10 lần phẫu thuật mắt, cô giáo ngậm ngùi chờ ngày về “hưu non”

10 lần phẫu thuật mắt, cô giáo ngậm ngùi chờ ngày về “hưu non”

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 5, 04/01/2018 19:30

Trải qua 10 cuộc phẫu thuật, mất đi một con mắt vì căn bệnh ung thư kết mạc, đã có lúc cô giáo Nguyễn Thị Thảo rơi vào tận cùng tuyệt vọng. Nhưng rồi, cô vẫn kiên cường như cây xương rồng, từng ngày chiến đấu với bệnh tật, dù chấp nhận phải nghỉ “hưu non” chứ không chịu dừng lại tia hy vọng sống dù chỉ 1 giây.

Trong số những bệnh nhân đã gặp tại “xóm xạ trị” (đối diện bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, Hà Nội), trường hợp cô Nguyễn Thị Thảo (51 tuổi, quê ở Thanh Hóa) để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc nhất. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và cô khá chóng vánh khi cô đang tranh thủ ăn cơm trưa để chuẩn bị vào bệnh viện làm tiếp các thủ tục cần thiết cho đợt truyền hóa chất mới.

Theo lời cô Thảo, cô ra đây truyền hóa chất đợt 3 và thuê nhà tại “xóm xạ trị”. Vì chưa biết lịch cụ thể nên cô cũng không dám thuê phòng “trọn gói” mà thuê theo ngày với giá 100.000 đồng/ngày. Cô Nguyễn Thị Thảo bị ung thư kết mạc mắt trái và phát hiện bệnh hồi tháng 9/2015. Sau hơn 2 năm mắc căn bệnh ung thư quái ác, cuộc đời của cô đã bước sang trang mới với những gam màu xám.

Xã hội -  10 lần phẫu thuật mắt, cô giáo ngậm ngùi chờ ngày về “hưu non”

Cô giáo Nguyễn Thị Thảo cho hay: Đợt tới sẽ nghỉ hưu non để chữa bệnh.

Kể về hành trình chữa bệnh của mình, giọng cô Thảo nghẹn lại, đôi mắt đỏ hoe: “Các bạn không thể hình dung được đâu, mình đã phải đi lại bệnh viện Mắt Trung ương rất nhiều lần và đã trải qua 10 lần phẫu thuật. Đó quả là những ngày tháng khủng khiếp nhất trong cuộc đời. Dẫu trải qua 10 cuộc phẫu thuật nhưng mắt trái của mình cũng bị múc bỏ mất rồi. Giờ mình sang viện K để truyền hóa chất. Mặc dù có bảo hiểm chi trả 80% song quá trình điều trị bệnh cũng tốn kém lắm. Như đợt vừa rồi, mình thanh toán hết 3,6 triệu tiền viện, còn tiền đi lại ăn ở nhà trọ cũng như thuốc thang cũng mất cả chục triệu đồng. Mỗi đợt truyền hóa chất là 4 ngày, nếu bác sĩ kiểm tra, thuốc không thích ứng thì thời gian truyền kéo dài 1 tuần hoặc 10  ngày”.  

Cô Thảo cho hay, cô làm giáo viên ở THPT Thạch Thành 1, tỉnh Thanh Hóa, chồng cô làm nghề tự do. Từ khi cô mắc bệnh, kinh tế gia đình cũng dần kiệt quệ.

Theo lời kể của cô Thảo, mắt phải cô bị nhược thị, đục thủy tinh thể bẩm sinh, mắt trái hoạt động bình thường nhưng sau đó bị u nên thị lực kém dần. Chín lần mổ, cô Thảo vẫn còn nhìn thấy, từ lần thứ 10 “cửa sổ tâm hồn” của cô đã đóng khép với thế giới.

“Hơn 3 tháng nay mình phải đi chữa bệnh liên tục, công việc ở trường, các giáo viên khác dạy thay. Mọi người đang giúp đỡ mình hết năm 2017, đến năm 2018, mình xin về hưu non thôi chứ làm sao đứng lớp được nữa. 28 năm cống hiến cho ngành giáo dục, những năm trước đây lương thấp, giờ lương được tăng cao chút đỉnh thì mình lại mắc bệnh phải về hưu sớm, dù thiệt thòi nhưng chẳng thể khác được. Âu cũng là số phận rồi!”, cô Thảo ngậm ngùi nói.

Trò chuyện với PV, cô Thảo chia sẻ: “Hồi mới nhập viện, mình đã linh cảm sắp bắt đầu có những ngày đau đớn khủng khiếp lắm. Xét nghiệm, tiếp đó truyền hóa chất. Ba tháng đầu, tuy rất mệt nhưng tôi vẫn trụ được. Về nhà cũng không ăn uống gì được, chỉ nằm bẹp một chỗ. Nhưng rồi tôi cũng cố làm việc vặt trong nhà để quên bệnh. Tôi sợ mùi bệnh viện, sợ cái cảm giác hay tin về những người cùng cảnh ngộ sống nốt những ngày cuối đời nên đã gắng ăn, gắng điều trị”.

Cô Thảo trầm tư: “Tôi đã ráng lắm rồi nhưng trời kêu thì cũng khó tránh. Thời gian điều trị ở nhà tôi vẫn cố ăn uống, luyện tập thể dục để có quên đi bệnh tật. Bác sĩ đã hướng dẫn tôi cách tự chăm sóc bản thân và nuôi hy vọng cho tôi trong quá trình điều trị. Bác sĩ từng nói với tôi, những bệnh nhân đang điều trị ung thư, cần có hiểu biết để đối mặt với các triệu chứng trong quá trình điều trị. Sau khi căn bệnh đã thoái lui, cơ hội quay lại đời sống bình thường, cùng sinh hoạt và chia sẻ với cộng đồng”.

Dẫu rằng, đôi mắt của cô Thảo đã không còn sáng nhưng nghị lực vượt lên số phận của cô khiến bất kỳ ai gặp gỡ cũng phải khâm phục. Câu chuyện của cô giáo Thảo khiến tôi nhớ đến bài viết của một Giáo sư, bác sĩ với tựa đề “Trời kêu không dạ”. Vị Giáo sư này viết: “Cứ nghĩ bị ung thư là trời kêu ai nấy dạ rồi buông xuôi chạy thầy chạy thuốc dân gian, đến lúc bệnh hành quá chịu không thấu phải tới bệnh viện thì thầy thuốc vất vả lắm. Đâu phải trời kêu, dạ làm chi”. Cô Thảo không chấp nhận buông xuôi mà gắng gượng từng giây phút để chống chọi với bệnh ung kết mạc. 

Lan Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.