Vụ xét xử gian lận thi cử ở Hòa Bình: Đừng sợ trở thành người “khuyết tật”

Cộng đồng vừa xót xa, vừa phẫn uất với câu nói của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí): "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật" trong phiên xét xử gian lận thi cử ở Hòa Bình.

img

Phiên xét xử gian lận thi cử ở Hòa Bình nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đối mặt trước cơ quan pháp luật, 15 bị cáo kẻ cười, người khóc… Khi đứng trước tòa, ai cũng có lý lẽ riêng của mình nhưng có lẽ, câu nói của cựu trưởng phòng khảo thí Diệp Thị Hồng Liên đã khiến nhiều người phải suy nghĩ.

"Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật"

Câu nói ngắn gọn, nhưng lộ ra bản chất của sự việc gây nhức nhối cả xã hội thời gian qua. Nói nôm na, vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình là thế giới của… người gù. Dù muốn hay không, khi đã là thành viên thì đều không thể… thẳng lưng. Có người… gù vì lợi ích cá nhân, có người gù vì… thương học sinh, có người lại gù… vì tất cả đều đã gù! Nhưng với bất cứ lý do gì, cũng khó làm dư luận an lòng, bởi đó đều là hành vi sai trái!

Đáng buồn hơn khi những “người gù” đâu chỉ có trong ngành giáo dục. Họ xuất hiện ở mọi ngành nghề trong xã hội, từ nhà nước đến tư nhân. Và nhiều người cứ “sống mòn” trong thế giới đó mà không thể thoát ra.

Khi đã chấp nhận thỏa hiệp với cái xấu, tức là ta đã tự đưa mình vào… thế giới ngầm. Đó đâu phải là quan điểm sống và làm việc đúng đắn của con người, nhất là đối với những người ươm mầm xanh, giáo dưỡng “nguyên khí quốc gia”.

Họ sẽ lại nói, không ở hoàn cảnh của họ thì làm sao có thể hiểu. Đúng vậy, có rất nhiều nhân tố đưa đẩy họ trở thành người xấu. Nhưng, điều then chốt chính là, tâm họ không sáng, lập trường thiếu vững vàng, quan điểm sống bị xô lệch bởi lợi ích và sự sợ hãi.

"Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật". Tôi cứ thắc mắc mãi, là một người có tri thức, tại sao những cán bộ trong vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình nói riêng và nhiều người nói chung không nghĩ rằng, bớt một “người gù”, thì tập đoàn “người gù” sẽ bớt đi một phần sức mạnh. Tinh thần này nếu được lan rộng, chẳng mấy chốc sẽ đánh sập “đế chế người gù”. Chúng ta sẽ sống cuộc sống bác ái, công bằng và tươi đẹp hơn.

Đừng sợ trở thành người “khuyết tật” mà biến mình thành “người gù”.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Mộc Miên

img