PV Người Đưa Tin Pháp Luật có mặt tại thôn Quyết Tiến, xã Phương Khoan, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc vào một buổi chiều đầu thu. Hỏi thăm hai anh em Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Mạnh Tùng, người dân nơi này ai nấy đều biết rõ và xót thương cho số phận của hai đứa trẻ.
Dưới sự trợ giúp nhiệt tình của một cán bộ xã, chúng tôi tìm đến ngôi nhà mà hai anh em sinh sống. Dừng xe trước ngõ, chúng tôi thấy một người phụ nữ gầy gò, ăn mặc lam lũ đang lúi húi thu dọn ít ngô đang phơi vào bao.
Căn nhà khang trang mà hai anh em Bình được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng cách đây không lâu.
Nghe tiếng bước chân, người phụ nữ ấy tạm dừng công việc, hướng ánh mắt ngạc nhiên xen lẫn tò mò về phía chúng tôi. Đó là chị Nguyễn Thị Dung (cô ruột của Bình và Tùng- PV). Sau khi được vị cán bộ xã giải thích, chị tất tả mời chúng tôi vào nhà.
Chị Nguyễn Thị Dung (cô ruột của Bình và Tùng) trải lòng với PV Người Đưa Tin Pháp Luật.
Chị Dung cho biết, gia đình anh Nguyễn Văn Hòa (SN 1965) và chị Nguyễn Thị Én (SN 1974) sinh được hai người con trai. Cháu đầu khỏe mạnh, bình thường nhưng cháu thứ hai lại mắc bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh.
Dẫu cuộc sống gia đình anh Hòa gặp nhiều khó khăn nhưng anh vẫn cố gắng làm ruộng, làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống cũng như chữa bệnh cho người con trai út. Mọi thứ trở nên khó khăn hơn gấp bội khi anh Hòa phát hiện mình mắc bệnh ung thư phổi.
Thương vợ, thương con, anh Hòa vẫn cố gắng làm việc để tích góp từng đồng. Năm 2018, sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, anh Hòa qua đời.
Chị Dung tỏ ra buồn bã khi nhắc về vợ chồng người anh quá cố.
Từ ngày chồng mất, chị Én buộc phải nén chặt nỗi đau vào trong lòng để kiếm tiền chữa bệnh và nuôi dạy hai con thành người. Ngoài làm nông, chị Én không có công việc nào ổn định. Chị dành dụm, chắt chóp từng đồng ít ỏi để nuôi các con và hàng tháng đưa con trai út về Hà Nội chữa trị.
Tuy nhiên, căn nhà nhỏ ấy tiếp tục nhận được tin dữ khi chị Én cũng phải đối diện “án tử” với căn bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối.
“Chị Én phát hiện mình bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối. Cả nhà ai nấy cũng sốc và lo lắng. Gia đình chỉ biết động viên và hỗ trợ chị đôi chút. Đến tháng 8, chị qua đời”, chị Dung chua xót tâm sự.
Căn nhà mới dù khang trang nhưng không có vật dụng gì thực sự đáng giá.
Chị Dung chia sẻ thêm, nhà chị ngay sát bên nên kể từ khi bố mẹ hai cháu mất, hằng ngày, chị luôn sang nhà động viên, nấu ăn hoặc mua ít đồ ăn cho các cháu. Khi nào chị bận hoặc mệt, hai anh em Bình sẽ tự hái ít rau ngoài vườn cùng chút trứng gà nhà nấu ăn.
Chỉ tay về phía căn nhà cấp bốn khang trang phía sau lưng, chị cho biết, nơi mà hai anh em Bình và Tùng đang ở là nhà tình thương được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng vào năm ngoái.
“Căn nhà này mới được xây dựng năm ngoái. Trước đây, gia đình anh tôi sống trong ngôi nhà tồi tàn lắm, nghèo khó, lấy tiền đâu mà xây. Cũng may chính quyền và các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng được căn nhà khang trang hơn”, chị cho biết.
Sự xúc động của chị Dung khiến không khí trở nên im ắng, nặng nề. Đúng lúc này, cánh cửa sắt một lần nữa được mở ra. Trên chiếc xe đạp cũ, Bình đèo em trai đi học về. Cất tiếng chào chúng tôi, anh em Bình nhanh chóng chạy về bên chị Dung.
