Bạn muốn mỗi bữa ăn, con đều ăn rất ngon và rất hứng thú với món ăn? 06 cách sau sẽ giúp ích cho bạn trong trường hợp này đấy.
1. Lên kế hoạch cho các bữa ăn
Lên kế hoạch cho các bữa ăn vào cuối tuần để đảm bảo rằng con có thể ăn đa dạng thực phẩm khác nhau. Sau khi mua thức ăn về, bạn có thể sơ chế, chia phần đủ cho một bữa ăn của bé, trữ đông. Cách này sẽ giúp bạn giảm căng thẳng khi không biết phải nấu gì cho con ăn mỗi ngày.
2. Không đưa ra lựa chọn khác và hạn chế ăn vặt
Nếu bé không chịu ăn những gì bạn nấu thì đừng đưa cho con món ăn nào khác. Nếu sợ con đói, thiếu dinh dưỡng, bạn cứ đổi món thì vô tình bạn sẽ dạy cho bé những thói quen xấu. Trẻ nhỏ khá tinh ranh, bé luôn biết cách làm sao để có được những món mình thích.
Do đó, bạn hãy mạnh mẽ và nói với bé rằng: “Nếu con không ăn món này thì không còn món nào khác đâu”. Trẻ nhỏ sẽ không để bản thân bị đói quá lâu, bé sẽ phải chấp nhận thức ăn trước mặt khi dạ dày lên tiếng.
3. Xây dựng thời gian và quy tắc khi ăn
Xây dựng các nguyên tắc trong thời gian ăn là điều quan trọng để giúp bé phát triển sự tự tin và giác quan của trẻ. Đặt ra một số quy tắc trong thời gian ăn như:
- Ngồi trên ghế cao khi ăn
- Tắt tivi, không để điện thoại, iPad hoặc đồ chơi lên bàn
- Dù bạn có ăn hay không, hãy ngồi cạnh bé
Những điều này đều là nền tảng để xây dựng bữa ăn gia đình.
4. Cố gắng không sử dụng túi thức ăn chế biến sẵn
Dù thành phần là thực phẩm hữu cơ hay tự nhiên, những túi thực phẩm này cũng cần được bảo quản trong thời gian lâu. Vì vậy, nhà sản xuất dùng nhiệt và áp suất lớn để tiêu diệt vi khuẩn. Ngoài ra, những túi thực phẩm này chứa nhiều đường và chất ổn định. Điều này có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng và mùi vị của thức ăn.
Ăn dặm là thời gian con học cách nếm, nhai và thưởng thức món ăn. Việc sử dụng túi thực phẩm chế biến sẵn sẽ không kích thích giác quan của trẻ, bé sẽ không thể nhìn, ngửi hoặc chạm vào thức ăn. Ngoài ra, khi cho bé ăn bằng những chiếc túi này, bạn đã gián tiếp dạy cho trẻ thức ăn đến từ những chiếc túi chứ không phải là từ các nguyên liệu tươi sống được chuẩn bị trong bếp.
5. Cho bé ăn các món ngon
Trẻ sơ sinh, trẻ tập đi và thậm chí cả người lớn đều thích những món ăn có hương vị thơm ngon. Việc nói rằng trẻ sơ sinh thích ăn nhạt là một quan niệm sai lầm. Nếu bố mẹ cho con ăn những món có nhiều mùi vị, bạn sẽ thấy bé ăn rất vui vẻ. Còn nếu cứ nấu những món nhạt và lặp đi lặp lại thì dần dần bé không chịu ăn thôi.
6. Tránh những món nhiều đường
Bé thường thích chọn những món ngọt (hoặc mặn) để ăn, lâu dần sẽ trở thành một thói quen khó bỏ. Do đó, bạn hãy giúp bé bằng cách hạn chế nó ngay từ đầu. Để hạn chế những món quá nhiều đường, hãy thử những lời khuyên sau:
- Cho bé ăn cháo đặc và những món điểm tâm ở nhà làm, thay vì những sản phẩm ngũ cốc đóng gói.
- Chỉ mua sữa chua, sữa nguyên chất, các sản phẩm sữa không béo, còn các túi thực phẩm chế biến sẵn thường có lượng đường rất lớn.
- Tự làm một vài món ăn vặt như bánh quy, muffin (bánh nướng) để kiểm soát lượng đường cho vào bánh.
Lê Hương