Trong tình huống xấu nhất, xét học bạ là giải pháp hữu hiệu nhất để học sinh lớp 12 trên cả nước tốt nghiệp THPT, cũng có thể xem là phương thức tuyển sinh “nhàn hạ” nhất cho các trường đại học, nhưng đi kèm lại là băn khoăn về chất lượng đầu vào.
“Kịch bản” nào cho kỳ thi THPT Quốc gia năm nay đang trở thành “tâm điểm” gây gây tranh cãi trong dư luận. Trong tình huống xấu nhất, nếu không kịp cho học sinh trở lại trường trước ngày 15/6, kỳ thi THPT Quốc gia có thể sẽ không được tổ chức, thay vào đó, các trường phải xét tốt nghiệp qua học bạ.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, các trường đại học chỉ nên xem đó là phương thức sơ tuyển và cần chủ động phương án để đảm bảo cả số lượng lẫn chất lượng tuyển sinh.Hiện tại, trong khi các trường phổ thông trên cả nước vẫn chưa biết đến khi nào mới có thể cho học sinh trở lại trường một cách an toàn, kế hoạch thi THPT Quốc gia của bộ GD&ĐT sau hai lần lùi thời gian, dự tính tổ chức từ ngày 8-11/8, vẫn đứng trước “kịch bản” phải hủy bỏ trong tình huống xấu nhất. Kéo theo đó, phương thức tuyển sinh của các trường đại học cũng phải thay đổi hoàn toàn.
Xét tuyển học bạ có thể vốn từ lâu đã là một trong những phương thức tuyển sinh của một số trường, một số ngành. Nếu chỉ chăm chăm tuyển sinh qua căn cứ xét học bạ, có thể sẽ “nhàn” cho các trường đại học và dễ tuyển sinh, tuy nhiên, sẽ khiến các trường đối mặt với rủi ro lớn về chất lượng đầu vào.
Đó sẽ là một “canh bạc” của nhiều đại học, đặc biệt, ở những ngành “hot”, trường “top”.
Một chuyên gia giáo dục đặt vấn đề lo ngại: “Phương thức xét tuyển học bạ ở các trường khác nhau sẽ cho ra các kết quả học tập không giống nhau”. Thực tế, ở các trường THPT khác nhau, ở các địa phương khác nhau, có mặt bằng về giáo viên, cơ sở vật chất khác nhau, truyền thống, uy tín và chất lượng khác nhau. Điều đó khiến tiêu chí và cách thức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau, thiếu sự khách quan, công bằng trong kết quả giữa các trường, các địa phương.
Nhiều người cũng e ngại tình trạng thiếu minh bạch trong việc đánh giá, cho điểm ở trường phổ thông, khi những tiêu cực đã rất dễ xảy, khi phụ huynh có thể bỏ tiền “làm đẹp” học bạ cho con, sẽ dẫn đến thiếu công bằng trong việc “quyết định số phận” ở ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời.
Nhất là sau vụ gian lận “vô tiền khoáng hậu” gây chấn động tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình năm 2018, thì những ám ảnh về tiêu cực thi cử ở nhiều công đoạn và mục đích xét tuyển là hoàn toàn có cơ sở.
Chưa kể, có những trường hợp, điểm số ảo trong học bạ lại được chấm trên những bài kiểm tra gian dối trót lọt.
Một nữ sinh trung học từng gửi tâm thư đến Người Đưa Tin Pháp luật với nỗi lo lắng, trăn trở: “Nếu chỉ xét học bạ sẽ hủy hoại tương lai của không biết bao nhiêu người và mang lại cơ hội cho những người gian dối điểm số. Bởi chính mắt con đã nhìn thấy nhiều bạn trong lớp chép tài liệu trong các giờ kiểm tra định kỳ bằng cách sử dụng điện thoại, đồng hồ thông minh, sách vở để chép đáp án, với mục đích kiếm cho mình một điểm số giả mạo. Một điểm số mà có thể còn cao hơn điểm số thực của tụi con - của những người học thực sự”.
Hơn nữa, sinh viên xét tuyển học bạ bước vào giảng đường đại học có nguy cơ bị “rơi rụng” nhiều.
Bài học lớn từ trường đại học Nha Trang trong khảo sát cuối năm 2019 cho thấy rõ nét nhất năng lực của những thí sinh xét tuyển bằng học bạ: trong hai năm triển khai phương thức xét tuyển học bạ, trường có đến 20% sinh viên (khoảng 1.000 sinh viên) bị xếp loại yếu kém, nhập học rồi nghỉ học hoặc bị buộc thôi học do kết quả học tập yếu kém trong 1-2 học kỳ đầu, người học không theo kịp chương trình học. Trường đại học Nha Trang ngay sau đó đã phải “tạm biệt” phương thức xét tuyển này.
Đại diện phòng đào tạo của trường khi đó cũng lý giải, nhiều sinh viên có tổ hợp 3 môn xét tuyển học bạ là 25 điểm nhưng điểm thi THPT Quốc gia của 3 môn tương ứng chỉ 8-10 điểm (tức là chênh lệch đến 17 điểm). “Điểm học bạ tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đánh giá năng lực của học sinh”, ông khẳng định.
Học bạ có thể là giải pháp tình thế để kết thúc năm học 2019-2020, nhưng không thể là phương thức tuyển sinh công bằng và khách quan cho năm học mới nơi giảng đường đại học.
Đứng trước những nguy cơ, mong rằng bản thân các trường đại học sẽ sẵn sàng, chủ động những phương án phù hợp để có “sàn đấu” công bằng cho các thí sinh, và hơn hết là đảm bảo chất lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!