Hang Ha 14:11 Th 3, 28 thg 3, 2023 đến Anh $Title

img

Xúc động nhật ký của liệt sĩ viết cho con gái chưa từng gặp mặt

Hà Hằng

Trong cuốn nhật ký ở chiến trường, liệt sĩ Nguyễn Quang Số đã dành 4 trang giấy viết cho con gái mình. Người lính đó tâm sự với con gái về chiến tranh, về truyền thống gia đình, lý tưởng cách mạng, những hạnh phúc của mình và những mong muốn gửi gắm cho con gái.

Cuốn nhật ký chiến trường của ba

Đối với bà Nguyễn Thị Hoa, 59 tuổi, trú tại thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, di vật cuốn “Nhật ký chiến tranh” của người cha thân yêu đã hi sinh để lại là món quà vô giá. Món quà ấy dù được in ra từ bản chụp phim nhưng cũng khiến người phụ nữ này không giấu được cảm xúc mà khóc oà. Bà Nguyễn Thị Hoa là con gái duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Quang Số, quê ở xã Thanh Lam (nay xã Ngọc Sơn), huyện Thanh Chương.

img

Bà Nguyễn Thị Hoa xúc động khi kể về người ba của mình

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Lục (83 tuổi), vợ liệt sĩ Nguyễn Quang Số, ông sinh năm 1941 (hồ sơ nhập ngũ ghi sinh năm 1944). Sau khi nhập ngũ ông được điều ra học một trường quân sự ở Vĩnh Phúc. Thời gian ông học ở đây, người vợ cũng theo chồng ra là công nhân Xí nghiệp gạch ngói. Ngày 31/10/1967, người lính Nguyễn Quang Số nhận được lệnh vào miền Nam chiến đấu, thời điểm này cô con gái mới tròn 1 tuổi.

Theo giấy báo tử, liệt sĩ Nguyễn Quang Số hi sinh ở mặt trận phía Nam vào ngày 26/2/1969. Tuy nhiên, đến năm 1971 gia đình mới nhận được giấy báo tử của ông. Suốt những năm tháng chiến đấu, ông chỉ gửi về vỏn vẹn 1 lá thư ghi vội ít dòng, thông báo đang trên đường hành quân qua Tây Nguyên. Lá thư duy nhất ông gửi về cho gia đình giờ cũng không còn nữa.

Ký ức về người ba của bà Hoa dường như là một khoảng trắng. Vì vậy khi người phụ nữ này nhận được cuộc gọi từ con trai nói về cuốn nhật ký của ông ngoại được đăng tải trên mạng xã hội, bà xúc động không kìm được nước mắt. Đó là một đêm cuối tháng 3/2024, người con trai đã gửi những tấm hình về cuốn nhật ký cho bà Hoa. Người phụ nữ này khóc nấc không thành tiếng khi lướt điện thoại để xem hình ảnh về cuốn nhật ký của ba. Trang bìa cuốn nhật ký có ghi “Nhật ký chiến tranh, tập 1, Thanh Chương. Phía dưới trang bìa cuốn nhật ký còn ghi “Gửi cho em tôi: Nguyễn Quang Đồng, thôn Nha Giáp, xã Thanh Lam, huyện Thanh Chương”. Đọc cuốn nhật ký của cha để lại, bà Hoa oà khóc như 1 đứa trẻ.

img

Trích những dòng nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số

Trong cuốn nhật ký đó, người lính Nguyễn Quang Số phần lớn viết về những trận đánh mà ông và đơn vị mình tham gia, về lý tưởng cách mạng, về nỗi nhớ khôn nguôi của người lính dành cho gia đình, vợ và con gái. Đặc biệt, người lính này đã dành 4 trang trong cuốn nhật ký để tâm sự với con gái yêu quý của mình. Từ khi vào chiến trường, người lính này chưa được gặp con gái 1 lần nhưng tình yêu của người cha dành cho con gái vô bờ bến và được ông thể hiện trong cuốn nhật ký của mình.

Và những lời căn dặn đẫm nước mắt

Trong những năm tháng chiến đấu khốc liệt, chứng kiến sự hi sinh của nhiều đồng đội, dường như người lính này cũng dự liệu cho riêng mình.

“Hoa con! Hôm nay, ba thấy cần phải tâm sự cùng con. Nếu như mai ngày thống nhất ba trở về sẽ mang theo quyển nhật ký này - nó đã ở bên ba trong những ngày đánh Mỹ gian khổ, ác liệt - về cho con xem. Nếu như ba có hi sinh (cũng là lẽ đương nhiên trong lúc chiến đấu với quân thù) thì Ban chính trị sẽ gửi về cho con xem. Qua đây, con sẽ hiểu biết phần nào về ba của con...