Sau khi đón em đi học về, Bình dẫn Tùng vội vã vào nhà thắp hương cho bố mẹ .
Ánh tà dương của một buổi chiều thu dần buông xuống, không gian yên ắng, trầm lặng đến bất ngờ. Ngoài tiếng nhái kêu vang cũng chỉ có mùi nhang và những tiếng thì thầm khấn vái của hai anh em Bình trước di ảnh bố, mẹ. Chứng kiến sự đơn côi của hai anh em, chúng tôi xót xa vô cùng.
Hướng ánh mắt về hai đứa cháu tội nghiệp, chị Dung cho biết: “Cháu Tùng khi đỡ mệt, tôi lại đưa cháu đến lớp. Làm vậy để cháu biết viết, biết đọc chứ Tùng ốm đau thường xuyên, hàng tháng, cháu lại phải đi chữa bệnh dài ngày thì học hành sao tốt được”.
Hai anh em Bình và Tùng ngồi bên người cô của mình.
Dắt tay em từ trong nhà đi ra, Bình có đôi chút ngại ngùng nhưng vẫn tâm sự với chúng tôi. Được biết, sau khi bố mắc bệnh, Bình nghỉ học để phụ giúp gia đình: “Sau khi học hết lớp 9, em nghỉ học để ở nhà chăm sóc bố và em. Bố mất, em và mẹ thay nhau đưa Tùng lên Hà Nội chữa bệnh dài ngày. Bây giờ mẹ em cũng mất, phải trông nom Tùng nên em cũng không có thời gian làm việc gì khác”.
Để duy trì sức khỏe, hằng tháng, Tùng phải xuống viện Huyết học và Truyền máu TW để điều trị. Sức khỏe của Tùng ngày một yếu, lượng máu cần truyền mỗi đợt điều trị khá lớn. Sau mỗi lần truyền máu do chức năng thải độc kém Tùng phải dùng thêm thuốc bổ gan và truyền thải sắt.
Có lẽ, tài sản quý giá nhất của hai anh em chính là ngôi nhà, con lợn nái và vài con gà mà bố mẹ để lại.
Nhìn người em ốm yếu ngồi nép mình bên cạnh cô, Bình cho biết: “Nếu không mua thuốc của bệnh viện, mọi chi phí đi lại, ăn ở khoảng 800 nghìn. Còn nếu phải mua thuốc, tất cả khoảng chi là gần hai triệu. Cũng may có một số nhà hảo tâm giúp đỡ, nếu không hai anh em không biết xoay sở ra sao”.
Vỗ về đứa cháu nhỏ, chị Dung tiếp lời: “Bệnh của Tùng, các bác sĩ nói rằng cần được phẫu thuật lá lách, tránh biến chứng suy tim, gan, thận thì mới có cơ hội sống lâu dài. Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình éo le, bố mẹ mất sớm, tôi lại không có điều kiện nên không biết giúp cháu thế nào”.
Nở nụ cười buồn, Bình cho biết sẽ làm đủ mọi nghề để kiếm tiền chữa bệnh cho em.
Hướng ánh mắt buồn buồn nhìn về phía chân trời, Bình tâm sự với chúng tôi rằng em sẽ cố gắng làm đủ mọi nghề để có tiền chữa bệnh cho em trai: “Dù biết rất khó khăn nhưng đợi qua 49 ngày của mẹ, em sẽ đi làm, nghề gì cũng được để kiếm tiền chữa trị cho Tùng rồi mới nghĩ đến tương lai của mình sau.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Đinh Công Trình, Chủ tịch UBND xã Phương Khoan cho biết: “Gia đình hai cháu Bình và Tùng rất éo le. Bố mẹ bị ung thư và đã qua đời. Địa phương cũng đã hỗ trợ xây nhà đoàn kết cho hai anh em. Cháu Tùng lại mắc bệnh tan máu, vì thế, chúng tôi luôn kêu gọi các đoàn thể xã hội giúp đỡ cháu. Hiện tại, cháu Tùng đang được nhận chế độ người tàn tật.
Đ.L