Thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, sáng 27/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị áp dụng hình thức xử phạt “thiến hóa học” với loại tội phạm này.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, việc "thiến hóa học", cho lao động công ích và công khai danh tính này đã được nhiều quốc gia áp dụng. Qua đó người chịu hình phạt sẽ được tiêm chất kháng testosterone, khiến nồng độ testosterone trong cơ thể xuống mức trước tuổi dậy thì, làm giảm thấp nhất nhu cầu tình dục.
Cụ thể, ông Phương đề nghị mở rộng hình thức phạt như “thiến hóa học”, nâng mức xử phạt hành chính lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi tội danh vào hồ sơ lý lịch để răn đe các đối tượng xâm hại, chống xu hướng tái phạm cao, đảm bảo an toàn cho trẻ em. Nếu trong pháp luật đưa hình thức này vào ít nhất sẽ giảm được 50% vụ việc xâm hại tình dục trong tương lai.
Đề xuất "thiến hóa học"đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
Trước đề xuất “thiến hóa học” đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, PV tạp chí Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. xã hội học Thân Trung Dũng (Giám đốc trung tâm Đào tạo và Tư vấn Phát triển Tri thức) để lắng nghe những ý kiến, phân tích về việc nên hay không nên áp dụng phương pháp “thiến hóa học” để trừng trị “yêu râu xanh”.
Theo TS. xã hội học Thân Trung Dũng, thực trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng do nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và cộng đồng xã hội nói chung về vấn đề này còn nhiều lỗ hổng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em vẫn tồn tại những điểm hạn chế. Những rạn vỡ trong mối quan hệ gia đình và sự xói mòn những giá trị truyền thống trong xã hội và ảnh hưởng của lối sống thực dụng phương Tây và những văn hóa phẩm đồi trụy.
Vì thế, nhiều nước đã triển khai những hình phạt mạnh để răn đe loại hình tội phạm này như Anh, Mỹ, Nga, Ba Lan, Hàn Quốc, Indonesia... Tuy nhiên, để áp dụng ở Việt Nam cũng cần nghiên cứu và làm rõ thêm những vấn đề sau đây: Thực tế việc áp dụng hình thức thiến hóa học ở các nước có hiệu quả ra sao? Việt Nam có nên áp dụng hay không? Áp dụng có phù hợp văn hóa truyền thống dân tộc hay không? Và điều quan trọng hơn cả là hành vi của người phạm tội xâm hại tình dục trẻ em ngoài sự tác động của các yếu tố khách quan, yếu tố quan trọng vẫn là nhận thức và những suy nghĩ lệch lạc, sai lệch chuẩn mực trong con người đó.
“Tôi nghĩ rằng, trong khi nghiên cứu quyết định có sử dụng hình phạt “thiến hóa học” với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, cần xem xét sửa đổi, điều chỉnh các văn bản pháp luật để nâng cao hình phạt hơn nữa”, TS. Thân Trung Dũng phân tích.
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đưa ra những trăn trở: “Xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng ngày một tăng lên, dường như do hình phạt chưa đủ sức răn đe khiến gia đình và xã hội bức xúc. Rõ ràng chúng ta phải có đối sách với những thành phần bệnh hoạn, biến thái trong xã hội để bảo vệ trẻ em và phụ nữ”.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đưa ra dẫn chứng, khi xã hội phát triển, nhiều nước ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi mặt của đời sống, họ đã áp dụng “thiến hóa học” đối với những kẻ biến thái, thích xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em. Các nước đã và đang làm như Anh, Mỹ và Nga... Họ làm được sao chúng ta không làm được? Sử dụng biện pháp này nhằm nâng cao trách nhiệm, nhận thức của công dân. Nếu không, về lâu về dài xã hội sẽ càng nguy hiểm, bất an, nhất là những gia đình có trẻ em là bé gái.
"Tôi cho rằng, phải có biện pháp thật cứng rắn để trừng phạt những kẻ bệnh hoạn, quan trọng hơn là răn đe những kẻ đang có ý đồ làm chuyện xấu xa, bỉ ổi. Quy định này nên bổ sung vào trong Bộ luật Hình sự. Đây là hình thức tăng hình phạt đối với đối tượng xâm hại tình dục trẻ em để răn đe, phòng ngừa chung. Đảm bảo xã hội được bình yên chứ không phải nơm nớp bất an nỗi lo con cháu, người thân có nguy cơ bị xâm hại”, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh bình luận.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh.
