Ngày 12/7, buổi lễ kỷ niệm 8 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản bệnh viện Nam học và Hiếm muộn và hội thảo tổng kết tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2020- Hạnh phúc sẻ chia đã được diễn ra dưới sự tham dự của hơn 500 cặp vợ chồng từng điều trị hiếm muộn.
Tại buổi lễ này, rất nhiều người đã được lắng nghe những chia sẻ đầy xúc động về hành trình gian nan tìm con của các cặp vợ chồng hiếm muộn nhưng đã thành công nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Điểm nhấn tại buổi lễ chính là phần trao giải cho các gia đình tham gia cuộc thi viết “Gọi tên con nhé” và cuộc thi ảnh “Hạnh phúc gia đình” để mỗi gia đình chia sẻ niềm hạnh phúc khi có được những đứa con nhờ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Cuộc thi ảnh "Hạnh phúc gia đình" và cuộc thi viết "Gọi tên con nhé" nhận được sự hưởng ứng của nhiều bậc phụ huynh.
Lá thư giành giải Nhất của chị Lương Thị Vân (Ba Vì, Hà Nội) gửi cho con trai trong cuộc thi viết “Gọi tên con nhé” đã lấy được nhiều nước mắt của mọi người sau khi được đọc lên ở thán phòng. Ở đó, người mẹ trẻ đã tâm sự gửi gắm đến con trai sau hành trình rất rất nhiều năm lặn lội tìm kiếm con yêu.
Lá thư đã khiến người nghe tại hội trường xúc động và nhận thấy rằng được làm cha làm mẹ là một niềm hạnh phúc lớn lao, thiêng liêng hơn bao giờ hết.
Nhận được giải thưởng cao quý của cuộc thi, chị Vân không giấu nổi niềm hạnh phúc và xúc động. Đối với chị giải thưởng là niềm động viên khích lệ và chị coi đó như một món quà nhỏ dành tặng cho đứa con bé bỏng mà mình và chồng đã phải tốn rất nhiều công sức để tìm kiếm.
Dưới đây là nguyên văn bài viết gửi con trai đầy xúc động của người mẹ trẻ:
“Thư gửi con trai của mẹ! Con à! mẹ không phải nhà văn cũng không phải nhà thơ, mà chỉ bằng tình cảm của một người mẹ để viết những lời từ trái tim từ đáy lòng để sau này con có thể đọc được những dòng chữ này. Qua đó, càng trân trọng cuộc sống này hơn và làm được nhiều điều ý nghĩa con nhé.
Mẹ cũng giống như bao người mẹ hiếm muộn khác, khát khao được làm mẹ được ôm con, được mặc chiếc áo bầu một lần. Với người ta thì chuyện ấy đơn giản, nhưng với mẹ sao khó khăn vất vả quá.
Gia đình chị Vân xúc động nhận được giải Nhất của cuộc thi viết.
Chờ con một năm, hai năm, ba năm, bốn năm, năm rồi sáu năm những năm tháng ấy cả bố và mẹ sống mà buồn nhiều hơn vui. Sống mà e dè, ngượng ngùng mỗi khi đi ăn cỗ họ hàng, mỗi khi Tết đến người ta đi chơi đông vui còn bố mẹ chỉ trốn ở nhà vì sợ người ta lại hỏi “sao chưa có con?” Sợ người ta lại chúc “nhanh có em bé nhé”. Suốt 6 năm hiếm muộn, bố mẹ chạy khắp để bắt mạch cắt thuốc đông y, có khi bố mẹ lên tận Phú Thọ lấy thuốc, khi Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, lúc lên Hoà Bình, Sơn La vào tận Bình Dương… Tiền mất kết quả vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Thế rồi, vào một ngày kia, bạn của mẹ đã mách mẹ đến bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, vì bác ấy sau 7 năm mong con cuối cùng đã mang thai rồi. Sự khát khao được làm mẹ, được mang bầu lại trỗi dậy và mẹ lại rủ bố con đi. Giống như có duyên vậy, mẹ hy vọng lắm… Bố mẹ thăm khám và được bác sĩ tư vấn làm hồ sơ IVF luôn, mẹ tin là mẹ sắp gặp được con rồi.
