Việc khai thác khoáng sản trên đoạn sông Đà qua xã Hợp Thành, Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn được UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép cho hai doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng Hùng Yến và công ty cổ phần khai khoáng Sahara.
Theo tính toán của các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình, trữ lượng cát 121 tại bãi của công ty Hùng Yến được phép khai thác là 898.000m3, còn trữ lượng cát 121 của công ty Sahara là 5.500.000m3.
Trong đó, điểm khai thác tại xã Hợp Thành với thời gian 24 năm, công suất tối đa cho phép là 27.000m3/năm, trên diện tích 20ha là địa điểm của công ty Hùng Yến.
Điểm khai thác tại xã Hợp Thịnh, được cấp phép khai thác trong 24 năm với tổng diện tích 75ha, công suất tối đa cho phép là 230.000m3/năm là của công ty Sahara.
Tuy nhiên, với đội ngũ tàu cuốc, tàu hút rầm rộ cùng với sự giám sát lỏng lẻo từ phía chính quyền, việc khai thác cát theo kiểu tận thu đã xảy ra suốt thời gian dài. Hàng ngày phải đau xót chứng kiến cảnh những bãi ngô, bãi bồi vỡ hoang của họ có nguy cơ tận diệt. Người dân quanh khu vực cho biết, họ cảm thấy hoang mang khi biết thông tin các doanh nghiệp được cấp phép lên đến 24 năm.
Một kỹ sư có kinh nghiệm lâu năm trong việc khai thác cát xây dựng cho biết: “Theo công suất khai thác thực tế, trong điều kiện mỏ tốt, mỗi chiếc tàu cuốc có thể khai thác tối đa được 150m3/1h, trong 1 ngày nếu làm việc hết công suất, 1 chiếc tàu cuốc có thể khai thác được 1.800 m3/ngày”.
Đó là chưa kể lực lượng tàu hút khác nhau. Như vậy, với công suất khai thác cho phép 1 năm chỉ là 230.000 m3/năm, cùng với việc các địa phương trên cả nước đang siết chặt tình trạng khai thác cát trái phép; các dự án nạo vét đường thủy nội địa bị dừng cấp phép, giá cát được đẩy lên rất cao nên rất có thể các công ty đang có dấu hiệu “tranh thủ” để tận diệt dòng sông.
Bằng chứng là câu chuyện giá cát lên thẳng đứng giữa 3 đầu tháng 4 cũng là lúc khu vực mỏ cát của khu vực này tập trung “nóng” tàu bè, máy cuốc để khai thác kiểu tận thu.
Để bảo vệ xóm làng của mình, người dân các xóm Tân Lập, của Hợp Thịnh cùng nhiều xóm khác dọc khu vực khai thác cát đã gửi đơn kiến nghị, thậm chí cử người đưa đơn kiến nghị vượt cấp để xem xét lại tình trạng khai thác cát theo kiểu tận diệt như vậy.
Được biết, việc khai thác của hai công ty này do UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép và giao cho sở Tài nguyên và Môi trường quản lý và phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kỳ Sơn kiểm tra giám sát.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trước khi có những kiến nghị và tạo thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, không hề thấy bóng dáng của các cơ quan chức năng. Trước ngày 11/4, hai công ty này liên tục làm loạn dòng sông bằng việc “tự tung tự tác” móc ruột lòng sông. Sau khi dân quá bức xúc, cơ quan chức năng mới chính thức vào cuộc.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình): “Ngay sau khi nhận được phản ánh của nhân dân và chính quyền hai xã, được UBND huyện Kỳ Sơn chỉ đạo, phòng TN&MT đã phối hợp với UBND hai xã Hợp Thành, Hợp Thịnh, đại diện xóm Độc Lập, Tân Lập, Thông, tiến hành làm việc với công ty Hùng Yến và công ty Sahara. Đồng thời báo cáo phòng Khoáng sản, sở TN&MT tình hình khai thác cát của hai công ty”.
Bài tiếp: Dân đã phản đối cớ sao giấy phép vẫn được cấp?
Xem thêm: Hòa Bình: Doanh nghiệp 'được' cấp phép để tận diệt sông Đà?
Khai thác cát tận diệt ở Hòa Bình: Dân ngẩn ngơ vì tờ giấy phép
Lại Cường - Đình Thiện