng nề.

Ngay trong đêm 6/3, hình ảnh một số hộ dân được cho là sống quanh nhà bệnh nhân N. đã vội vã di chuyển khỏi khu vực vì đến khi có lệnh cách ly thì không thể rời đi.

Ngay trong đêm 6/3, bên cạnh những thông tin chính thống được cập nhật, cũng có rất nhiều “hoang tin” được tung ra, khiến dân tình càng được phen hoảng loạn, hoang mang...

Việt Nam phát hiện thêm ca dương tính! Có ai là người không lo lắng?!

Nhưng sự lo lắng cũng cần đúng mực và tỉnh táo! Chẳng thể lại một lần nữa, để chút ích kỷ cá nhân ảnh hưởng đến nỗ lực chiến đấu với đại dịch của cả nước.

Trước tiên, bệnh nhân N.H.N. hoàn toàn có lỗi khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 vẫn di chuyển trên nhiều phương tiện, tiếp xúc với nhiều người và không khai báo, nhưng có thể hiểu đó là do chủ quan, và chí ít, cô ấy cũng tự ý thức đeo khẩu trang và về đến nhà riêng cũng đã tự tiến hành cách ly tại nhà.

Chính sự chủ quan trước dịch bệnh của cô ấy đã khiến người tiếp xúc bị nhiễm bệnh. Đáng trách! Nhưng không đáng phải nhận những lời lẽ chỉ trích nặng nề. Ai cũng có lúc sai lầm, nên nếu cô ấy biết sai thì cũng nên nhận được sự tha thứ, thay vì chỉ nhận được những cơn “cuồng nộ” trên mạng xã hội. Tin chắc, sau khi vượt qua, cô ấy và gia đình sẽ gửi những lời xin lỗi chân thành đến hàng triệu đồng bào.

Đây cũng là bài học cho toàn dân, không thể chủ quan trước dịch bệnh! Nhưng cũng cần bình tĩnh để tìm giải pháp hữu hiệu nhất.

Về hình ảnh những người dân vội vã rời đi ngay trong đêm, nếu họ chỉ nằm lân cận khu vực cách ly, chỉ vì muốn rời đi xa hơn một chút để đảm bảo an toàn thì cũng không thể trách họ. Đã có các chốt chặn kiểm soát từ trước đó, nên tin rằng, sẽ không có chuyện những người này sẽ mang nguy cơ đi khắp nơi.

Với tôi, chính hình ảnh hàng trăm, hàng nghìn người chen chân, xô đẩy trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ,... mua cả “núi đồ” tích trữ mới là biểu hiện ghê gớm nhất của thói ích kỷ!

Đã có một “bài học lớn” từ tình trạng khan hiếm khẩu trang chỉ trong một tháng trước, biết bao cá nhân trục lợi, đẩy giá cao chót vót, chưa kể, bị lợi nhuận che mờ mắt mà sản xuất khẩu trang với giấy vệ sinh khiến bao người điêu đứng, nhưng dường như vẫn chưa trị được thói ích kỷ này. Không ít người tiêu dùng vẫn bất chấp, không màng đến quyền lợi cho những người đến sau. Chưa kể, việc tụ tập đông người như vậy, lại chính là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn cả...

Để chiến thắng được đại dịch Covid-19, người Việt đâu cần phải xôn xao lan truyền những thông tin gây hoang mang dư luận? Chỉ cần sàng lọc thông tin để có thể đánh giá đúng tình hình. Chúng ta cũng không thể đẩy lùi dịch bệnh bằng những lời lẽ chỉ trích người khác thậm tệ. Điều quan trọng nhất chính là tự bảo vệ bản thân và gia đình, mới có thể góp phần bảo vệ cộng đồng, nhưng không phải “mượn cớ” bảo vệ bản thân mà để thói ích kỷ vô ý “lộng hành”.

Thêm một bệnh nhân là thêm một nỗi lo, nhưng xin hãy cân nhắc thật kỹ, bởi, trong cuộc chiến này, cả hệ thống chính trị hành động kiên quyết, khẩn trương, cùng đội ngũ chiến sỹ, bác sỹ... nỗ lực ngày đêm để bảo vệ cho lợi ích của người dân, để không có một ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng, nếu không gạt bỏ được sự ích kỷ cá nhân, có thể chính bạn sẽ tự bỏ bạn lại phía sau...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img