Một công trình khoa học đồ sộ, có giá trị rất lớn đối với ngành khoa học xã hội Việt Nam do nhà bác học Phan Huy Chú soạn thảo. Ít người hình dung được rằng, để hoàn thành bộ sách đặc biệt này, tác giả đã dành tới 10 năm (1809-1819), sống ẩn dật, cách ly với gia đình để chuyên tâm hoàn thành công trình khoa học của mình.
Xây nhà bên vách núi để viết sách
Xung quanh bất cứ một bộ sách đồ sộ nào cũng luôn in dấu quá trình lao động miệt mài không ngừng nghỉ của tác giả. Hầu hết người bình thường khó hình dung các thiên tài phải lao động như thế nào để hoàn thành một tác phẩm sống mãi với thời gian. Một thời, câu chuyện cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều, viết đi viết lại những câu thơ trên cột nhà khiến cột nhà mòn đi làm chúng ta ngỡ ngàng. Bản thân tôi tin rằng đó là sự thực, bởi ngoài tài năng sự khổ luyện là con đường duy nhất phải trải qua để đi đến thành công. Trong niềm tin đó, tôi đã nghĩ đến cụ Phan Huy Chú, tác giả của bộ sách "Lịch triều hiến chương loại chí" và tự đặt câu hỏi nhà bác học này phải trải qua tháng ngày miệt mài lao động khổ nhọc như thế nào để viết nên công trình khổng lồ sống mãi với thời gian. Chính niềm tin này đã thôi thúc tôi lên đường tìm về nơi cụ Phan Huy Chú viết nên bộ bách khoa toàn thư nổi danh này để tìm hiểu.
Vào một sáng đầu hè mát trong, tạm biệt trung tâm thành phố Hà Nội đầy náo nhiệt và ồn ào, tôi hướng về Sài Sơn - Quốc Oai, nơi có danh lam Chùa Thầy nức tiếng linh thiêng và đây cũng là quê hương của nhà bác học vĩ đại, người con ưu tú của dân tộc - Phan Huy Chú. Khi đặt chân lên mảnh đất nổi danh văn hiến này, hỏi về dòng họ Phan Huy tất thảy đều biết đến. Dòng họ này nổi tiếng học giỏi, thông minh uyên bác. Hàng trăm năm nay, dòng họ đã sinh thành nên nhiều bậc hiền tài cho quốc gia như Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, Phan Huy Cận… sau khi hỏi thăm, nhiều người dân tôi gặp ven đường đã nhiệt tình chỉ dẫn cho tôi vào gặp anh Nguyễn Huy Thanh - tộc trưởng dòng họ Phan Huy.
Vị tộc trưởng của dòng họ nức danh khoa bảng và thông tuệ này năm nay đã 55 tuổi, mắt to và sáng, trán cao, toát lên nét thanh cao của con nhà dòng dõi bác học. Biết khách đến, có ý muốn tìm hiểu về sự nghiệp của tổ tiên mình, anh Thanh rất nhiệt tình. Với anh, những vị khách lạ đến chơi nhà và muốn anh kể chuyện về cuộc đời của những danh nhân thuộc dòng họ Phan Huy không có gì là bất ngờ, anh từng đón những đoàn sinh viên đông đảo đến tìm hiểu về dòng văn "đi sứ" nổi danh của tổ tiên mình. Do đó khi tôi đặt vấn đề muốn được anh giúp đỡ để tìm hiểu sâu hơn về quá trình viết bộ sách "Lịch triều hiến chương loại chí" của nhà bác học Phan Huy Chú, anh Thanh đồng ý.
Anh Thanh - tộc trưởng dòng họ Phan Huy tại nơi nhà cụ Phan Huy Chú ở để viết sách
Trong cuộc trò chuyện thân tình với vị tộc trưởng của dòng họ Phan Huy - Sài Sơn, chúng tôi nhận thấy ở anh sự thông tuệ, chín chắn hiếm có. Tất thảy những thông tin anh Thanh nói ra cho chúng tôi đều được minh chứng bằng văn bản và hiện vật. Anh Thanh, nắm tường tận nhiều câu chuyện liên quan đến tổ tiên mình và phân tích rất biện chứng.
Anh Thanh tâm sự rằng, cụ Phan Huy Chú là một người con nổi danh của dòng họ. Sinh thời cụ ham mê đọc sách và tìm hiểu nghiên cứu sách vở. Cụ nổi tiếng thông minh nhưng con đường khoa cử không may mắn. Hai lần thi chỉ đậu tú tài, nhưng tài năng của cụ thì lừng lẫy đến vua cũng phải kiêng nể. Giai thoại mà con cháu trong dòng họ Phan Huy nhắc đến nhiều nhất về cụ có lẽ khoảng thời gian cụ lên núi viết "Lịch triều hiến chương loại chí".
