Tuy nhiên, cũng không ít người lo ngại, với cơ sở vật chất tại Hà Nội chưa đủ đáp ứng lượng phương tiện giao thông hiện có, liệu phương pháp mới này đã hợp lý?
Xử lý bằng hình ảnh sẽ "trảm" tất cả các đối tượng vi phạm giao thông
Xử mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng
Trung tá Hà Văn Tuân, Đội phó Đội CSGT số 1, công an Hà Nội cho biết: "Xuất phát từ tình hình thực tế, tình trạng đỗ xe sai quy định tại Hà Nội đang có chiều hướng tăng cao và dường như đã phổ biến. Chính vì vậy, 4 đội CSGT tại Hà Nội sẽ thí điểm xử phạt bằng phương pháp này để đánh vào ý thức người tham gia giao thông. Chúng tôi gọi đây là biện pháp xử lý "nguội" mặc dù không có lái xe".
Khi được hỏi về vấn đề nếu người vi phạm sẽ cố tình không lên đồn cảnh sát nộp phạt, trung tá Tuân khẳng định, CSGT sẽ gửi giấy mời về tận địa phương, nơi chủ xe cư trú, sau đó, kết hợp với công an phường yêu cầu người vi phạm phải lên làm việc. Nếu cá nhân vi phạm vẫn cố tình không lên, khi vận hành trên đường, CSGT có thể bị bắt dừng xe bất cứ lúc nào. Lúc đó tình tiết vi phạm sẽ tăng nặng thêm.
Trung tá Tuân khẳng định: "Sau khi thực hiện thí điểm trên địa bàn đội 1 quản lý, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến của những người dân. Hầu hết mọi người đều ủng hộ biện pháp xử lý này. Trên thực tế, tình trạng vi phạm đỗ xe sai quy định đã giảm hẳn trong thời gian qua. Chúng tôi vừa thí điểm biện pháp này vừa tuyên truyền luật giao thông đến tất cả các phường, quận để dần xóa bỏ tình trạng đỗ xe sai quy định và giảm được ùn tắc".
Dân vi phạm vì không có bãi đỗ xe
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát nhận định: "Biện pháp xử phạt ô tô vi phạm qua hình ảnh là hợp tình hợp ly, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, chấn chỉnh tình trạng dừng đỗ xe sai quy định, đồng thời, CSGT cũng tránh được những vấn đề khó xử, tránh tiêu cực". Tuy nhiên theo ông Thành, biện pháp xử lý này sẽ không tránh khỏi gặp những khó khăn vì lượng xe hiện không đăng ký chính chủ tương đối nhiều. Việc xử lý bằng gửi hình ảnh vi phạm đến chủ xe sẽ mất khá nhiều thời gian, tốn thêm kinh phí. Thêm vào đó, hạ tầng giao thông của chúng ta chưa đáp ứng được. Có thực tế, người tham gia giao thông, đặc biệt là những tài xế ô tô không biết để xe ở đâu vì bến đỗ xe thiếu, không có, hoặc không theo quy hoạch.
Trung tá Hà Văn Tuân, Đội phó Đội CSGT số 1
Ông Nguyễn Minh Tuân, Giám đốc Công ty Cổ phần UVIP Việt bày tỏ: "Tôi rất đồng tình với chủ trương phạt "nguội" được thí điểm mới đây của CSGT Hà Nội". Theo ông Tuân, ở một số nước nếu nộp phạt chậm một tuần thì số tiền sẽ tăng theo cấp số nhân hệ số 2 và cứ như thế cho tuần tiếp theo nên mọi người chấp hành rất nghiêm túc luật lệ giao thông. Do vậy, cần phải có chế tài xử lý mạnh tay thì mọi người mới nâng tính tự giác chấp hành luật lệ giao thông. Đội mũ bảo hiểm xe máy là một ví dụ rất điển hình. Lúc đầu thực hiện chúng ta gặp không ít khó khăn, do sự phản ứng hoặc chống đối của người vi phạm nhưng dần dần chúng ta đã thực hiện được.
Ông Tuân cũng cho rằng cần nhìn nhận hai mặt của vấn đề. Việc dừng đỗ sai qui định một phần là do ý thức của lái xe, phần cũng vì cơ sở hạ tầng, đặc biệt là bãi đỗ xe còn nhiều hạn chế. Thử tính toán, chỉ riêng lượng xe ô tô của khu vực quận Hoàn Kiếm, nếu cùng đổ ra đường sẽ chẳng còn một chỗ trống nào. "Việc xử lý nghiêm theo luật là cần thiết, song để giải quyết thấu đáo, cần có các điểm đỗ xe thuận lợi với mức thu phí theo đúng qui định nhà nước", ông Tuân nói.
Anh Nguyễn Văn Hồ (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Theo tôi, để chấn chỉnh ý thức của người tham gia giao thông, nên thưởng cho dân nếu cung cấp hình ảnh xe vi phạm. Hiện nay nơi nào không có CSGT thì người điều khiển phương tiện tha hồ vi phạm Luật Giao thông dễ gây ra tai nạn. Để giảm tình trạng vi phạm Luật giao thông của các xe lưu thông nhất là xe biển xanh, biển đỏ, biển trắng (phần lớn là taxi) và xe môtô, tôi kiến nghị cơ quan chức năng có chính sách chấp nhận hình ảnh và clip do người dân cung cấp ghi lại bằng chứng vi phạm và phải có chế độ khen thưởng, bảo vệ người cung cấp thông tin".
Theo trung tá Nguyễn Văn Quỹ (Đội CSGT số 1), sau hơn 1 tuần thí điểm xử phạt “nguội”, Đội đã xử lý 57 trường hợp vi phạm. Trong đó, đáng ghi nhận nhất là 8 trường hợp sau khi nhận được giấy thông báo xử phạt dán trên kính xe vi phạm đã đến đơn vị chúng tôi để ký vào văn bản xử phạt xử phạt hành chính và xuất trình giấy tờ.
Cũng theo trung tá Quỹ, xử phạt "nguội" sẽ "trảm" tất cả những xe vi phạm, thậm chí cả xe biển xanh hay biển đỏ. Xử lý xe công vi phạm mục đích chính là nhằm đảm bảo công bằng khi tham gia giao thông đồng thời muốn cảnh báo đến những tài xế sử dụng xe công. Rất nhiều tài xế lợi dụng xe biển xanh, biển đỏ mà vi phạm cũng sẽ bị xử lý.
Anh Đức - Văn Chương