Từ hồi tôi và cậu em song sinh còn tung tăng trong lớp mẫu giáo lớn, bố mẹ đã cố gắng dựng lên trong lòng chúng tôi một hình tượng oai phong, tuyệt mỹ mang tên “Lớp trưởng”. Ngày đầu tiên đi học, các bậc phụ huynh khác tâm tư nước mắt ngắn dài còn ba mẹ chúng tôi trao đi cái nhìn quyết thắng: “Nếu cô hỏi bạn nào xung phong làm lớp trưởng, hai đứa phải giơ tay ngay đấy!”.
Xác suất “trúng cử” cao gấp đôi các gia đình khác, kèm theo sự hăng hái có thừa, cả hai chị em tôi đều được bầu vào ban cán sự lớp suốt quãng đời học sinh.
Chúng tôi kinh qua đủ các chức lớp phó học tập, văn thể mỹ, lao động... nhưng chưa một lần được làm lớp trưởng. Bố mẹ tôi thất vọng lắm, chúng tôi cũng chẳng vui vẻ gì, lòng cứ thầm ước một lớp có hai lớp trưởng để hài lòng người lớn.
Sau này trưởng thành hơn mới ngộ ra, đại đa số những người được chọn vào vị trí cao nhất đều có tố chất phù hợp với cương vị của họ. Bởi bên cạnh chỗ đứng cao hơn người khác, người đứng đầu còn phải gồng gánh trách nhiệm nặng nề trên vai, phải khéo léo lãnh đạo, tổ chức, điều khiển các hoạt động vì tập thể.
Hay tin vụ Kinh tế đối ngoại thuộc bộ KH&ĐT tư hiện có tới 2 vụ trưởng, 1 người được phân công phụ trách chung còn 1 người phụ trách ban Hợp tác Lào -Campuchia, tôi sửng sốt lắm. Được biết việc cắt giảm đã được bàn tới từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Nguyên do, theo một lãnh đạo của bộ KH&ĐT là bởi: “Mọi người cũng cả nể vì bác Thành (một trong hai vụ trưởng) lớn tuổi, giờ tự nhiên cắt chức cũng khó cho bác ấy”.
Thông thường, người ta chỉ trao nhiều giải nhất khi cơ cấu giải thưởng còn bao gồm giải đặc biệt. Để đảm bảo không làm phật lòng ai, thiết nghĩ đơn vị này nên tuyển thêm sếp cho hai vụ trưởng?!
Thu Hà
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả