1. Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam
Ngày 11/4/2012, tại Hà Nội, Hội nghị toàn quốc tổng kết thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam đã được tổ chức. Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đại biểu là đại diện lãnh đạo của Văn phòng Trung ương và các Ban của Trung ương Đảng; đại diện Đảng đoàn Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và một số bộ, ban, ngành, đại diện thường trực tỉnh, thành ủy và hội luật gia 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị đã đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW, phân tích, làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm, những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện Chỉ thị, đồng thời kiến nghị, đề xuất phương hướng tiếp tục thực hiện Chỉ thị trong thời gian tới. Sau Hội nghị, Ban Bí thư đã có Kết Luận số 19-KL/TW ngày 23/ 5/2012 về tổng kết thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam.
Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với Hội Luật gia và giới luật gia Việt Nam trong gần 60 năm xây dựng và phát triển, tạo điều kiện để Hội Luật gia thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới.
2. Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hội Luật gia Việt Nam
Ngày 16/7/2012, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Hội Luật gia Việt Nam. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Công an, Nội vụ, Ngoại giao và bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Toàn cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Hội Luật gia Việt Nam ngày 16/7/2012 tại Trụ sở Chính phủ.
Sau buổi làm việc, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 270/TB-VPCP ngày 26/7/2012 thông báo Kết luận của Thủ tướng chính phủ tại buổi làm việc với Hội Luật gia Việt Nam, trong đó, Thủ tướng ghi nhận và hoan nghênh những kết quả mà Hội Luật gia đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời đánh giá cao vị trí, vai trò của Hội Luật gia là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đặc thù, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hội và Hội viên của Hội đã tích cực hoạt động vì công bằng và tiến bộ xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, quyền tự do dân chủ của công dân; bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết chỉ thị 06/2001/CT-TTg và phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam xây dựng dự thảo Chỉ thị mới trình Thủ tướng xem xét quyết định.
3. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội
Ngày 30/3/2012, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam lần thứ V đã được tổ chức tại Khánh Hòa. Hội nghị đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng: Đánh giá tình hình công tác năm 2011, đề ra công tác năm 2012; quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 01/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức tuyên truyền sâu rộng kết quả thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị từ đó nâng cao nhận thức của các cấp hội và từng hội viên về sự cần thiết của việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam; bầu bổ sung 10 Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội khóa XI...
4. Đổi mới tổ chức, kiện toàn các đơn vị thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam
Thực hiện nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Hội lần thứ XII ngày 13/7/2012, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã quyết định thành lập các đơn vị chức năng trực thuộc Trung ương Hội bao gồm: Văn phòng Trung ương Hội; Ban Tổ chức - Kiểm tra; Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật; Ban Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; Ban Đối ngoại và quan hệ quốc tế. Đồng thời, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cũng đã ký Quyết định thành lập hai đơn vị mới của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam là Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN và Trung tâm Tư vấn pháp luật tái hòa nhập cộng đồng.
5. Tổ chức tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự 2005
Thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 18/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005, Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành Quyết định số 163/QĐ-HLGVN, ngày 19/12/2012 ban hành kế hoạch tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 trong toàn Hội.
Tham gia vào các hoạt động tổng kết, hội nghị, hội thảo của Hội có sự tham gia rộng rãi, tích cực và với tinh thần trách nhiệm cao của các luật gia là các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các giảng viên đến từ các trường Đại học, các Viện nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức, các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội, các Công ty luật, Văn phòng luật sư và Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
6. Hoàn thành dự thảo "Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý"
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), Hội Luật gia Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012-2016".
Năm 2012, Hội đã hoàn thiện dự thảo Đề án và gửi xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương góp ý kiến vào dự thảo Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
7. Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh (bên phải) ký thỏa thuận hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.
