Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng
Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam cặp vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (49 tuổi) và Nguyễn Thị Dương (40 tuổi) - thường được gọi là vợ chồng đại gia Đường Nhuệ cùng 4 đàn em để điều tra tội “cố ý gây thương tích”. Dư luận kỳ vọng vào việc cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ những hoạt động phạm pháp khác của cặp vợ chồng đại gia này mà người dân từng tố cáo nhưng không có kết quả.
Vậy, có hay không thế lực đứng ra “chống lưng” để đôi vợ chồng này ngang nhiên lộng hành trong suốt một thập kỷ qua? Đó chính là câu hỏi mà nhiều người dân đang chờ đợi câu trả lời từ các cơ quan chức năng.
Để rộng đường dư luận, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội để cùng phân tích và mổ sẻ.
PV: Thưa ông, dư luận đang dấy lên nghi vấn, phải có một thế lực nào đó “chống lưng” cặp vợ chồng Đường – Dương mới lộng hành, hoạt động kiểu xã hội đen trong suốt một thời gian dài, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Có hành vi chống lưng, hay như mọi người vẫn thường hay gọi là “bảo kê” cho công ty của vợ chồng Đường – Dương hay không thì phải có căn cứ. Để khẳng định điều này cơ quan điều tra sẽ tiến hành làm rõ trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, những vụ việc tương tự như vợ chồng Đường – Dương đã xảy ra ở một số địa phương và đã được điều tra, xử lý.
Ông vừa nói tới những sự việc tương tự như của vợ chồng Đường – Dương ở các địa phương, nhìn lại các vụ án xảy ra, khi bị pháp luật "sờ gáy" đã “lộ sáng” nhiều thế lực ngầm đằng sau tiếp tay cho sai phạm của những kẻ phạm tội. Vậy theo ông, nguyên nhân từ đâu?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Để xảy ra thực trạng này, tôi cho rằng có hai nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất, do công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm của một số địa phương không kịp thời, chưa làm tốt công tác phòng ngừa, phong trào quần chúng phát hiện tội phạm chưa tốt. Tuy nhiên, trong số vụ việc đấy cũng chỉ ra một số vụ án có sự làm ngơ, tiếp tay, bảo kê, mà điển hình như một số địa phương, như Đồng Nai là một ví dụ.
Lộng hành một thời gian dài tại tỉnh Thái Bình, chẳng lẽ những việc làm của vợ chồng Đường – Dương cơ quan chức năng không hay biết?
Với vụ việc cụ thể như vợ chồng Đường – Dương ở Thái Bình, có bảo kê hay không thì cần phải chờ kết quả điều tra của cơ quan có thẩm quyền, song không loại trừ khả năng này có thể xảy ra.
Nếu có việc tiếp tay, bảo kê cho vợ chồng Đường – Dương và các đối tượng tay chân, vậy trách nhiệm này thuộc về ai, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Theo thông tin báo chí nêu, hoạt động của đối tượng này diễn ra trong thời gian tương đối dài, có nhiều hành vi mang tính chất xã hội đen; có nhiều hoạt động trên mạng xã hội với những biểu hiện mang tính chất công khai những lối sống, ứng xử hay các hoạt động mang tính chất vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm các quy định trên không gian mạng, đó thể hiện đây là một đối tượng cộm cán. Việc này có sự tố cáo của quần chúng.
Nếu đúng như thông tin báo chí phản ánh thì trách nhiệm thuộc về cơ quan có thẩm quyền ở địa phương. Ví dụ cụ thể như, sự việc xảy ra giữa đối tượng với một công dân ở địa bàn nào thì trách nhiệm của chính quyền địa phương địa bạn đó trong việc tiếp nhận đơn tố giác, giải quyết đơn tố giác, trách nhiệm của các tổ chức chính trị, trách nhiệm của các cơ quan tư pháp, trong đó có công an, VKS, tòa án.
