Khoảng cách về sự bất bình đẳng thu nhập giữa tầng lớp giàu có và người nghèo không có nhiều thay đổi trong năm 2017, theo báo cáo mới nhất của Oxfam đưa ra hôm 22/1.
Báo cáo ước tính rằng 1% số người giàu nhất trên thế giới chiếm 82% tổng giá trị tài sản toàn cầu, ngược lại những người nghèo không tăng thêm được bao nhiêu.
Lý do cho sự chênh lệch ngày càng tăng này xuất phát từ hành vi trốn thuế, hệ lụy chính sách, các công ty cắt giảm chi phí và nó cho thấy rằng nền kinh tế toàn cầu đánh giá cao sự giàu có hơn là lao động việc làm.
Năm 2017 chứng kiến một sự gia tăng rất lớn số lượng tỷ phú, Oxfam cho biết. Trong số 2.043 người có mặt trong danh sách những người giàu có nhất thế giới có đến đa phần là nam với tỷ lệ 9/10.
"Sự bùng nổ tỷ phú không hẳn là dấu hiệu của một nền kinh tế phát triển mạnh, nhưng nó là triệu chứng của một hệ thống kinh tế thất bại", Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành của tổ chức Oxfam International nói.
Để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, Oxfam cho rằng, các Chính phủ cần tập trung vào việc phân phối công bằng hơn nguồn lợi ích; tăng quyền của người lao động, chẳng hạn như tăng lương và khoản hỗ trợ sinh hoạt của công đoàn; chống trốn thuế; giới hạn về lợi nhuận cổ đông và lương Giám đốc điều hành; bên cạnh tăng thuế với người giàu.
Bản báo cáo của Oxfam được công bố một ngày trước khi các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh hàng đầu tụ họp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos-Klosters, Thụy Sĩ, trong tuần này.
Trọng tâm của cuộc họp năm nay là: "Tạo ra tương lai chung trong một thế giới đang phân rã”, trong đó thúc đẩy hợp tác quốc tế để giải quyết những thách thức chính trị, kinh tế và xã hội toàn cầu.