Những ngày vừa qua, thông tin ĐBQH Phạm Phú Quốc (đoàn TP.HCM) chi 2,5 triệu USD (khoảng 58 tỷ đồng) sở hữu "hộ chiếu vàng" khiến dư luận bất ngờ. Bất ngờ bởi lẽ, không chỉ giữ chức vụ Tổng giám đốc công ty NHHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), một công ty nhà nước của TP.HCM, ông Phạm Phú Quốc còn là một ĐBQH đương nhiệm, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân.
Ảnh minh họa
Việc ĐBQH có thêm quốc tịch nước ngoại chỉ bại lộ sau khi loạt bài điều tra của hãng tin Al Jazeera (Trung Đông) nêu đích danh tên ông và vợ được nhận quốc tịch Síp.
Trước những luồng thông tin trái chiều về chuyện ĐBQH sở hữu "hộ chiếu vàng", ông Phạm Phú Quốc đã xác nhận với báo chí, ông được vợ con bảo lãnh để tương lai sau này khi về nghỉ, ông sẽ thuận tiện đi lại chăm sóc gia đình. Hoàn toàn không có chuyện "mua quốc tịch" với giá 2,5 triệu USD.
Khi lời của vị đại biểu khẳng định "chắc như đinh đóng cột" thì những hoài nghi về con số 2,5 triệu USD để sở hữu "hộ chiếu vàng" vẫn chưa có hồi kết. Bởi, khoản tiền để có thể sở hữu “hộ chiếu vàng” ở đảo Síp cao gấp 3 lần doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 và bằng 90 năm tích lũy của cán bộ quản lý IPC.
Người viết trộm nghĩ, có lẽ chỉ giới “siêu giàu”, những người trong "bản đồ người giàu" của thế giới mới chịu chi như vậy mà thôi. Thử hỏi, một vị ĐBQH thì lấy đâu ra nhiều tiền đến như vậy để “mua quốc tịch”?
Có chăng, cần làm rõ vì sao ĐBQH lại chậm kê khai quốc tịch cũng như minh bạch kê khai tài sản của ông Quốc để trả lời cho công luận tỏ tường. Nếu phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm, còn không sẽ "giải oan" cho ĐBQH trước cáo buộc "mua quốc tịch".
Chuyện chi 2,5 triệu USD mua quốc tịch có thể là câu chuyện "nửa sự thật" nhưng ĐBQH Phạm Phú Quốc có quốc tịch nước ngoài là sự thật đã rõ ràng. Nghe tin này, nhiều người đặt câu hỏi: ĐBQH Việt Nam có được phép có hai quốc tịch hay không và ông đang đại diện cho ai? Ủy viên Ủy ban Pháp luật, ĐBQH Phạm Văn Hòa không ngần ngại nêu quan điểm: “Phải chăng ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp để “dọn đường”, khi bị phát hiện vi phạm sẽ “chạy” sang bên đó”?
Câu chuyện của ông Phạm Phú Quốc cũng vì nhiều luồng ý kiến đồn đoán mà trở nên "hot" và thu hút sự quan tâm của dư luận hơn cả những tin “hot” nhất theo thông lệ. Bởi, người ta khó có thể tin chuyện ĐBQH trước đó luôn lo cho “gánh nặng” của dân lại giấu nhẹm chuyện sở hữu thêm quốc tịch nước ngoài không khai báo với tổ chức.
Điều đáng nói, khi các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, ông nhẹ nhàng xin thôi làm ĐBQH và rời "ghế nóng" Tổng giám đốc. Nếu ai cũng làm sai xong "rút êm" thì nghị trường chẳng lẽ... là cái chợ?
Với tư cách là ĐBQH, với tư cách một cán bộ, đảng viên, ông Phạm Phú Quốc đã trung thực trong việc kê khai, khai báo về việc sở hữu hai quốc tịch hay không? Vì sao ĐBQH lại “âm thầm” có hai quốc tịch?
Trả lời trên Người Đưa Tin Pháp Luật, một ĐBQH khác đã thẳng thắn lên tiếng: "Vì sao đang là ĐBQH Việt Nam, ông Quốc lại "nương tựa" vào một nước khác? Chúng tôi bầu ông ra, ông đại diện cho ai? Liệu một công dân Việt Nam nào sẵn sàng uỷ quyền cho một công dân Síp đại diện cho mình ở Quốc hội không?".
ĐBQH là tiếng nói của cư tri, đại diện cho nhân dân nhưng lại không trung thực thì thật khó có thể chấp nhận. ĐBQH không phải là một đứa trẻ mà vợ con ông lại "gắp hộ chiếu bỏ tay người" để ông hàm oan?
Ông là người làm luật, tham gia thảo luận tại nghị trường, ông cũng quá rõ từng có một ĐBQH đã bị miễn nhiệm vì kê khai không trung thực, trong đó có chuyện”quên” khai có 2 quốc tịch. Chẳng lẽ, vì ông làm luật, ông hiểu được "kẽ hở" để lách khi mà năm 2021 mới có quy định chính thức về chuyện ĐBQH chỉ có một quốc tịch Viêt Nam?
Còn quá nhiều câu hỏi, sự hồ nghi từ dư luận mà có lẽ chỉ có sự trung thực của chính ĐBQH Phạm Phú Quốc mới giải đáp được. Nhưng dù có lý giải bằng cách nào, ông cũng đã sai rồi. Có thể các quy định trước đó còn chưa rõ ràng nhưng nói theo cách nói của TS.Phạm Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội “về mặt đạo lý là không được, rõ ràng không ổn đối với các cử tri”!
Hương Lan *Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.