Kỹ sư trẻ Hồ Xuân Vinh.
Hồ Xuân Vinh (SN 1987) sinh ra và lớn lên ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong gia đình giàu truyền thống về lĩnh vực khoa học công nghệ. Có nền tảng gia đình, cùng với ước mơ được làm kỹ sư từ nhỏ nên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thạc sỹ tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hồ Xuân Vinh về quê tiếp tục sự nghiệp của gia đình.
“Sau khi tôi học xong thì có đi làm tại Hà Nội một vài năm với mức lương khá ổn, đúng chuyên ngành. Nhưng sau đó, do cơ duyên nên tôi quyết định về quê khởi nghiệp. Nhiều người khuyên môi trường thủ đô rất thuận lợi để phát triển nhưng theo tôi nghĩ dù ở đâu mà được làm việc mình thích thì đều có cơ hội cả”, Vinh cười.
Năm 2014, anh Vinh quyết định về quê tiếp nhận một xưởng cơ khí của cha anh gây dựng và bắt tay vào ngành chế tạo dây chuyền vật liệu không nung, thay thế cho gạch đỏ nung truyền thống. Đây là thử thách đầu tiên trên con đường sáng chế của kỹ sư trẻ này.
“Thời điểm tôi về, thị trường đã có sự chuyển dịch từ vật liệu nung sang vật liệu không nung. Tuy nhiên, thực tế máy sản xuất rất ít, năng suất thấp nhưng giá thành cao. Vì vậy, tôi nghĩ đây là cơ hội để mình cải tiến máy đóng gạch bằng tay lên máy ép gạch cơ. Kể ra thì ngắn, nhưng đó là cả quá trình. Cũng vì đây là sản phẩm đầu tay nên tôi bỏ ra rất nhiều tâm huyết và tất nhiên gặp không ít thất bại”, anh Vinh kể.
Cuối cùng, quả ngọt đã đến, sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, năm 2017, Hồ Xuân Vinh đã phát triển dòng máy ép gạch cơ lên dòng máy ép gạch công nghệ thủy lực 2 chiều, nâng công suất ra gạch từ 10.000 viên/ca lên 15.000 viên/ca.
Cũng trong năm 2017, anh đã nghiên cứu chế tạo thành công máy ép gạch thế hệ thứ 9 với tính năng vượt trội là tự động hoàn toàn. Sản phẩm máy ép gạch không nung tự động hoàn toàn HHC09 đã đạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An 2017. Máy ép gạch do anh sáng chế đã có mặt tại tất cả 63 tỉnh thành, từ địa đầu Hà Giang cho đến Cà Mau, Phú Quốc và xuất khẩu đi 7 nước trên thế giới.
Từ sáng chế này, Hồ Xuân Vinh được Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Thế giới, Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam chọn làm Chủ nhiệm và tài trợ dự án sáng tạo chống biến đổi khí hậu với đề tài “Giảm sử dụng đất sét nông nghiệp, giảm khí thải, giảm lượng chất đốt tiêu thụ của việc sản xuất gạch không nung bằng giải pháp máy đúc gạch không nung Hồ Hoàn Cầu”.
Anh Vinh hướng dẫn thợ chế tạo máy cho đúng kỹ thuật.
Từ bước đệm đó, Hồ Xuân Vinh đã nghiên cứu và chế tạo nhiều máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất trong nhiều ngành: nông nghiệp, xây dựng, thực phẩm… Trong đó, phải kể tới các dòng máy móc, thiết bị như: máy bẻ đai thép tự động, máy trộn bê tông… đã được thị trường trong nước biết tới và còn xuất khẩu ra các nước trên thế giới.
Vinh tâm sự, tất cả các sáng chế của bản thân anh đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường. Khi anh nghiên cứu về các dòng máy gạch thủy lực, trên thị trường chưa có những sản phẩm tương tự, nhưng nhu cầu thị trường thì rất lớn. Vì vậy, người sáng tạo phải thiết kế, chọn lựa các giải pháp của mình để đáp ứng được yêu cầu đó, và giá thành phải thật tốt, để giá cả không trở thành rào cản cho khách hàng đầu tư.
“Khoa học kỹ thuật là để phục vụ cuộc sống, đặc biệt là người nông dân, việc cơ giới hóa sẽ giúp người dân phát triển hơn. Từ các sáng chế, tôi muốn giúp ích cho xã hội trong mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giúp nhiều thanh niên không còn cảnh ly hương làm ăn xa, có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đó cũng là mục đích của tôi khi về quê lập nghiệp”, Vinh nói.
Anh Vinh với máy xẻ thân cây chuối, máy tách sợi dứa, máy tách sợi chuối tự động.