"Nói về khoa cử cụ Chú chỉ tú tài và cụ chỉ làm đến Hàn Lâm Viện. Nhưng nói về danh tiếng, khó người bì được với cụ, đến giờ nhắc đến cụ Chú cả nước đều biết đến", ông Thanh chia sẻ trong niềm tự hào. Sở dĩ cụ Chú nổi danh như vậy không khó để giải thích, bởi cụ là tác giả của một bộ sách đồ sộ "Lịch triều hiến chương loại chí". Anh Thanh chia sẻ rằng, để có được một trước tác còn mãi với thời gian, cụ Chú đã bỏ 10 năm lên núi viết sách. Để giúp tôi hiểu hơn về quá trình viết sách của cụ Phan Huy Chú, anh Thanh đã nhiệt tình dẫn tôi lên núi Sài Sơn, nơi được cho rằng cụ Chú đã dựng nhà, ẩn cư viết sách.
Theo chân anh Thanh, tôi đi lên núi Sài Sơn. Con đường làng quanh co dẫn chúng tôi đến ngôi chùa Một Mái - một trong những quần thể chùa độc đáo quanh núi Sài Sơn. Từ ngôi chùa này, tôi được hướng dẫn men theo những bậc đá xanh, quanh co, nằm cheo leo bên triền núi dốc đứng. Đến lưng chừng núi, anh Thanh dẫn tôi đến một khoảng đất bằng phẳng nằm ẩn mình bên vách núi dựng đứng. Anh Thanh nói rằng, "đây chính là nơi ngôi nhà cụ Chú dựng lên để viết sách".
10 năm ẩn dật trên núi viết cuốn sách để đời
Tại vị trí này còn nhiều dấu tích của một nền nhà làm bằng đá xanh. Anh Thanh đã chỉ vào những dấu vết còn lại của những cột đá. Và anh cho rằng, những điểm này chính là vết tích ngôi nhà của nhà bác học Phan Huy Chú năm xưa ở để viết sách. Theo quan sát, chỗ cụ Phan Huy Chú làm nhà một khoảnh đất hẹp, bên vách núi. Ở đó, cảnh trí thanh tịnh, mát về mùa hè nhưng ấm áp về mùa đông. Nếu để yên tĩnh, thư thái nhằm tập trung vào việc biên soạn sách thì khó một địa danh nào ở Sài Sơn có thể tốt hơn nơi đây. Thời điểm tôi đứng trên địa danh này 14h, nhiệt độ ngoài trời lên đến gần 40oC, nhưng ở đây khí hậu vẫn mát mẻ. Xung quanh là một quần thể di tích chùa, đền, có động và có hang, cảnh trí nên thơ có thể khiến người ta giải toả được căng thẳng bằng cách đi hóng gió, ngắm cảnh.
Việc nhà bác học Phan Huy Chú lên núi dựng nhà viết sách được lưu truyền đến tận ngày nay. Nhưng câu chuyện sau đây khiến nhiều người nghe cảm động. Bởi, để có được bộ sách giá trị còn mãi với thời gian cụ Chú đã phải miệt mài lao động suốt 10 năm, hi sinh hạnh phúc riêng tư để viết nên một bộ sách để đời.
Anh Thanh kể cho chúng tôi rằng, khoảng cách nhà của cụ Chú và nhà trên núi chưa đến 1km. Nhưng từ khi cụ lên núi để viết "Lịch triều hiến chương loại chí", suốt 10 năm trời cụ chưa một lần xuống núi. Để hoàn thành công trình khoa học đồ sộ này, tránh sự chi phối từ phía gia đình, cụ Chú đã không cho người nhà lên núi nơi cụ ẩn dật viết sách. Sợi dây liên lạc duy nhất của nhà bác học này với gia đình đó là một người nô bộc. Người nô bộc này có nhiệm vụ ở cùng Phan Huy Chú để chăm sóc cụ, đến buổi ăn xuống núi mang cơm lên. Bản thân gia đình, khi biết tâm nguyện của cụ Chú, mọi người rất trân trọng, không làm ảnh hưởng đến sự nghiệp nghiên cứu khoa học và cũng không ai tự ý dám lên nơi cụ viết sách. Mười năm trời vợ và con cụ Chú chỉ biết nhớ mong, mà không dám tự ý thượng sơn thăm cụ.
Xuống núi, quên cả mặt con Anh Thanh trao đổi với chúng tôi rằng, các cụ trước có lưu truyền câu chuyện kể lại: "Sau khi viết xong bộ sách "Lịch triều hiến chương loại chí" cụ Chú mới chấp nhận hạ sơn. Về đến nhà, cụ Chú không còn nhận ra con của mình. Bởi, khi cụ thượng sơn, con của cụ hãy còn nhỏ nhưng khi gặp lại họ đã lớn khôn". Câu chuyện 10 năm ẩn dật viết sách của cụ Chú đến giờ vẫn khiến nhiều người ngỡ ngàng. Câu chuyện cho thấy được ý chí, quyết tâm, công sức của nhà bác học này. |
Trinh Phúc