Nam cực
Nam Cực – vùng đất lạnh giá nhất trên Trái đất và chứa đựng nhiều điều bí ẩn nhất với loài người.
Do 96% diện tích của lục địa này bao phủ những lớp băng dày tới hơn 1,6km, nên đây thực sự là vùng đất khắc nghiệt với sự cuộc sống của con người
Số người tới Nam Cực để tiến hành các hoạt động nghiên cứu và nhiều công việc khác chỉ khoảng 1.000 người vào mùa đông và 5.000 người vào mùa hè.
Cư dân trên vùng đất lạnh giá này là loài chim cánh cụt, cá voi, hải cẩu, và nhiều loài chim biển.
Serengeti, Đông Phi
Đồng bằng Serengeti thuộc vùng Đông Phi với diện tích 15.000 km2 được mệnh danh là “đồng bằng bất tận”. Nơi đây có hàng triệu động vật hoang dã sinh sống, là một trong những vùng đồng bằng được viếng thăm nhiều nhất trên thế giới.
Đồng bằng Serengeti còn nổi tiếng với cuộc di chuyển hàng năm của hàng ngàn loài động vật. Vào mùa hè nắng nóng, các loài động vật sống ở nơi đây phải di tản, vượt hơn 800 km để… tìm kiếm thức ăn.
Socotra, Yemen
Được mệnh danh là địa điểm của người ngoài hành tinh bởi sự hoang sơ của nó, Socotra được hình thành từ 4 hoang đảo. Nơi đây có sức sống thực vật rất phong phú với hàng nghìn chủng cây cỏ và các động vật lớn bé độc đáo. Hiếm có nhất là cây dưa chuột có quả to như thùng bia, hay cây máu rồng cho nhựa cây đỏ như máu. Mặc dù gần với châu Phi hơn là bán đảo Arab, Socotra lại thuộc chủ quyền Yemen, và nước này gần như gìn giữ đảo cho riêng mình, rất ít mở cửa cho du khách.
Sa mạc Sahara, Bắc Phi
Sahara là sa mạc lớn nhất thế giới, là hoang mạc lớn thứ 3 trên trái đất, với diện tích hơn 9.000.000 km².
Sahara thường được gọi là sa mạc, nhưng phải gọi là hoang mạc mới chính xác vì Sahara không chỉ là một sa mạc điển hình với nhiều đồi cát lớn mà còn có một diện tích lớn nham thạch lộ thiên hoặc chỉ có một lớp mỏng nham thạch vụn (hoang mạc đá) cùng với các bãi đã cuội và sỏi (sa mạc).
Khu vực sa mạc khô hạn, ít mây, ánh sáng mặt trời chói chang, quanh năm sóng nhiệt cuồn cuộn. Đi trong biển cát mênh mông, con người bỗng thấy phía trước có làng mạc cây cối, giếng nước, suối mát… nhưng khi đến gần thì tất cả đều biến mất, không còn lại một dấu vết. Đây chính là hiện tượng ảo ảnh thường thấy trong sa mạc. Đó là do mật độ chiếu sáng không đồng đều của các tia khúc xạ làm cho cảnh vật thật ở xa hiện lên trong không trung hoặc dưới đất, tạo thành cảnh hư ảo.
Kamchatka, Nga
Bán đảo Kamchatka nằm trong vùng Viễn Đông của Nga là vùng đất trống trải và nguyên sơ bao quanh bởi Thái Bình Dương ở phía đông và biển Okhotsk ở phía tây.
Trong vòng 5 thập kỷ qua, bán đảo Kamchatka đã phải oằn mình chống chọi với những trận động đất mạnh tới 9 độ richter, núi lửa phun trào dữ dội và cả cái lạnh tê buốt vào mùa đông.
Đảo Ssese, Uganda Tại sao một đất nước không có biển bao quanh lại nằm trong danh sách có đảo hoang sơ? Đó là nhờ hồ Victoria, và thật thiếu sót nếu không đưa đảo Ssese vào danh sách thiên đường đảo ngọc. Bãi cát tuyệt đẹp, những hàng cọ rì rào, những cánh hoa đa màu sắc, tất cả những điều đó đều hội tụ ở hồ lớn nhất châu Phi. Hầu hết các đảo trong quần thể 84 đảo này đều chưa bị các ngành công nghiệp ảnh hưởng tới. Ngoài việc thưởng lãm thiên nhiên, du khách còn có thể vào rừng tham quan hoặc đi canoe trên hồ.
Bhutan
Tây Tạng được ví như một thiên đường tinh khôi thì Bhutan thậm chí còn sạch hơn rất nhiều. Hơn 60% diện tích của Bhutan được rừng cây che phủ và 1/4 lãnh thổ của quốc gia này được thiết kế trở thành những công viên quốc gia và khu vực bảo tồn nghiêm ngặt.
Vương quốc Bhutan còn được ví là vùng đất của Rồng Sấm – nơi hội tụ những thung lũng và dãy núi gồ ghề, kết hợp với đa dạng sinh thái cao.
Torres Strait, Australia
274 hòn đảo trong quần thể Torres Strait vẫn duy trì được nét văn hoá bộ lạc khác biệt. Đó là sự giao thoa văn hoá giữa thổ dân Australia và Papua New Guinea. Có khách sạn cũng như đường bay đến khu vực này, tuy nhiên, việc bạn có thể tham quan nơi này hay không phụ thuộc vào sự xem xét của “hội đồng thẩm định” của bộ lạc.
Duyên Trần (tổng hợp)