Ngài tằm đực: Ngài tằm đực có vị mặn, bùi, béo, mùi thơm, tính ấm, tác dụng bổ thận, tráng dương, cường tinh rất tốt. Lấy cả con, vặt cánh, bỏ đầu và chân, sau đó phơi hoặc sấy khô. Dược liệu ngài tằm đực có thể được dùng theo nhiều cách.
Cho 5-7 con ngài tầm đực, để tươi đã chế biến, nấu với gạo nếp thành cháo, ăn làm một lần trong ngày. Hoặc ngài tằm đực (liều lượng như trên) sao vàng giòn, tán nhỏ, xay bột mịn cùng với tôm he bóc vỏ 20 gam, giã nhuyễn, trộn đều với hai quả trứng gà. Sau đó đem tán hoặc hấp chín, ăn trong ngày.
Cháo thịt chim sẻ: him sẻ 5 con, làm sạch lông, bỏ nội tạng, xào chín thịt, cho 7 cốc rượu vang, 50g gạo tẻ rồi cho nước vừa đủ ninh cháo. Khi ăn, thêm muối, hành, dầu ăn, mỗi ngày ăn một bữa. Rất hữu ích trong việc trị bệnh bất lực, lưng và đầu gối mỏi, đau, tiểu tiện liên tục do thận yếu.
Cháo gan gà, dây tơ hồng: Tơ hồng 15g, gan gà trống 4 - 5 buồng, gạo lức 100g, gia vị vừa đủ. Tơ hồng gói trong vải, gan gà rửa sạch. Tất cả cho cùng gạo đã vo sạch nấu thành cháo, nêm gia vị vừa đủ và ăn luôn trong ngày. Công dụng giúp bổ thận gan, ích tinh khí, trị liệt dương, di tinh, tiểu đêm nhiều, đau lưng mỏi gối, thị lực kém.
Cà cuống: Bộ phận dùng làm thuốc của cà cuống là thịt, trứng và tinh dầu. Cà cuống sau khi vặt bỏ cánh có thể dùng tươi sống. Thịt và trứng cà cuống chứa protein với hàm lượng khá cao, lipid và các vitamin. Dược liệu có vị ngọt, cay, tính bình, không độc, có tác dụng bổ thận, tráng dương, lợi tiêu hóa. Cà cuống có thể chế biến thành các món nướng, rán…
Nấm hương, mộc nhĩ hầm hải sâm: Hải sâm 100g, gừng 5g, tỏi 5g, dầu thực vật 10g, xì dầu 5g, bột gia vị vừa đủ. Nấm hương, mộc nhĩ ngâm trong nước ấm rồi rửa sạch, cắt vụn. Hải sâm ngâm nước ấm khoảng 3 giờ, rửa sạch, cắt lát. Cho dầu thực vật vào xào hải sâm một lát, cho xì dầu, tỏi, gừng đập giập, bột gia vị vào xào trong vài phút, thêm nấm hương, mộc nhĩ và một ít nước, đậy vung đun nhỏ lửa, hầm cho đến khi hải sâm, nấm hương, mộc nhĩ chín nhừ, thêm gia vị vừa ăn. Chia ăn 2 lần trong ngày, ăn liên tục 5 - 7 ngày. Có tác dụng trong việc bổ thận ích tinh, nhuận táo.
Sâu chít: Sâu chít dài khoảng 35 mm, màu vàng ngà, sống trong thân cây chít hay cây đót, cây le vào mùa đông. Rửa sạch sâu bằng nước muối, rang hoặc sấy khô. Khi dùng, tẩm sâu với mật ong, rồi lại sấy khô.
Sùng đất: Sùng đất là ấu trùng của con bọ hung. Rửa sạch sâu, ngâm vào nước sôi khoảng 15-20 phút, rồi vớt ra đem phơi hoặc sấy khô. Dược liệu có vị mặn, tính hơi ấm, có tác dụng bổ thận, tráng dương, ích khí chữa chứng yếu sinh lý, đau lưng, chân tay nhức mỏi. Liều dùng hằng ngày 8-16 g, dưới dạng hoàn tán hoặc rượu ngâm.
Hải sâm nấu thịt dê: Hải sâm 200g, thịt dê 150g, phúc bồn tử 12g, ích trí nhân 12g, nhục quế 6g, gia vị vừa đủ. Hải sâm ngâm mềm, rửa sạch, thái miếng vừa, thịt dê rửa sạch, thái miếng. Cho phúc bồn tử và ích trí nhân sắc bỏ bã lấy nước thuốc, cho thịt dê, hải sâm và nhục quế vào đun nhỏ lửa cho đến khi thịt dê chín nhừ, thêm gia vị là được. Công dụng: bổ thận ích khí, ôn dương, trị chứng liệt dương, tiểu tiện nhiều lần do thận hư.
Canh tôm, thịt dê: Thịt dê 250g, tôm nõn 25g, gừng, hành, bột gia vị, hạt tiêu vừa đủ. Rửa sạch thịt dê, luộc chín, thái mỏng, cho vào nồi cùng tôm, gừng, hành, bột gia vị, đổ nước vừa đủ nấu chín nhừ. Ăn kèm trong bữa ăn. Công dụng: ôn thận, bổ dương, trị thận dương hư suy gây liệt dương, xuất tinh sớm, chóng mặt hoa mắt, lưng gối đau mỏi.
Hạt mướp sao vàng: Hạt mướp đắng 300g. Sao vàng tán nhỏ, cho vào lọ, mỗi ngày uống 10g bằng rượu vang. Mỗi ngày uống hai lần. Mười ngày là một đợt.
Duyên Trần (t/h)