Từ kinh tế đến những tiến bộ về công nghệ, sự phát triển của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây rất dễ nhận biết. Nhưng đối với du khách nước ngoài, một trong những dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ của đất nước này là tình trạng cải thiện của các nhà vệ sinh công cộng.
Kay Park, một người Hàn Quốc sống ở Bắc Kinh hơn 10 năm, cho biết khi lần đầu tiên thăm Trung Quốc cách đây 15 năm, nhà vệ sinh công cộng với bà là một "thảm họa".
“Không có cửa nhà vệ sinh. Thậm chí người dùng còn không thèm đóng cửa”, Park nói với tờ SCMP.
Bà nói rằng mọi thứ đã được cải thiện rõ rệt ở Trung Quốc trong thời gian gần đây. "Chất lượng nhà vệ sinh công cộng đã trở nên sạch hơn và ý thức của người dùng cũng đã tốt hơn", Park nói.
Trên khắp đại lục, đã có hơn 70.000 nhà vệ sinh công cộng đã được xây dựng và sửa chữa lại từ năm 2015, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố thực hiện "cuộc cách mạng nhà vệ sinh".
Mục tiêu của ông Tập là cải tiến dịch vụ công cộng vốn luôn bị chê bai là kém sạch sẽ và từ lâu đã trở thành ổ tệ nạn xã hội.
Cuộc cách mạng đang tiếp tục với dự kiến sẽ có 64.000 nhà vệ sinh được xây dựng mới trong ba năm tới theo một kế hoạch được bộ Văn hoá và Du lịch Trung Quốc công bố vào tháng 11.
Với lưu ý rằng đây là vấn đề ảnh hưởng đến "chất lượng cuộc sống của người dân", Chủ tịch Tập Cận Bình cuối năm ngoái kêu gọi cải tiến nhà vệ sinh công cộng ở khắp các thành phố và vùng nông thôn.
Thành tựu “cách mạng”
Theo cuộc khảo sát đối với hơn 200 cư dân vào năm ngoái ở một đô thị lớn như Nam Kinh, người dân địa phương dường như vẫn gặp khó khăn trong việc tìm một nhà vệ sinh công cộng khi có nhu cầu.
Hơn 96% số người tham gia cho biết, họ khó có thể tìm thấy một nhà vệ sinh công cộng. 94% phàn nàn về việc không tìm thấy giấy vệ sinh hoặc vòi rửa tay. Cũng theo khảo sát, để tìm thấy phòng vệ sinh có cửa và vòi nước không bị hỏng cũng là chuyện khó khăn.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, bộ mặt của nhà vệ sinh công cộng Trung Quốc đã có sự thay đổi kinh ngạc khi sự sạch sẽ đã trở thành ưu tiên hàng đầu.
Shen Weigan, nhân viên dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng trên đường Nanyang ở trung tâm Thượng Hải tự hào nói trong một cuộc phỏng vấn rằng nhà vệ sinh mà cô quản lý còn "sạch hơn bếp".
Shen, cho biết cô và một đồng nghiệp đảm bảo rằng phòng vệ sinh luôn đạt tiêu chuẩn về sạch sẽ và thoáng khí trong ca làm việc của mình từ 5-10 tiếng đồng hồ.
Cơ sở trên đường Nanyang được sửa sang và trang trí lại vào tháng 9 năm ngoái và được Shen tự hào nói là khu vệ sinh công cộng sạch đẹp nhất mà cô từng làm việc.
Cơ sở này cũng khác hẳn với hầu hết các nhà vệ sinh công cộng ven đường ở Trung Quốc khi cung cấp không gian riêng biệt cho trẻ em, người tàn tật, cha mẹ đi kèm trẻ sơ sinh và những người cao tuổi cần giúp đỡ đi vệ sinh .
Bên cạnh nước ấm, xà phòng và máy sấy tay, người sử dụng cũng có thể tìm thấy khăn vệ sinh, nước vô trùng để rửa vết thương và một bộ dụng cụ may.
"Các nhân viên có thẩm quyền đến kiểm tra điều kiện vệ sinh ở đây mỗi ngày”, Shen cho hay.
Sự cải thiện rõ nét trong ý thức của người dân so với cách đây 6 năm khi Shen bắt đầu làm công việc này cũng là điều đáng chú ý.
"Họ đến và thấy mọi thứ đều gọn gàng, vì vậy họ cố gắng cẩn thận để không để lại một mớ hỗn độn cho chúng tôi", cô nói.
Scott Blankenship, một doanh nhân Mỹ đã đến Trung Quốc 11 lần kể từ năm 2015, đã so sánh sự khác biệt về tiêu chuẩn nhà vệ sinh mà ông từng sử dụng.
"Trong khách sạn của tôi, nhà vệ sinh rất đẹp - sạch và không có mùi hôi", ông nói. "Đó là một nhà vệ sinh kiểu phương Tây, giống như ở Mỹ".
Ngược lại, khi sử dụng nhà vệ sinh tại các nhà máy ở thành phố Jiaxing, tỉnh Chiết Giang, là một trải nghiệm không vui đối với Blankenship. "Tôi ngay lập tức ngửi thấy mùi rất khó chịu", ông nói.
Một trong những nhà vệ sinh tồi tệ nhất mà doanh nhân này từng thấy là "một cái rãnh dọc theo bức tường" của một trạm thu phí trên đường cao tốc. "Rất dơ bẩn và mùi hôi khó chịu", Blankenship phàn nàn.
Theo doanh nhân này, Trung Quốc cần phải kiểm soát mùi hôi do nhiều người hút thuốc trong nhà vệ sinh công cộng.
Mặc dù hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc đã cấm hút thuốc ở không gian công cộng trong nhà - hút thuốc trong nhà vệ sinh công cộng vẫn còn phổ biến vì thiếu các hình phạt thẳng tay.
Theo bộ Văn hoá và Du lịch, chính quyền trung ương Trung Quốc đã chi khoảng 1 tỷ Nhân dân tệ (NDT), trong khi chính quyền địa phương đã phân bổ hơn 20 tỷ NDT cho mục tiêu cải cách nhà vệ sinh.
Zhou Lingqiang, Giáo sư đại học Chiết Giang chuyên ngành quản lý du lịch cho biết, ngân sách trên nên được sử dụng để xây thêm nhà vệ sinh cho phụ nữ hơn là nam giới.
"Bạn có thể nhìn thấy cảnh tượng phòng vệ sinh phụ nữ chật cứng trong khi phòng của nam giới hiếm khi hết chỗ trống," anh nói.
Ông nói rằng cần có một phòng riêng dành cho người có cha mẹ già hoặc trẻ nhỏ hoặc những người cần cho con bú sữa hoặc thay quần áo.
"Bạn có thể thấy nhiều người thay quần áo giữa chốn đông người", Zhou nói, "với một căn phòng riêng như vậy, họ có thể thay quần áo kín đáo. Điều đó thể hiện sự văn minh".