CQĐT Công an TP HCM đang truy tìm Shayla Ngọc Trang Gip (SN 1972, quốc tịch Úc) vì có nhiều đơn tố cáo bà có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đội lốt Việt kiều giàu có
Muốn được nhập quốc tịch Úc để các con có điều kiện học tập, giảm học phí và chi phí sinh hoạt nên chị T.H (SN 1977, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được bạn bè giới thiệu đến gặp Gip.
Tháng 4/2012, chị H. được Gip dẫn đến khách sạn New World dự tiệc. Tại đây, Gip cho biết nếu chị H. muốn được chính phủ Úc cho phép định cư theo dạng doanh nhân, phải có nhà ở giá trị từ 1 triệu AUD trở lên và có công việc kinh doanh ở Úc ít nhất 1 năm. Nếu không đáp ứng được 2 điều kiện này, với phí dịch vụ 38.000 AUD, Gip sẽ giúp chị H. được nhập cư khi trong tài khoản có 300.000 AUD.
Cuối tháng 5/2012, sau khi nhận từ chị H. 37.000 AUD, Gip đưa chị sang Úc tham quan, mở tài khoản cá nhân cho chị, làm giấy tờ để vợ chồng chị H. có 35% cổ phần trong Công ty Edu Group Melbourne Pty. LTD của Gip nhằm chứng minh vợ chồng chị H. có kinh doanh tại nước sở tại. Để chị H. tin tưởng, Gip ghi giấy nợ khống thể hiện mượn vợ chồng chị H. 500.000 AUD, nếu trong 2 năm không trả, chị H. được quyền lấy căn nhà của Gip ở Úc.
Shayla Ngọc Trang Gip
Tháng 6/2012, vợ chồng chị H. được Gip đưa đến một văn phòng luật sư ở Úc để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu căn nhà trên. Đinh ninh đã nắm chắc căn nhà, chị H. chuyển 300.000 AUD vào tài khoản ngân hàng cho Gip. Sau đó, chị H. hoàn toàn không thể liên lạc được với Gip.
Cũng thông qua môi giới, chị H.Y (SN 1985, ngụ quận Tân Bình) đã giao cho Gip 18.000 AUD để làm thủ tục qua Úc học tập. Nhận tiền xong, Gip cũng biến mất.
Mất hết tài sản
Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên y án 30 năm tù (tổng hợp các bản án trước) đối với Châu Thị Thùy Trang (tên gọi khác là Châu Thị Minh Thảo, SN 1974, tỉnh Đồng Nai) về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức”. Riêng vụ kiện của bà T.T (SN 1957, ngụ quận 4) tách thành một vụ án dân sự và chờ ngày xét xử.
Tháng 8/2002, bà T. và 2 con muốn xuất cảnh sang Mỹ, được người quen giới thiệu gặp vợ chồng Trang. Trang nói việc “chạy” để được xuất cảnh rất khó khăn, nhạy cảm, không thể làm hợp đồng giấy tờ mà chủ yếu là tin tưởng nhau. Bà T. phải đặt cọc trước 2.000 USD, 6 tháng sau sẽ được phỏng vấn.
Bị cáo Châu Thị Thùy Trang tại tòa.
Đến đầu năm 2003, Trang thông báo phía Mỹ đã chấp nhận hồ sơ của bà T., chỉ còn chờ lấy hộ chiếu. Trang nói để có tiền trang trải cuộc sống và việc học hành của các con, bà T. phải có một khoản tiền trong tài khoản ngân hàng tại Mỹ. Vì vấn đề chuyển tiền có nhiều khó khăn, rắc rối, Trang yêu cầu bà T. chuyển tiền vào tài khoản của mình và sau đó chị của Trang sẽ đưa tiền mặt tại Mỹ. Nghe có lý, bà T. đồng ý và hứa sẽ làm theo nếu 2 con bà được sang Mỹ trước.
Sau đó, bà T. thu xếp việc nhà, bán luôn 2 sạp tại chợ Bến Thành được 450 lượng vàng và rút hồ sơ học của các con. Biết bà T. đang có 450 lượng vàng, Trang tỉ tê mượn để đầu tư mở công ty. Ngoài ra, Trang lập công ty riêng để bà T. tin tưởng ủy quyền căn nhà ở quận 7 cho Trang, giao giấy tờ căn nhà tại quận 4 cùng giấy tờ 2 lô đất ở huyện Bình Chánh, TP HCM.
Sau khi có giấy tờ nhà đất và ủy quyền của bà T., Trang đem căn nhà ở quận 7 cầm hơn 100 lượng vàng, căn nhà quận 4 sang tên Trang và làm thủ tục sang tên bán 2 lô đất ở huyện Bình Chánh.
Ba năm trôi qua, thấy chuyện định cư quá xa vời, bà T. tìm hiểu và biết được tất cả tài sản đã bị Trang đem cầm cố, sang tên hoặc bán lại. Bà tìm đến yêu cầu Trang giao lại giấy tờ nhà đất, chấp nhận bỏ tiền cọc, không đi định cư nữa, gia đình Trang cho biết do không có khả năng trả nợ, Trang đã được gia đình đưa đi nơi khác lánh nạn.
Đến năm 2006, Trang bị bắt giam vì có hành vi lừa đảo. Từ đó đến nay, công việc và cuộc sống của bà T. bị đảo lộn, sống trong căn nhà của mình nhưng lại mang tên của Trang, căn nhà ở quận 7 lại vướng vào vụ án hình sự của Trang nên cũng gặp không ít rắc rối.
Kẻ gian bị bắt, nạn nhân vẫn thiệt thòi Theo thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, nhiều người có nhu cầu đi nước ngoài định cư, học tập, xuất khẩu lao động, thậm chí đi khám bệnh nhưng không đủ giấy tờ hoặc nghe theo lời dỗ ngọt nên đã tìm đến những đối tượng làm dịch vụ môi giới. Nắm bắt được nhu cầu của người muốn ra nước ngoài, các đối tượng đã dàn xếp kế hoạch để thu tiền bằng những tuyệt chiêu tinh vi. Thông thường, các đối tượng tung chiêu nếu không thành công sẽ hoàn tiền hoặc nếu phỏng vấn bị rớt, những kẻ lừa đảo đổ lỗi do thiếu kỹ năng, không đủ điều kiện... Cũng có trường hợp nhóm lừa đảo dẫn nạn nhân đến các cơ quan chức năng đặt vấn đề đi xuất cảnh, xuất khẩu lao động và nhiều cán bộ vì sơ suất nên đã vô tình tiếp tay cho kẻ gian. Chính vì vậy, người dân phải trực tiếp đến các cơ quan chức năng để nắm vững thông tin và điều kiện để chủ động trong việc làm hồ sơ. Thực tế, TAND TP HCM đã xử rất nhiều vụ án lừa đảo liên quan đến vấn đề này, cho dù kẻ phạm tội có bị xét xử với những bản án nghiêm khắc, nạn nhân vẫn là người thiệt thòi nhất vì mất tiền, thời gian, công sức và còn bỏ qua những cơ hội khác... |
Theo Phạm Dũng (Người Lao Động)