Cảnh báo vừa được công bố của Nhóm chống đói nghèo của Tổ chức lương thực thế giới Oxfam thực sự khiến nhiều nước phải giật mình, bởi tình trạng khủng hoảng lương thực hiện nay đã ở mức độ vô cùng trầm trọng.
Một gian hàng rau quả ở Ấn Độ
Dựa trên nghiên cứu mới nhất bao gồm cả tác động đột ngột của các hình thái thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, các trận bão đến tình hình sản xuất và tiêu thụ lương thực, Oxfam ước tính giá xuất khẩu ngô trên thị trường thế giới vào năm 2030 có thể tăng 177% so với năm 2010. Mức tăng giá của lúa mì được dự báo là 120% và gạo đã chế biến được dự báo sẽ tăng giá 107%.
Cùng lúc, Ngân hàng Thế giới cũng cho biết trong tháng 7/2012, giá lương thực trên toàn cầu đã tăng 10%, riêng giá ngô tăng tới 25% và còn có xu hướng tăng thêm. Giá đậu tương cũng tăng 17% so với tháng 6/2012, mức tăng kỷ lục kể từ thời điểm khủng hoảng lương thực thế giới trầm trọng nhất hồi tháng 6/2008.
Trước thực trạng đó, Oxfam bày tỏ lo ngại sâu sắc việc giá lương thực tăng cao do thời tiết cực đoan có tác động lớn hơn đối với người nghèo. "Giá lương thực tăng đột biến trong ngắn hạn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người nghèo", Oxfam cảnh báo.
Phần đông dân chúng ở các nước đang phát triển phải dành tới 50-75% thu nhập của họ cho lương thực, thực phẩm, và Oxfam cho biết giá lương thực tăng đột biến sẽ tác động làm gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng một cách nhanh chóng.
Hơn nữa, khi giá lương thực tăng cao, áp lực về bữa ăn hàng ngày sẽ buộc nhiều người phải bán dần tài sản, tư liệu sản xuất, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần.
Theo kết quả thống kê của Tổ chức từ thiện Caritas công bố tại hội nghị quốc tế về nạn đói được tổ chức tại Vien (Áo) tháng 6/2012, toàn thế giới hiện có gần 1 tỉ người đang ở tình trạng đói khát và khoảng 7.000 trẻ em tử vong mỗi ngày do bị suy dinh dưỡng vì thiếu ăn. Tình trạng khủng hoảng lương thực diễn ra đặc biệt trầm trọng tại Tây Phi, Yemen và Đông Phi. Khu vực Sahel thuộc Tây và Trung Phi cũng đang đặt trong tình trạng báo động về khủng hoảng lương thực.
Một điều tra của Oxfam cũng cho thấy, nông dân ở các nước đang phát triển gặp nhiều khó khăn trong việc tận dụng lợi thế của giá cả tăng lên do họ chưa tiếp cận được các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng sản xuất nông nghiệp.
Oxfam kêu gọi cần có những hành động cấp bách nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đẩy mạnh tài trợ cho các nước đang phát triển để giúp các nước này thích ứng với hậu quả của biến đổi khí hậu.
FAO dự báo, số người nghèo đói trên toàn thế giới sẽ giảm xuống còn 440 triệu vào năm 2030. Tuy nhiên, tại các khu vực như Nam Á và đặc biệt là tiểu vùng Sahara châu Phi, số người nghèo vẫn tiếp tục tăng. Do vậy, số người thiếu ăn tại châu Phi chỉ có thể giảm rất ít, từ 194 triệu người xuống còn 183 triệu vào năm 2030. |
Thanh Tùng (Tổng hợp từ AFP và NewScientist)