PV Người Đưa Tin Pháp Luật có mặt ở xã Yên Nam, thị xã Duy Tiên, Tỉnh Hà Nam vào một buổi trưa cuối tháng 8. Dù đã vào thu nhưng tiết trời vẫn oi ả. Dưới sự trợ giúp nhiệt tình của một cán bộ xã, xuyên qua những con ngõ nhỏ thưa người, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà ông Lẫm.
Nghe thấy tiếng chó sủa, một người đàn ông với thân hình gầy guộc lê những bước chân đầy khó nhọc bước ra.
Căn nhà nhỏ, nơi hai bố con ông Lẫm sống nương tựa vào nhau
Hướng ánh mắt hiền lành và u buồn về phía chúng tôi, ông Lẫm gắng cười thân thiện chào đón. Bước chân vào ngôi nhà mà hai bố con ông Lẫm sinh sống, điều đầu tiên chúng tôi có thể cảm nhận được chính là sự ngột ngạt, bí bách và ẩm thấp.
“Căn nhà này được mọi người hỗ trợ xây dựng nên từ khá lâu rồi. Thời tiết này, nhà hơi nóng, các cháu thông cảm”, thấy người chúng tôi đẫm mồ hôi, ông Lẫm ái ngại nói.
Ngoài hai chiếc giường cũ kỹ cùng vài cái ghế nhựa sắp hỏng, trong căn nhà của ông Lẫm không có bất kỳ một đồ vật nào có giá trị.
Căn nhà không có bất cứ đồ vật gì giá trị.
Ngồi xuống chiếc ghế nhựa cũ kỹ một cách đầy khó nhọc, ông tâm sự: “Sau khi đi bộ đội về, tôi lập gia đình và có được năm người con, bốn trai một gái. Con gái tôi tính cách thất thường, chậm chạp ngay từ nhỏ nên sau khi vợ tôi qua đời, tôi sống với nó để tiện bề chăm sóc”.
Ông Lẫm cho biết, dù cuộc sống của hai bố con không khốn khó nhưng ông vẫn cảm thấy có nguồn động viên vì chị Vũ Thị Dõi (con gái út-PV) rất ngoan và hiếu thảo.
Điều mà ông luôn canh cánh trong lòng ngày ấy chính là chị Dõi dù đã “quá tuổi cập kê” nhưng vẫn không có ai ngó ngàng. “Cái Dõi chậm chạp, tính khí thất thường lại không xinh đẹp, nên từ ngày còn trẻ đến giờ không có ai ngó ngàng tới”, đưa tay lau mồ hôi, ông Lẫm tâm sự.
Chị Dõi dù hiền lành nhưng chậm chạp nên suốt thời thiếu nữ, không một ai để ý đến.
Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi qua cho đến một ngày ông Lẫm nhận ra con gái mình có những biểu hiện bất thường. “Năm con gái tôi hơn 30 tuổi, Dõi bất ngờ có mang. Lúc ấy tôi tôi giận lắm nhưng không nỡ trách móc con”, hướng ánh mắt về phía người con gái, ông Lẫm tâm sự.
Một thời gian sau, chị Lẫm lâm bồn và sinh ra một bé trai khỏe mạnh. Nhìn đứa cháu trai lớn khôn từng ngày, ông Lẫm vui lắm. Ông tâm sự với chúng tôi: “Con gái tôi sinh cháu ra cũng là lộc trời ban. Tôi có nhắm mắt, xuôi tay, Dõi cũng có nơi mà dựa dẫm”.
Suốt nhiều năm qua, ông Lẫm luôn phải mang bọc nước tiểu bên người sau khi phẫu thuật tuyến tiền liệt.
Ấy vậy nhưng, số phận nghiệt ngã lại khéo trêu người khi đứa cháu trai ngoan ngoãn của ông trong một lần đi chơi với bạn bị đuối nước và ra đi mãi mãi. “Năm lên 9 tuổi, cháu đi chơi với bạn bè và bị đuối nước. Đau đớn lắm”, ông Lẫm nghẹn ngào cho biết.
Mất đi người cháu ngoại, ông Lẫm suy nghĩ nhiều dẫn đến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng. Năm 2009, ông mắc u xơ tuyến tiền liệt và buộc phải phẫu thuật.
