Vào tháng 6/1941, một chiếc xe tăng hạng nặng của Liên Xô đã dám đương đầu với 5.000 lính Đức và cầm chân đối phương trong gần 24 giờ, một tình huống mà người ta thường nghĩ rằng chỉ có trong các bộ phim của Hollywood.
Sau khi khởi động Chiến dịch Barbarossa, quân đội Đức đã mở đòn tấn công như vũ bão vào quân đội Liên Xô, xâm nhập vào lãnh thổ quốc gia này hàng trăm km.
Trong hoàn cảnh tưởng chừng như tuyệt vọng khi không thể ngăn chặn phát xít, quân đội Liên Xô hiểu rằng họ phải nỗ lực hết sức để cầm chân kẻ địch, kéo dài thời gian càng lâu càng tốt cho việc tổ chức phòng thủ ở bên trong.
Trong một hành động anh hùng được lịch sử sau này vinh danh, một chiếc xe tăng hạng nặng KV-1 của Liên Xô đã giữ chân Sư đoàn 6 của Đức trong khoảng thời gian gần một ngày ở gần thành phố Raseiniai, miền trung Litva.
Xe tăng đấu với cả đội quân
Sư đoàn xe tăng số 6 của Đức và Sư đoàn xe tăng số 2 của Liên Xô bắt đầu chiến đấu ở thành phố Raseiniai trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến. Trong khi chiến trường chính diễn ra ở phía Đông thành phố, một chiếc xe tăng của Liên Xô bất ngờ xuất hiện ở hậu phương quân Đức, vùng phía Bắc Raseiniai và cắt đứt đường tiếp tế chính giữa hai nhóm quân phát xít.
KV-1 chỉ cần đứng chặn ngay giữa đường đi cũng đủ làm tê liệt hoạt động của gần 5.000 quân. “Không thể đi vòng ra các hướng khác của xe tăng vì đầm lầy ở khắp mọi nơi. Chúng tôi không thể lấy đạn dược hoặc sơ tán người bị thương – họ đang chết dần”, báo cáo của người Đức khi đó mô tả.
Trước khi người Đức có thể tập hợp thêm lực lượng, cỗ máy hạng nặng Liên Xô đã phá hủy 12 xe tải tiếp tế của địch.
Những nỗ lực hạ gục xe tăng Liên Xô bằng súng chống tăng 50mm đã thất bại. Hơn nữa, hỏa lực đáp trả của KV-1 đã tiêu diệt toàn bộ súng ống và đội ngũ chống tăng của quân Đức.
Các pháo phản lực 10,5 cm mạnh hơn sau đó đã tham gia vào cuộc chiến, nhưng chúng cũng không mang đến hiệu quả khác biệt. Người Đức quyết định chờ đến đêm để hành động.
Trong bóng tối, những kẻ phá hoại của Đức tiếp cận xe tăng và đặt thuốc nổ vào bánh xích và họng pháo, nhưng vụ nổ thậm chí không khiến cho KV-1 có nổi một vết xước.
Vũ khí duy nhất có thể đối phó với xe tăng của Liên Xô là pháo phòng không 88mm. 50 xe tăng Đức đã đánh lạc hướng xe tăng Liên Xô bằng cách giả vờ thiết lập một cuộc tấn công đa hướng trong khi súng phòng không được bí mật chuyển đến gần KV-1 và khai hỏa.
Dẫu vậy, chỉ có cú đánh trực tiếp thứ 13 mới phá hỏng nổi lớp giáp của xe tăng và giết chết các binh sĩ bên trong.
Được kẻ thù nể phục
Người Đức đã đưa sáu thi thể ra khỏi chiếc xe tăng Liên Xô đang cháy, gồm 5 thành viên vận hành và một người không xác định danh tính. Cảm phục trước sự dũng cảm của những người lính Liên Xô, họ đã chôn cất kẻ địch của mình bằng sự tôn trọng lớn nhất với các nghi thức đầy đủ.
Cho đến nay, lịch sử vẫn chưa biết lý do tại sao KV-1 quyết định tham gia vào một trận chiến không cân sức như vậy.
RBTH dẫn lời nhà sử học Maxim Kolomiets cho biết, chiếc xe tăng dường như đã tách khỏi đơn vị và vô tình chạy vào cứ điểm của kẻ thù. Hết nhiên liệu, nó buộc phải dừng lại và chiến đấu.
Trên thực tế, những người lính đó hoàn toàn có cơ hội rời khỏi xe tăng, trốn trong rừng để tìm về đội tác chiến của mình. Tuy nhiên, họ chọn ở lại và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Quái vật bọc thép của Nga
Quân đội Đức có kiến thức về rất nhiều vũ khí bọc thép của Liên Xô trước chiến tranh. Tuy nhiên, họ hoàn toàn không biết gì về xe tăng hạng nặng KV-1, thứ vũ khí mang đến sự ngạc nhiên xen lẫn khó chịu.
Trong cuộc đụng độ đầu tiên vào mùa hè năm 1941, người Đức nhận ra rằng họ thiếu vũ khí để tiêu diệt cỗ máy bọc thép mạnh mẽ này. Lính Đức coi chiếc xe tăng mà họ mô tả là “Những con quái vật khổng lồ” của Nga, không thể bị tấn công trước những đòn tấn công trực tiếp từ súng chống tăng 50mm.
Các xe tăng chủ lực của Đức tại thời điểm đó, như Panzer III và IV và Panzer 38 (t), cũng không địch nổi KV-1 của Liên Xô. Giải pháp duy nhất là sử dụng pháo phòng không 88mm hoặc pháo phản lực 10,5 cm để chống lại.
“Tin đồn về những con quái vật bọc thép này làm chúng tôi khiếp sợ. Thông tin về kích thước và khả năng bất khả xâm phạm của chúng khiến chúng tôi nghĩ về những pháo đài không thể phá hủy”, một người lính Đức cho hay.
Tuy nhiên, KV-1 không phải là một chiếc xe tăng lý tưởng. Nó quá cồng kềnh và thô ráp khi lần đầu tiên tham chiến. Mặc dù được bảo vệ tốt và được vũ trang tốt, xe tăng KV-1 khá chậm. Bên cạnh đó, chúng thường dễ hỏng và cần sửa chữa liên tục.
Thời hoàng kim của KV-1 đã chấm dứt khi Đức đưa chiếc xe tăng hạng nặng Tiger I của mình vào hoạt động năm 1942 – cỗ máy mạnh hơn nhiều so với vũ khí của Liên Xô. Nhưng trước khi điều đó xảy ra, KV-1 đã là cơn ác mộng thực sự đối với Đức quốc xã.