Hầu hết các bảo tàng trên toàn thế giới đều cho thuê hoặc tạm thời cho mượn một số tác phẩm nghệ thuật của mình cho các sự kiện triển lãm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà có những bộ sưu tập mà các bảo tàng không bao giờ mạo hiểm mang ra ngoài bởi chúng được coi như “báu vật” của bảo tàng đó.
Ví dụ, các nhà quản lý tại Bảo tàng Louvre đều cảm thấy khó khăn khi nghĩ đến việc di chuyển bức họa nổi tiếng “Mona Lisa” vì tính chất quan trọng cũng như kích thước đồ sộ của tác phẩm này.
Dưới đây là một số kiệt tác mà công chúng sẽ không bao giờ được chiêm ngưỡng bên ngoài các bảo tàng nổi tiếng của Nga:
1. Vương miện của Đế quốc Nga
Vương miện Đế quốc Nga đã thế chỗ chiếc vương miện cổ Monomakh và được coi là biểu tượng chính của triều đại Nga hoàng. Kiệt tác này được chế tạo bởi hai thợ kim hoàn hoàng gia Jérémie Pauzié và Georg Friedrich Ekart vào năm 1762, dành cho lễ đăng quang của Catherine Đại đế, người yêu thích sự sang trọng và là vị hoàng đế gây dựng nên Cung điện Mùa đông Hermitage.
Chiếc vương miện nặng 2kg được hoàn thành trong 2 tháng, trang trí với 4.936 viên kim cương, 75 viên ngọc trai và 1 viên đá spinel khổng lồ màu đỏ 398,7 carat.
2. Bức tranh “Benois Madonna” của danh họa Leonardo da Vinci - Bảo tàng Quốc gia Hermitage, St.Petersburg
Bức tranh với kích thước 48 x 31cm là một trong hai tuyệt tác không thể bỏ qua của danh họa lừng danh Leonardo, hiện đang được lưu giữ tại Nga. Bức tranh trước đây có tên là “Madonna and Child with Flowers” nhưng sau khi được Hoàng đế Nicholas II mua lại, nó đã được đổi tên để vinh danh chủ sở hữu trước đó là Leonty Benoit, một trong những kiến trúc sư của Hermitage.
Trong khi một số tác phẩm tại Hermitage đôi khi vẫn được mang đi trưng bày thì “Benois Madonna” luôn luôn ở phía sau lớp kính chống đạn ở St. Petersburg.
3.Tượng thần Jupiter - Bảo tàng Quốc gia Hermitage, St.Petersburg
Với chiều cao khoảng 5m bao gồm cả bệ, Bảo tàng Quốc gia Hermitage ở St.Petersburg đã có một hội trường riêng được xây dựng dành cho bức tượng La Mã cổ đại khổng lồ này. Tuy nhiên ngay cả khi được tháo rời, bức tượng vẫn không thể di chuyển qua các ô cửa lớn của bảo tàng. Tác phẩm bằng đá cẩm thạch này nặng khoảng 20 tấn, được mua lại từ bộ sưu tập nghệ thuật huyền thoại của Hầu tước Campana ở Rome.
Theo các tài liệu của Hermitage, tác phẩm điêu khắc này được tìm thấy vào thế kỷ 18 trên một khu đất biệt thự của Hoàng đế La Mã Domitian ở ngoại ô Rome và mất 3 ngày để 60 người có thể di chuyển nó.
4. Bức tượng “Crouching Boy” của danh họa Michelangelo - Bảo tàng Quốc gia Hermitage, St.Petersburg
Tác phẩm điêu khắc duy nhất có kích thước nhỏ của họa sĩ và nhà điêu khắc vĩ đại thời kỳ Phục hưng, Michelangelo, được coi là một tác phẩm phác thảo dành cho Nhà thờ Medici tại Thánh đường San Lorenzo, Florence. Kể từ khi được mua lại bởi người sáng lập Bảo tàng Hermitage - Catherine Đại đế - tác phẩm này đã không bao giờ rời khỏi sảnh của bảo tàng.
5. Bức tranh “Danaë” của danh họa Rembrandt - Bảo tàng Quốc gia Hermitage, St.Petersburg
“Danaë” là một trong những kiệt tác của Hermitage đã được cả thế giới biết đến với một lý do không mấy vui vẻ. Năm 1985, một kẻ phá hoại đã đổ axit sulfuric lên bức tranh sơn dầu và phải mất 12 năm để bức tranh được phục hồi lại. Kể từ đó, tác phẩm của họa sĩ Rembrandt đã không bao giờ được mang ra khỏi bảo tàng.
Kiều Trang