Dù sự việc như thế nào thì phải có một “địa chỉ” chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm về mặt quản lý, trách nhiệm về công tác phòng ngừa, trách nhiệm về tiếp nhận tin báo, tin tố giác. Rõ ràng, để cho sự việc kéo dài là phải có vấn đề. Vấn đề có thể về trình độ năng lực, hoặc trách nhiệm trong việc quản lý địa bàn.
Nếu có việc tiếp tay cho băng nhóm “xã hội đen” Đường “Nhuệ” hoạt động trong thời gian dài, việc này phải xử lý thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Nếu trong quá trình điều tra xác định được có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê, phải xem xét xử lý trách nhiệm tương xứng với hành vi phạm tội của đối tượng.
Cũng giống như vụ đánh bạc nghìn tỷ của Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương; với vai trò tiếp tay trong đường dây này, hai cựu tướng Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đã bị xử lý hình sự trong vụ án này.
Tương tự, nếu trong vụ án của hai vợ chồng Đường - Dương có đầy đủ dấu hiệu, cơ sở để xác định khởi tố đối tượng này về các tội danh quy định trong Bộ luật hình sự cần xem xét dấu hiệu đồng phạm ở đây. Căn cứ vào kết quả điều tra, tùy theo mức độ, hành vi vi phạm có thể xử lý hình sự hay bị xử phạt hành chính.
Cùng bàn về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.
Trên nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm nhiều lần khẳng định sẽ xử lý nghiêm những hành vi “bảo kê” cho tội phạm. Nếu có người đằng sau chống lưng cho cặp vợ chồng Đường – Dương, theo ông cần xử lý như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Nói riêng về vụ án vợ chồng Đường - Dương, với câu hỏi dư luận đang quan tâm rằng có người nào bảo kê cho cặp vợ chồng này lộng hành trong suốt thời gian dài, tôi cho rằng, nếu kẻ nào có chức có quyền mà dùng quyền lực của mình để che chắn, bảo kê cho vợ chồng tội phạm này thì phải xử lý nghiêm khắc, răn đe cho xã hội.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân
Từ câu chuyện này cũng như một số vụ việc khác đã xảy ra và bị xử lý, theo ông, nguyên nhân vì sao một số người có chức quyền, có hiểu biết pháp luật vẫn cố tình tiếp tay cho tội phạm?
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Thời gian vừa qua, qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và thực hiện chỉ đạo của Ban phòng chống Trung ương về tham nhũng, chúng ta đã đưa ra xét xử nhiều vụ đại án lớn, được nhân dân đồng tính, đánh giá cao. Trong đó có những đối tượng phạm tội lại chính là người có trách nhiệm bảo vệ pháp luật, đặc biệt là các chuyên ngành sâu, như là người có trách nhiệm bảo vệ an ninh, thông tin, công nghệ thì lại vi phạm chính quy định mà mình phải bảo vệ.
Việc này đáng báo động, hay những người được giao nhiệm vụ,chức năng năng bảo vệ sự đúng đắn của đường lối chính sách pháp luật, chính sách đất đai thì chính mình lại vi phạm. Câu hỏi vì gì? Câu trả lời là vì tiền, không chế ngự được lòng tham, đã có trọng trách được nhà nước giao phó nhưng lại không chế ngự được lòng tham, bị cám dỗ về vật chất. Hành vi vi phạm nếu có cần phải bị trừng trị nghiêm khắc. Bởi họ am hiểu pháp luật hơn người thường lại trực tiếp được giao nhiệm vụ bảo vệ công lý mà lại vi phạm.
Ông nghĩ thế nào về xử lý trách nhiệm của những cán bộ được giao quyền, trách nhiệm chống tham nhũng, tội phạm, nhưng chính mình lại “nhúm chàm”?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nói riêng và đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, không có bất kể vùng cấm nào, bất kể là ai nếu phạm tội thì càng phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Càng là những người nắm giữ quyền lực được giao phó, càng phải gương mẫu, ý thức hơn hết trách nhiệm của mình. Nếu vi phạm cần xử lý triệt để, nghiêm khắc. Chỉ có trừng phạt nghiêm khắc mới là bài học răn đe cho những kẻ đang nắm giữ quyền lực, lăm le phạm tội.
T.V