Mẹ thăm khám lại và được bác sĩ chỉ định tiêm kích trứng luôn, trải qua 11 ngày tiêm kích trứng, từng mũi kim tiêm tiêm vào bụng, vào tay đau lắm con ạ. Rồi đến ngày chọc trứng tạo phôi, ngày nghe kết quả báo phôi mẹ khóc không ngừng vì mẹ chọc được 28 trứng mà chỉ tạo được 8 phôi. Bác sĩ lại động viên “em à! em có 3 tốp phôi cơ mà, em có 3 lần cơ hội chuyển phôi” và rồi vào ngày 1/8/2018 bác sĩ chuyển phôi cho mẹ. Chuyển xong bác sĩ nói “em ơi, chị chuyển phôi vào chỗ này, em có nhìn thấy vệt sáng này không? chị chúc mẹ con em gặp nhau”.
Bác sĩ dặn 14 ngày mới được thử que, nhưng vì sốt ruột quá nên mới 9 ngày sau chuyển phôi mẹ đã vội thử que và một vạch. Mẹ thử bao nhiêu que nhưng cũng đều chỉ một vạch, mẹ khóc trong tuyệt vọng. Mẹ nhắn tin hỏi bác sĩ và nhận được lời động viên.
Ngày thứ 14, mẹ vào viện thử beta, beta cao vút luôn, cả bố và mẹ đã khóc, cuối cùng mẹ đã được mặc chiếc áo bầu từng mơ ước và biết mùi ốm nghén ra làm sao. Mẹ mong từng ngày, từng ngày con vào tổ con có tim thai, nghe nhịp tim con đập mẹ tưởng mình đang mơ…
Đến 12 tuần, cổ tử cung tụt, 16 tuần ít ối, 22 tuần rau cuốn cổ hai vòng… Nhưng khi biết mẹ mang bầu, hàng xóm nhìn với ánh mắt đầy nghi ngờ, liệu có phải con của bố con không. Bỏ mặc ngoài tai những lời dị nghị đó 7h sáng ngày 10/4/2019 mẹ lên bàn mổ, 30 phút sau bác sĩ đặt con lên ngực mẹ, cuối cùng mẹ cũng được làm mẹ rồi. Đôi mắt mẹ ngấn lệ nhoè đi khi nhìn con và nghe con khóc chào đời.
Cả hai bên nội ngoại hạnh phúc lắm con ạ, ông bà ngoại con sau 8 năm gả con gái đi lấy chồng, cuối cùng cũng được lên chức ông bà ngoại thật sự…
Bố mẹ đặt cho con cái tên là Anh Khôi với mong muốn sau này con lớn lên sẽ là người anh minh, sáng suốt, khôi ngô và tài giỏi. Giờ con được 13 tháng 20 ngày, con đã đi được, nói sõi… ước mơ của mẹ là mong con sẽ trở thành bác sĩ để giúp những gia đình hiếm muộn như bố mẹ sớm gặp được con yêu…”.
Tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc là chương trình hỗ trợ cộng đồng của bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, được tổ chức lần đầu vào năm 2015. Năm nay, từ ngày 28/6 - 12/07, bệnh viện tổ chức chương trình tuần lễ vàng Ươm mầm Hạnh phúc với chủ đề: “Hạnh phúc sẻ chia” nhằm hỗ trợ một phần kinh phí cho các cặp vợ chồng trong quá trình thăm khám, điều trị vô sinh hiếm muộn tại bệnh viện. Cũng trong hai tuần diễn ra tuần lễ vàng, bệnh viện đã dành tặng 5.000 suất tư vấn, khám, siêu âm, xét nghiệm tinh dịch đồ, soi tươi đường sinh dục; xét nghiệm nội tiết tố 6 chỉ số (nữ giới) (LH, FSH, Etradiol, Testosterone, Progesterol, Prolactin) miễn phí tại bệnh viện…
Bác sĩ CKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Sự ra đời của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại, đặc biệt là kỹ thuật IVF cùng nhiều phương pháp hỗ trợ khác đã giúp nhiều trường hợp hiếm muộn tưởng chừng vô vọng cuối cùng vẫn có được quả ngọt. Tại bệnh viện chúng tôi, tỷ lệ thành công của các chu kỳ IVF khá cao và tăng dần theo từng năm (khoảng 50-70%). Không dừng lại ở đó, chúng tôi luôn cố gắng để giúp hành trình tìm con của các gia đình được nhẹ nhàng, thoải mái hơn cả về vật chất lẫn tinh thần thông qua những chương trình mang dấu ấn riêng của bệnh viện".
T.L-H.Y