Gặp Nhung khi em đang chuẩn bị sách vở đến trường, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về em là một cô bé có nước da ngăm đen vì mưa, nắng, đôi mắt sáng ánh lên sự thông minh. Nhìn vào căn nhà được cất lên bằng tiền tích góp của bà con hàng xóm chỉ rộng khoảng 18m2 nhưng có đến 3 con người thuộc 3 thế hệ chen chúc nhau sinh sống, khiến nhiều người không khỏi xót xa. Tương lai của họ xem ra khá mờ mịt và việc học của Nhung cũng không biết sẽ gián đoạn khi nào.?
Tuổi thơ của Nhung là những chuỗi ngày bất hạnh. Sinh ra sau những bồng bột tuổi trẻ của mẹ, cho đến bây giờ, em vẫn chưa một lần được biết mặt bố. Lớn lên, em chỉ được nghe mọi người an ủi rằng “bố em đã mất”. Còn những ký ức về người mẹ, hầu như em chỉ nhớ thoang thoảng do lúc đó em còn quá nhỏ. Mẹ Nhung mất cách nay cũng được khoảng 6 – 7 năm do căn bệnh nhồi máu cơ tim.
Căn nhà chỉ rộng khoảng 18m2 nhưng có đến 3 người thuộc 3 thế hệ chen chúc nhau sinh sống.
Từ đó, Nhung lớn lên trong sự yêu thương của bà ngoại và cậu. Nhưng bà ngoại em đã trên 60 tuổi lại bị bệnh thường xuyên, thần kinh lúc tỉnh, lúc nhớ, không còn khả năng lao động. Cậu em bị bệnh thần kinh bẩm sinh, 1 chân bị khuyết tật nhưng hàng ngày cũng phải đi xin ăn ở các chùa để nuôi 3 miệng ăn và lo cho Nhung đi học. Ngó xung quanh, gia đình không có bất thứ gì quý giá, khó khăn đến mức không có cái điện thoại để liên lạc…
Thương và hiểu được những khó khăn vất vả của bà và cậu, ngay từ nhỏ, Nhung đã có ý thức chăm chỉ học tập. Suốt khoảng thời gian ở cấp học tiểu học, cô bé luôn nỗ lực, phấn đấu để đạt được thành tích cao trong học tập. Năm năm liền cắp sách đến trường em đều đạt học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Ngoài ra, em còn đạt thứ hạng cao ở các cuộc thi do nhà trường tổ chức.
Không gian học tập thường ngày của em Nhung.
Khi được hỏi về những ước mơ trong tương lai, Nhung tâm sự: “Em ước mơ sau này sẽ là giáo viên”. Nói đến đây, Nhung cúi mặt nhìn xuống đất. Có lẽ, em nghĩ rằng ước mơ đó khó thành hiện thực khi đầu năm 2019 – 2020 suýt chút nữa em không còn được cắp sách đến trường do gia đình chưa đăng ký hộ khẩu tại địa phương và một phần là…quá nghèo.
Chia sẻ thêm về hoàn cảnh của em Nhung, ông Dương Minh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời cho biết, hoàn cảnh của gia đình em Nhung là một trường hợp đặc biệt khó khăn của xã. Do đó, địa phương cũng có thư ngỏ gửi các tổ chức, nhà hảo tâm, vận động xây căn nhà che mưa, che nắng cho em. Tuy nhiên, đến nay xã chưa nhận được phản hồi.
Chiếc xe đạp được nhà trường tặng vào đầu năm học mới.
“Trong thời gian này, xã đã tạo mọi điều kiện trong khả năng của địa phương để hỗ trợ các phần quà cho gia đình em Nhung. Hàng năm, địa phương cũng vận động xã hội hóa về giáo dục như cặp, sách, vở giúp đỡ em được tiếp bước đến trường ngay đầu năm học mới. Riêng các loại giấy tờ, xã đang chỉ đạo bộ phận chuyên môn, rà soát, hỗ trợ, tạo điều kiện cấp lại các thủ tục cho gia đình. Thời gian tới, xã mong muốn nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân nhằm chia sẻ bớt gánh nặng cho gia đình”, ông Sang mong muốn.
“Lẽ nào dang dở ước mơ?", đó là câu hỏi cứ dằn vặt chúng tôi khi chứng kiến hoàn cảnh của cô học trò nghèo, học giỏi Trương Thị Nhung. Không biết tương lai của em sẽ ra sao khi phải sống trong hoàn cảnh quá đỗi éo le. Trong khi con đường đến với ước mơ trở thành cô giáo của em lại quá dài và chông gai nếu không có sự giúp sức của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân.Cuộc đời em sẽ ra sao ám ảnh chúng tôi suốt chặng đường trở về..
Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cho em Trương Thị Nhung xin gửi vào tài khoản của UBND xã Khánh Bình: 3751.0.1072456.00000 địa chỉ Kho bạc Nhà nước Trần Văn Thời. Hoặc, ông Trương Văn Vinh (người thân bé Nhung) ở ấp 4, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời với nội dung: “Bạn đọc tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật”. Số điện thoại liên lạc với ông Vinh: 0855.293.657.
V.T