Một trong những sáng chế “tâm đắc” mới đây nhất của anh là máy xẻ thân cây chuối, máy tách sợi dứa, máy tách sợi chuối tự động. “Sinh ra trên mảnh đất nông nghiệp, được xem là vựa rau, quả của cả tỉnh Nghệ An, tôi nhận thấy bà con nông dân khi trồng dứa, trồng chuối luôn phải bỏ đi rất nhiều thân, lá. Ví như cây dứa, qua 18 tháng chăm bón chỉ thu hoạch quả, còn lá và thân cây trở thành phế phẩm nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí lớn”, anh nói.
Vì vậy, sau quá trình quan sát và nghiên cứu, Hồ Xuân Vinh nhận thấy các loại lá dứa, thân chuối là những nguồn nguyên liệu đầu vào có thể tách sợi và ứng dụng vào thực tiễn. Từ đó, anh tập trung nghiên cứu các dây chuyền máy móc chế biến sợi chuối, sợi dứa. Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi, cuối cùng anh đã thành công.
Chỉ vào cỗ máy mới vừa “ra lò”, Vinh tự hào giới thiệu: “Dây chuyền có thể chẻ, tách sợi từ thân chuối, biến bẹ chuối thành một lượng sợi lớn làm nguyên liệu cho nhiều ngành ở Việt Nam như ngành sợi thời trang, bao bì, giấy. Ngoài ra, phần bã chuối tưởng sẽ bỏ đi được tôi nghiên cứu công nghệ ép tách bã khô và nước, sau đó nước sẽ được ủ lên men để thành nước dinh dưỡng giàu Kali là phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng. Còn bã có thể làm các loại bát, đĩa, khay dùng một lần hay ủ làm phân hữu cơ bón lại chính các vườn chuối”.
Cơ sở của anh Vinh đã giúp nhiều lao động có việc làm.
Vì tính hữu dụng, máy tách sợi đã đạt giải Ba trong hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Nghệ An lần thứ 16 năm 2021. Anh tự tin khẳng định, đây là dự án khởi đầu cho việc phát triển một ngành mới của Việt Nam là ngành chế biến sợi chuối, mở ra cơ hội việc làm cho nhiều thanh niên tại nông thôn.
Dự án phát triển ngành sợi chuối Việt Nam đã đạt giải nhất Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021; giải nhất Cuộc thi toàn quốc khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo do Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức; giải nhì Sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC Nghệ An 2021. Ngoài ra, dự án đã đạt giải ba dự án xuất sắc nhất Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia năm 2021.
Với nhiều đóng góp cho ngành môi trường, nhiều sáng kiến sáng tạo ứng phó biến đổi khí hậu, anh đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ KH&CN tặng kỷ niệm chương, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An xét chọn là đại diện duy nhất của tỉnh nhà tham gia giải Môi trường Việt Nam năm 2021.
Anh Vinh được trao thưởng nhiều bằng khen, giấy khen.
Ngày 4/3 vừa qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa công bố 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021, Hồ Xuân Vinh là đại diện duy nhất của tỉnh Nghệ An lọt top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021.
Đến nay, anh có 26 sáng chế, trong đó 10 sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích, độc quyền kiểu dáng công nghiệp; 16 sáng chế đang chờ công nhận. Nhiều sản phẩm đã được Bộ Công thương bình chọn là Hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu toàn quốc và khu vực.
Mặc dù vậy, khi nói về những sáng chế của mình, anh vẫn luôn cảm thấy chưa hài lòng. Anh nói mình vẫn phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để tạo ra các dụng cụ vừa rẻ lại giúp thay đổi cuộc sống của người dân.
“Tất cả những điều mà bản thân theo đuổi là để khẳng định mình và góp một phần sức lực giúp ích cho xã hội trong mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo thêm việc làm và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tôi luôn mong muốn được đồng hành cùng với lực lượng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp để không còn cảnh ly hương làm ăn xa mà làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình”, anh nói.
Hồ Xuân Vinh vinh dự được chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi lễ trao giải cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo.
Anh Đặng Ngọc Minh, Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Lưu chia sẻ: “Vinh đang là Ủy viên Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Quỳnh Lưu, một gương sáng về khởi nghiệp, làm kinh tế giỏi. Không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương mà anh Vinh còn tham gia đóng góp nhiều hoạt động thiện nguyện, xây dựng nông thôn mới”.
Trao đổi thêm về tấm gương điển hình này, anh Lê Văn Lương, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cho biết, luôn luôn nỗ lực và có nhiều sản phẩm chất lượng, kỹ sư trẻ Hồ Xuân Vinh là tấm gương sáng cho đoàn viên, thanh niên học tập.
A.N