Hoa ơi, sau này con sẽ hỏi: Con học sử dân tộc ta đánh Mỹ rất oanh liệt, lúc ấy ba làm gì?. Nếu như ba ở nhà thì sẽ trả lời với con làm sao?. Ba muốn sau này con sẽ tự hào với quyển lý lịch của con: Có ba đi đánh Mỹ... “Hoa con! nhớ lấy con nhé, đừng phụ lòng Ba con nhé. Lớn lên con sẽ đi học, đừng vội lấy chồng… Lớn lên, con hãy trở thành đảng viên Cộng sản chân chính! Chúc con nên người! Hôn con!”, trích những dòng nhật ký liệt sĩ Nguyễn Quang Số dành cho con gái.

img

Trích những dòng nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số

Ngày 19/9/1968, người lính ấy cũng viết những lời yêu thương và dặn dò cho người vợ của mình. "Mấy hôm nay anh nghĩ về em nhiều lắm. Càng nghĩ, càng thương em tha thiết... Nay mai về anh sẽ vun đắp cho em, tạo mọi điều kiện để em đỡ vất vả, gian khổ, em sẽ được tự hào như bao người phụ nữ khác. Nếu như trong cuộc vật lộn với kẻ thù tàn ác, dã man mà anh có hi sinh thì đây là điều dặn dò trước lúc vĩnh biệt em... Có thương anh thì đừng giữ chữ thủy chung mà khổ. Em cứ mạnh dạn tìm một người để sớm tối đi về cùng em, người đó phải là người đi đánh Mỹ trở về", những dòng nhật ký liệt sĩ Nguyễn Quang Số dành cho người vợ yêu quý của mình.

Ba hi sinh khi bà Hoa còn quá nhỏ, mẹ đi thêm bước nữa nên cuộc sống của người phụ nữ này cũng chịu nhiều thiệt thòi. Tốt nghiệp cấp ba xong, bà Hoa đi làm ở xí nghiệp rồi lấy chồng. Làm được vài năm, xí nghiệp giải thể bà về mở quán hàng nho nhỏ ở thị trấn buôn bán mưu sinh.

“Ba đi chiến đấu và hi sinh khi tôi còn quá nhỏ. Mọi ký ức về ba hầu như không có. Sau 56 năm, đọc được cuốn nhật ký của ba, tôi xúc động lắm. Nhờ những trang nhật ký mà tôi biết ông đã sống và chiến đấu như thế nào. Từng dòng nhật ký ba dành cho gia đình, cho mẹ và cho tôi như niềm an ủi bù đắp một phần nào đó nổi nhớ ba bao năm qua của tôi”, bà Hoa nghẹn giọng nói.

img

Ông Lê Việt Dũng trao bản in cuốn nhật ký cho gia đình bà Hoa

Nhận được cuốn nhật ký, gia đình bà Hoa có thêm hy vọng sẽ tìm được thông tin và hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Quang Số. Ông Lê Viết Dũng, nhóm thiện nguyện tìm mộ liệt sĩ và hỗ trợ di dời liệt sĩ về quê hương Nghệ An – Hà Tĩnh tiết lộ, cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số được tiếp nhận từ Hội hỗ trợ liệt sĩ Việt Nam để tìm kiếm kết nối và trao lại cho gia đình. Một thành viên của Hội hỗ trợ liệt sĩ Việt Nam đăng tải những thông tin liên quan đến liệt sĩ Nguyễn Quang Số lên trang kyvatkhangchien.com và kết nối chuyển tư liệu cho ông Lê Tiến Dũng kết nối các thông tin về liệt sĩ. Rất nhanh chóng thông qua cán bộ chính sách và mạng xã hội, anh Dũng đã tìm thấy thông tin về thân nhân và liên hệ với con gái liệt sĩ là bà Nguyễn Thị Hoa.

Trong cuốn nhật ký liệt sĩ Nguyễn Quang Số có viết nhiều về địa điểm mà mình và đồng đội chiến đấu. “Mặc dù nhật ký của ba chỉ là những tấm ảnh sao chụp nhưng là món quà vô giá đối với gia đình tôi. Đó là không chỉ có giá trị về mặt tinh thần mà trong đó ba còn ghi lại những trận đánh và địa điểm chiến đấu mà ba tham gia. Hy vọng với những thông tin có được sẽ giúp gia đình tìm thấy hài cốt của ba để đưa về an táng nơi quê nhà”, bà Hoa lau nước mắt nói.

H.H

img

NGUOIDUATIN. |