Trước những câu hỏi rằng biện pháp “thiến hóa học” có “vượt ngưỡng” và quá khắc nghiệt, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh thẳng thắn, đây là việc quá rõ ràng chuyện và cần thiết, chúng ta nên học theo kinh nghiệm của các nước. Một mặt để những người như thế còn cơ hội làm con người chứ không phải hành xử bản năng như một con vật. Nếu mong họ trở có thể sám hối, thành con người thì cần trừng phạt nghiêm, chỉ cần một hai người bị xử lý theo phương pháp “thiến hóa học” tôi tin xã hội sẽ không ai dám điều xằng bậy với trẻ em hay có ý định vi phạm.
“Tôi đề nghị giao cho bộ Y tế và viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam nghiên cứu biện pháp này. Chúng ta làm thế là đang nhân đạo và cứu an nguy cho toàn xã hội. Chúng ta đang làm việc có lợi cho xã hội, bảo vệ cho thế hệ trẻ tương lai”, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh nêu quan điểm.
Theo báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội, trong các hình thức xâm hại trẻ em, nổi lên và gây bức xúc nhất là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý. Cá biệt, có địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại.
“Thiến hóa học” đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có nên áp dụng khi những con số về xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian qua đang ở mức báo động? Về vấn đề này, luật sư La Văn Thái (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đưa ra nhận định: “Tôi nghĩ việc này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và xem xét thận trọng bởi đây là một hình phạt nặng. Đương nhiên việc xâm hại tình dục là không thể chấp nhận được và đáng bị xã hội lên án nhưng hình phạt đó phải tương thích với lỗi mà kẻ phạm tội gây ra. Với những đối tượng xâm hại người khác nhiều lần và trở thành một căn bệnh, có tính chất nguy hiểm cho xã hội, phải loại bỏ ra khỏi đời sống, có thể xem xét xử lý theo phương án “thiến hóa học”.
Nhưng đưa ra ý kiến và đề xuất chung theo kiểu cứ phạm tội lạm dụng, xâm hại tình dục trẻ em mà “thiến hóa học” thì chưa phù hợp. Nếu họ phạm tội một lần, ở mức độ nhẹ mà “thiến hóa học” sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời, tước đoạt quyền lợi của họ. Cơ quan chức năng cần xác định mức độ phạm tội khác nhau, mới có thể sử dụng biện pháp “thiến hóa học””.
Luật sư La Văn Thái
Theo Luật sư La Văn Thái, ngoài hình thức xử lý “thiến hóa học” đã đưa ra, trên thế giới cũng có không ít nước đã áp dụng những biện pháp khác đối với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Một đối tượng lạm dụng tình dục trẻ em sẽ được bêu tên, phổ biến trên toàn xã hội. Khi đối tượng xâm hại tình dục trẻ em trở về địa phương sẽ được giám sát chặt chẽ và thông báo đến từng hộ gia đình “đối tượng A chuyên xâm hại tình dục trẻ em”.
Cấm những loại đối tượng này được đến gần hay tiếp cận trẻ em. Hiện đại nữa là đeo thiết bị vào những người này để được giám sát, khi có dấu hiệu gần trẻ em là cảnh báo và bắt ngay vì trẻ em không có khả năng tự vệ.
“Chúng ta cần một biện pháp mạnh để xử lý vấn đề, nhưng với những loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm cần có một phương án sau khi ra tù nên giám sát chặt chẽ, thậm chí giám sát suốt đời để không “ngựa quen đường cũ””, luật sư La Văn Thái nói.
Trẻ bị xâm hại tình dục sẽ để lại những hậu quả nặng nề TS. xã hội học Thân Trung Dũng chỉ ra, xâm hại tình dục trẻ em gây nên những tổn thất to lớn về thể chất, tinh thần, tâm lý, tình cảm và giao tiếp của trẻ. Trẻ em bị xâm hại tình dục thường có nguy cơ bị căng thẳng, thường gặp phải những triệu chứng lo âu, hoảng loạn, sợ hãi, sống mặc cảm, thiếu tự tin trước mọi người, thậm chí trầm cảm và có ý định tự tử. Điều này ảnh hưởng sâu sắc tới lòng tự trọng của trẻ, cản trở mạnh mẽ tới khả năng giao tiếp và hòa nhập của trẻ vào nhóm bạn và cộng đồng. Diễn biến phức tạp của tình trạng xâm hại tình dục trẻ em và những hậu quả để lại đã và đang đặt những bài học cho các bậc cha mẹ, nhà trường với vai trò là người giáo dục, chăm sóc, hỗ trợ giúp cho trẻ em - những nạn nhân của vấn nạn này.
M.T