Bố con ông Lẫm tâm sự với PV Người Đưa Tin Pháp Luật.
Hơn 11 năm qua, việc phải mang bên mình túi nước tiểu do không thể đi tiểu như người bình thường nữa, khiến ông rất khó chịu, sinh hoạt khốn khổ trăm bề.
“ 11 năm qua, lúc nào tôi cũng phải mang bên mình túi nước tiểu. Bất tiện lắm ! Đi lại khó khăn hơn, tắm rửa cũng không được thoải mái. Nhưng giờ mà rút nó ra thì tôi không sống được”, ông ngậm ngùi nói.
Đôi tay gầy guộc, run rẩy chỉ về phía chị Dõi, ông cho biết: “ Sau khi cháu mất, con gái tôi trở nên trầm mặc, ít nói hơn. Suốt ngày Dõi ngồi bần thần một chỗ. Mấy năm gần đây, con tôi bị viêm đa khớp nhưng không có tiền chữa trị nên bệnh ngày càng nặng”.
Theo ông Lẫm, từ khi bệnh trở nặng, chị Dõi thường xuyên đau nhức, việc đi lại khó khăn nên không làm được việc gì. Thương con đau ốm, dù đi lại không tiện nhưng hàng ngày ông vẫn tự tay xuống bếp nấu cơm.
Kể từ khi chị Dõi bị bệnh, ông Lẫm luôn là "đầu bếp" của gia đình.
Trò chuyện một lúc, ông Lẫm xin phép chúng tôi và lê từng bước chân nặng nhọc xuống bếp để nấu bữa ăn trưa.
Nơi mà gia đình nấu ăn là một gian nhà nhỏ mục nát. Những bức tường đã xuất hiện những vết nứt, mạng nhện giăng đầy khắp nơi. Trời nắng nóng, bếp lại đun bằng rơm rạ, nên gương mặt và tấm lưng còng của ông ướt đẫm mồ hôi.
Bữa cơm quanh năm của hai bố con ông hầu như chỉ có rau và đậu phụ.
Hình ảnh tấm lưng còng, đôi bàn tay gầy guộc cùng ánh mắt chăm chú vào nồi thức ăn của ông khiến chúng tôi không kìm được nước mắt.
Bữa ăn hàng ngày của ông Lẫm và chị Dõi rất đạm bạc khi chỉ có ít rau luộc và vài miếng đậu phụ. Số tiền mà gia đình có được hoàn toàn dựa vào khoản trợ cấp tuổi già.
Vì vậy, bữa ăn của hai bố con ông chỉ đạm bạc và đơn giản vậy thôi: “Tôi già yếu rồi mà con gái cũng đau ốm triền miên nên kiếm đâu ra tiền. Ăn uống đạm bạc thôi, no bụng là được”.
Sau khi dùng xong bữa cơm trưa, ông Lẫm chậm rãi đi đến bên chị Dõi. Bàn tay gầy guộc, khẳng khiu của ông vuốt ve mái tóc đã điểm bạc của người con gái với ánh mắt đầy trìu mến.
Ông Lẫm luôn lo lắng cho tương lai của con gái mình.
Thở ra một hơi dài, người cha già hướng ánh mắt ngấn lệ nhìn về phía chúng tôi cất giọng như van nài: “Tôi già rồi, sống nay chết mai, chỉ mong các cô chú, anh chị thương lấy con gái tôi. Nó đau ốm triền miên, tính cách lại không bình thường. Tôi già yếu, bất lực nên mong mọi người cho nó đi viện để chữa trị. Sau này tôi về với tổ tiên, cháu nó còn tự chăm sóc được cho bản thân. Tôi cũng không hy vọng gì cao sang, mong sao con gái tôi khỏi bệnh. Đó là tâm nguyện lớn nhất của tôi”.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Vũ Minh Phượng, Chủ tịch UBND xã Yên Nam cho biết : “Hoàn cảnh của ông Vũ Văn Lẫm và cô con gái Vũ Thị Dõi khá khó khăn. Cả hai bố con đều bệnh tật. Địa phương cũng đã hỗ trợ sửa chữa giúp ông ngôi nhà”.
Đ.L