Liên quan đến thông tin kể trên, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã ghi nhận nhanh một số ý kiến của người dân đi khám bệnh tại một cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội.
Bà Phạm Thị Tới (quê Yên Bái) đưa người thân vào bệnh viện Bạch Mai thăm khám bệnh, đồng thời được chỉ định điều trị gan phải nằm viện khoảng 2 tuần. “Tôi đưa chồng xuống bệnh viện điều trị, nhưng ở đây vì đông quá nên chồng tôi phải nằm ghép giường. Hiện tại, chồng tôi đã làm thủ tục chuẩn bị ra viện. Nếu lần sau có người nhà xuống khám và giường bệnh không còn phân biệt, không còn cảnh giường ghép thì dân nghèo như chúng tôi cũng thấy vui, được an ủi phần nào”.
Bày tỏ về việc nằm ghép giường, bệnh nhân P.T.T (điều trị tại viện Huyết học và Truyền máu Trung ương vui vẻ: “Nằm ghép giường để truyền máu, khó chịu, chật chội là vậy nhưng tôi và các bệnh nhân khác vẫn phải chấp nhận để điều trị cho hết đợt. Nếu có cơ chế bệnh nhân không còn phải nằm giường ghép nữa thì những bệnh nhân như chúng tôi sẽ thấy thoải mái hơn”.
Hy vọng không còn cảnh bệnh nhân phải nằm ghép.
Nói về lý do đưa ra ý kiến dần tiến tới xoá bỏ giường dịch vụ, trao đổi với PV, TS.BS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Hiện nay, sự khác biệt giữa giường dịch vụ và giường không dịch vụ dường như không còn, giường nào cũng có điều hoà, có nhà vệ sinh, phòng tắm, đồ ăn nước uống, chăm sóc… Vậy thì, khi đã nâng cao chất lượng dịch vụ bao gồm tất cả các dịch vụ đã nêu trên, làm gì còn sự khác biệt nữa mà yêu cầu giường dịch vụ”.
Bác sĩ Hùng cũng nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng dịch vụ là điều sống còn, nếu không đưa được chất lượng phục vụ tốt thì người bệnh có quyền lựa chọn không đến với bệnh viện.
“Như vậy, cũng tạo ra được việc người bệnh khi đến bệnh viện được hưởng chất lượng dịch vụ tốt. Đặc biệt, không có sự bất bình đẳng, ai đến cũng phải được chữa bệnh tốt. Chứ ai có tiền chữa tốt hơn, ai không có tiền chữa tốt vừa là điều bất bình đẳng”, bác sĩ Hùng bày tỏ.
Bên cạnh đó, khẳng định lại một lần nữa về ý kiến đang nhận được sự quan tâm của dư luận, đại diện truyền thông của bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Thời gian tới, bệnh viện Bạch Mai sẽ tiến tới hạn chế tối đa việc nằm ghép, nâng cao chất lượng chuyên môn, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiến tới xoá bỏ khoảng cách giữa giường dịch vụ và giường thường”.
TS.BS. Hùng cho rằng ai cũng có quyền được chữa bệnh như nhau, không còn sự phân biệt.
Về việc tiến tới xoá bỏ giường dịch vụ tại các bệnh viện công, ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) bày tỏ hoàn toàn đồng ý với điều này.
Ông Phạm Văn Học cho biết: “Các bệnh viện công phải ra công, tư phải ra tư. Với bệnh viện công, đặc biệt tuyến cuối như bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện Nhà nước thì phải cung cấp những dịch vụ y tế thiết yếu là những thứ người dân đang cần. Khi đã phổ cập, tất cả mọi người đều được sử dụng dịch vụ một cách bình đẳng, đến lúc đó mới đầu tư xã hội hoá, nâng cao chất lượng để hưởng dịch vụ.
Nhưng, trong khi mặt bằng chung về dịch vụ y tế thiết yếu chưa đáp ứng được, vẫn còn nằm ghép, nằm hành lang thì chưa thể bàn đến chuyện dịch vụ theo yêu cầu được. Vì vậy, chủ trương của bệnh viện Bạch Mai tôi cho rằng hoàn toàn phù hợp”.
Ông Học chia sẻ thêm, nếu có giường dịch vụ theo yêu cầu ở bệnh viện công cần phải tách bạch rõ ràng: “Phòng yêu cầu phải được hình thành trên cơ sở nguồn vốn xã hội hoá, không thể dùng những nhà của bệnh viện công nâng cấp lên và gọi đó là phòng yêu cầu. Không chỉ riêng bệnh viện Bạch Mai, các bệnh viện công đều phải như vậy.
Bệnh viện công cũng không phải chỉ dừng lại ở dịch vụ y tế thiết yếu, bởi khách hàng đến viện công cũng cần có không gian riêng, cần có dịch vụ cao cấp phục vụ điều trị. Vậy, bài toán ở đây là cần xã hội hoá, khu dịch vụ được đầu tư bằng các nguồn vốn xã hội hoá.
Hiện nay, phần lớn các bệnh viện công vẫn cứ lấy hạ tầng cũ của Nhà nước đầu tư nâng cấp lên để làm phòng theo yêu cầu. Tôi cho rằng, đó là sự bất công, chưa tạo được sự công bằng cho người dân. Việc xoá bỏ giường dịch vụ là cần thiết, khi nào được tách bạch, có tài sản riêng theo nguồn vốn xã hội hoá thì khi đó bệnh viện kinh doanh như thế nào là tuỳ”.
Liên quan đến việc để bệnh nhân không còn phải nằm giường ghép, theo ông Học, ở mỗi tỉnh có cách làm khác nhau, một số tỉnh khác cũng lấy tài sản cũ nâng cấp, sửa chữa thành phòng yêu cầu. Theo ông Học, bệnh viện tại tỉnh Phú Thọ làm khác: “Các bệnh viện công vay ngân hàng, xây lên các toà nhà yêu cầu thì được quyền thu thêm. Tuy nhiên, có một vấn đề là nhà thì được xây bằng vốn xã hội hoá, trang thiết bị cũng vậy nhưng con người vẫn được đào tạo bằng vốn ngân sách Nhà nước. Vì vậy, trở lại câu chuyện đầu tư xã hội hoá y tế, tôi vẫn nhất quán quan điểm công phải ra công, tư phải ra tư. Bây giờ cứ nhập nhằng giữa công và tư sẽ không có lợi cho người dân”.
“Ngày xưa, máy điều hoà được coi là xa xỉ, bệnh nhân nằm phòng chỉ có quạt, nóng quá thì phải trả tiền cho dịch vụ máy điều hoà, đó là yêu cầu. Nhưng, khi tất cả các phòng bệnh hiện nay đều có máy điều hoà thì không còn yêu cầu. Quan điểm của bệnh viện chúng tôi, đưa tất cả dịch vụ ở chất lượng cao thì không còn sự khác biệt”, bác sĩ Hùng nói.
T.L