img

Vụ phun thuốc diệt cỏ chết lúa: Do phun chưa đúng nồng độ, đúng cách

Việt Tâm

Người dân cho rằng lúa chết là do phun thuốc bảo vệ thực vật Nominee 10SC và Whip’S 7.5 EW. Qua xác minh, sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau được biết do người dân sử dụng thuốc chưa đúng liều lượng, nồng độ; chưa đúng lúc, đúng cách.

Phun thuốc diệt cỏ nhưng…lúa chết

Thời gian qua, nhiều hộ dân ở ấp Trùm Thuật, ấp Bảy Ghe, ấp Trùm Thuật A và ấp Lung Tràm thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau gửi đơn đến cơ quan chức năng về việc sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (Nominee 10SC và Whip’S 7.5 EW) làm lúa chết. Ngay khi tiếp nhận thông tin, UBND xã Khánh Hải đã cử cán bộ xác minh thực tế hiện trạng trà lúa của các hộ và quy trình sử dụng thuốc.

Theo UBND xã Khánh Hải, sau khi kiểm tra, các hộ đều sử dụng đúng liều lượng theo hướng dẫn của đại lý (1 trường hợp tăng liều). Tình trạng lúa khi kiểm tra những chỗ lúa bám thuốc đã xuống ủ và chết lõm; những cây lúa còn sống không phát triển so với những cây lúa không bám thuốc. Diện tích lúa bị thiệt hại hơn 10ha; mức độ thiệt hại từ 30% - 80%.

img

Diện tích lúa còn lại sau khi sử dụng thuốc dưỡng, rễ lúa vẫn bị đen, không phát triển.

Trước tình hình thiệt hại của các hộ dân, UBND xã tiến hành mời chủ đại lý, đại diện công ty phân phối thuốc cho đại lý và các hộ dân bị thiệt hại để thương lượng tháo gỡ thiệt hại cho nông dân để phục hồi sản xuất nhưng không thỏa thuận được mức hỗ trợ. Công ty chỉ chấp nhận hỗ trợ thuốc dưỡng cho nông dân. Các hộ dân tiếp tục đề nghị phía công ty và đại lý cần có bồi thường thỏa đáng cho các hộ dân có lúa bị thiệt hại.

Ngày 21/8, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trần Văn Thời cũng có báo cáo vụ việc và cho rằng khả năng của đơn vị không xác định chính xác nguyên nhân lúa chết do sự việc xảy ra đã trên 27 ngày (từ ngày 27/7 đến ngày báo cáo – PV). Để có cơ sở xác định chính xác nguyên nhân, phòng NN&PTNT kiến nghị chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiến hành khảo sát, xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý.

Sau đó, chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiến hành thành lập tổ xác minh và thực hiện từ ngày 1/9 (thời gian xác minh 30 ngày làm việc). Qua kết quả xác minh, chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết có 6 hộ dân sử dụng các sản phẩm thuốc trừ cỏ Whip’S 7.5EW của công ty TNHH Bayer Việt Nam, trong đó có 3 hộ phối trộn với thuốc Nominee 10 SC của công ty Cổ phần khử trùng Việt Nam.

Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Cảnh, ấp Bảy Ghe, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn – người đứng đơn. Tại thời điểm xác minh ngày 4/9, ông Cảnh có sử dụng thuốc trừ cỏ Whip’S 7.5 EW số lượng 14 chai, loại 100ml/chai (1.400ml) phun cho 26 công (33.696m2), lượng nước pha 7 phi loại 220 lít (1.540 lít nước tại ruộng nhà lúc 17 ngày sau gieo sạ). Theo khuyến cáo, lượng thuốc pha từ 0,4-0,5 ml thuốc/320 lít nước phun cho 1ha. Như vậy, 1.400ml thuốc chỉ phun cho diện tích 2,8ha (28.000m2). Lượng nước phun theo khuyến cáo là 896 lít nhưng ông Cảnh pha với 1.540 lít nên vượt 644 lít nước phun.

Do phun chưa đúng liều lượng, đúng cách,…

Đến 6/10, sở NN&PTNT tỉnh cũng có báo cáo cho rằng, qua xác minh được biết do người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng liều lượng, nồng độ; chưa đúng lúc, đúng cách (phun chồng lối, phối hợp hai loại thuốc phun cùng lúc, phun không đúng liều lượng cũng như thời gian hướng dẫn trên nhãn chai),…nên dẫn đến lúa bị thiệt hại.

Theo sở NN&PTNT, sau khi nhận được yêu cầu của các hộ dân, cơ quan chuyên môn đã phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát thực tế, lấy thông tin từ các hộ có diện tích bị thiệt hại và các hộ lân cận; thực hiện lấy mẫu đúng lô thuốc người dân sử dụng bị thiệt hại; tổ chức cho công ty, đại lý cung cấp thuốc cùng bà con nông dân có diện tích bị thiệt hại gặp, bàn bạc tìm biện pháp giải quyết hài hòa giữa các bên; khi có kết quả phân tích mẫu của trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực phía Nam đã ban hành văn bản trả lời.

Cũng theo sở NN&PTNT, sản phẩm công ty và đại lý cung cấp cho người dân sử dụng đều có đầy đủ thủ tục hành chính theo quy định hiện hành (giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật, có trong danh mục được phép buôn bán và sử dụng, có nhãn mắc bao bì thời hạn sử dụng đúng quy định). Các đại lý cung cấp có đầy đủ thủ tục hành chính theo quy định (Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật...). Qua khảo sát của cơ quan chuyên môn, hiện nay diện tích bị thiệt hại đã được khắc phục, tuy nhiên không phát triển tốt bằng trà lúa không phun xịt.

img

Những chỗ lúa bám thuốc đã xuống ủ và chết lõm.

Mặc khác, Thanh tra Sở, chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với xã Khánh Hải tổ chức cho công ty, đại lý cung cấp thuốc cùng bà con nông dân có diện tích bị thiệt hại gặp, bàn bạc tìm biện pháp giải quyết hài hòa giữa các bên. Theo người dân, do có ra công dặm, chăm bón bằng các sản phẩm khác nên đòi bồi thường thiệt hại bằng tiền. Về phía công ty, lúa bị thiệt hại do người dân sử dụng chưa đúng còn sản phẩm không vi phạm chất lượng, đầy đủ thủ tục lưu hành, đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy... Công ty đề nghị hỗ trợ bằng sản phẩm phân, thuốc... Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có sự thống nhất về hình thức cũng như mức hỗ trợ.

Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin Pháp luật, sản phẩm Whip’S 7.5 EW có Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật số đăng ký 3008/CNĐKT-BVTV của cục Bảo vệ thực vật ngày 2/12/2016 (có trong danh mục được phép buôn bán và sử dụng). Sản phẩm Nominee 10 SC có Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật số đăng ký 1462/CNĐKT_BVTV của cục Bảo vệ thực vật ngày 6/12/2016 (có trong danh mục được phép buôn bán và sử dụng).

V.T

img