Ngày 5/9/2012, Hội Luật gia Việt Nam và Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an (Tổng cục VIII) đã ký văn bản thỏa thuận hợp tác số 2255/TTHT về việc phổ biến giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Đây là hoạt động này có ý nghĩa nhân văn cao cả nhằm giúp phạm nhân ổn định cuộc sống sau khi cải tạo, trở về với cộng đồng.
8. Hội Luật gia Việt Nam tham gia bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; phối hợp với Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực"
Các Đại biểu tham dự buổi Hội thảo Biển Đông lần thứ 4 tại TP.HCM.
Trong tháng 6/2012, Hội Luật gia Việt Nam đã có tuyên bố phản đối việc ngày 23/06/2012 Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu thăm dò - khai thác tại 9 lô dầu khí trên Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc Công ước Luật biển năm 1982 cũng như luật pháp quốc tế liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; hủy bỏ ngay công bố mời thầu sai trái nói trên. Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và đề nghị các công ty dầu khí quốc tế tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, không tham gia dự thầu 09 lô dầu khí mà CNOOC công bố mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Trong các ngày từ 19 đến 21/11/2012, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội Luật gia Việt Nam và Học viện Ngoại giao đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực". Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu là những nhà khoa học, các học giả và luật gia có uy tín đến từ nhiều nước trên thế giới và nhiều đại diện các cổng thông tin truyền thông trong nước cũng như quốc tế đến đưa tin về sự kiện đặc biệt này. Hội thảo được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền quốc gia.
9. Triển khai Dự án "Đảm bảo quyền pháp lý cho người nghèo thông qua hỗ trợ Hội Luật gia Việt Nam"
Ngày 28/8/2012, tại khách sạn Melia Hà Nội, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đã công bố Dự án hỗ trợ Hội Luật gia Việt Nam trong việc tăng cường trao quyền pháp lý cho người nghèo tại Việt Nam. Dự án được thực hiện trong thời gian 3 năm với sự hỗ trợ, hợp tác của một số tổ chức chính trị, xã hội và xã hội, nghề nghiệp của Việt Nam.
Dự án được triển khai sẽ góp phần giúp đỡ cho người nghèo nhận thức được đầy đủ các quyền và nghĩa vụ công dân từng bước hỗ trợ để họ có điều kiện và khả năng tham gia vào quá trình cải cách pháp luật và cải cách tư pháp tại Việt Nam, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh (đứng thứ 5 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Đại hội đồng ALA ở Indonexia.
10. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế
Tháng 3/2011, tại Indonexia, Hiệp hội Luật các nước ASEAN (ALA) đã tổ chức thành công Đại hội đồng ALA. Tại Đại hội đồng lần này, sau 2 năm đảm nhiệm xuất sắc cương vị Chủ tịch ALA, đồng chí Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã chuyển giao cương vị Chủ tịch ALA cho Chủ tịch Hội Luật gia Indonexia.
Tiếp tục phát huy tích cực vai trò là thành viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Dân chủ quốc tế, đại diện của Hội Luật gia Việt Nam đã tham dự và có phát biểu quan trọng tại Hội nghị thường niên Hội Luật gia dân chủ quốc tế tại Brussel, Vương Quốc Bỉ và Hội nghị Ban Thường vụ Hội Luật gia dân chủ quốc tế tại Gaza, Palestin.
Trong năm 2012, Hội đã có nhiều hoạt động quan trọng nhằm tăng cường hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với Hội Luật gia các nước ASEAN, với Hội luật học Quốc, Hiệp hội luật sư Hàn Quốc; ký thỏa thuận hợp tác với Hội Luật gia Ukraina và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với một số tổ chức của Thụy Điển, Viện nghiên cứu lập pháp Ác-hen-ti-na; Viện KAS (Cộng hòa Liên bang Đức), Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ, Uỷ ban Nhân quyền Úc...
Với kết quả các hoạt động nói trên, Hội đã tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ với các tổ chức luật gia và luật gia tiến bộ ở các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, giữ vững độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia.
P.V (Tổng hợp)