Nhờ sự hỗ trợ tận tình từ khắp các địa phương, ban ngành chức năng và nhà hảo tâm, các gia đình gặp nạn đã dần ổn định cuộc sống.
Không quên sự hy sinh
Thị xã Bình Minh (ngày đó là huyện Bình Minh) là địa phương chịu nhiều đau thương trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào ngày 27/9/2007 vì có tới 55 người chết. Trong đó, riêng tại xã Mỹ Hòa phải chịu mất mát nhiều nhất khi có đến 34 người tử nạn.
Tại xã Mỹ Hòa vào những ngày này, đi đâu cũng nghe mọi người nhắc lại vụ tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ 10 năm trước. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Phan, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, cho biết: “Hằng năm, cứ vào những ngày này là các gia đình có người thân tử nạn trong vụ tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ đều tự tổ chức cúng giỗ ngay tại nhà riêng của mình. Sáng 23/9 vừa qua, một số kỹ sư người Nhật Bản cùng cán bộ địa phương và các ngành chức năng đến chùa Bồ Đề (gần chân cầu Cần Thơ, thuộc địa phận xã Mỹ Hòa - PV) để thắp hương, bày tỏ lòng tưởng nhớ đến người lao động đã góp một phần công sức, sinh mạng vào việc hoàn thành cây cầu. Tại đây, nhiều thành viên trong đoàn và người thân đã không kìm được nước mắt khi nhớ lại sự hy sinh của 55 công nhân 10 năm trước”.
Ông Phan kể, ngay sau vụ tai nạn, nhiều nhà hảo tâm và cơ quan chức năng đến hỗ trợ cho các gia đình gặp nạn. Sự hỗ trợ kịp thời đó đã giúp gia đình các nạn nhân ổn định cuộc sống, xây nhà mới, mua được đất vườn, nuôi con ăn học đàng hoàng. Chính quyền địa phương cũng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp họ vươn lên trong cuộc sống, vượt qua nỗi đau.
“Tiếc rằng một số gia đình, sau khi nhận tiền hỗ trợ, cuộc sống hiện tại của họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn”, ông Phan trầm ngâm.
Nỗi đau dần nguôi
Ở xã Mỹ Hòa, một trong những người chịu cảnh thương tâm nhất sau vụ tai nạn là em Phạm Thị Ngọc Hân. Vụ tai nạn đã cướp đi người cha khi Hân mới 13 tuổi. Mồ côi cha không lâu, 2 chị em Hân lại chịu tiếp cảnh mồ côi mẹ. 10 năm qua là khoảng thời gian vô vàn gian nan với Hân, song cô đã vượt qua. Hiện Hân tốt nghiệp ngành Quản trị du lịch và lữ hành của trường đại học Cần Thơ và đang làm việc ở Phú Quốc.
Có chồng mất trong vụ tai nạn, chị Hà Thị Kiều Vân (36 tuổi, ngụ ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Hòa) đã dùng số tiền hỗ trợ để mua đất xây nhà, kinh doanh buôn bán có thu nhập hàng ngày ổn định. Chị Vân nhớ lại: “10 năm trước, gia đình tôi sống gần chân cầu Cần Thơ. Do cuộc sống khó khăn nên chồng tôi là Lê Hoàng Quốc Việt xin vào làm công nhân tại cây cầu này. Vào ngày định mệnh đó, chồng tôi gặp nạn, bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Sau 8 ngày tìm kiếm, thi thể của chồng tôi mới được tìm thấy. Chồng tôi mất ở tuổi 29, để lại đứa con gái mới 5 tuổi nên một mình tôi phải cố gắng vươn lên trong cuộc sống”.
Chịu vết thương nặng, anh Lê Hoàng Nam (33 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa), vẫn được xem là may mắn khi thoát khỏi tử thần. Bị một thanh sắt đâm xuyên ngực trái, anh Nam cho biết, giờ sức khỏe mình đã dần ổn định. Hiện anh làm công nhân cho một công ty bê tông trên địa bàn, cuộc sống tạm ổn. “Vụ tai nạn cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nhớ ra. Chỉ biết rằng sáng hôm đó, tôi cùng anh em trong tổ leo lên giàn gỡ ván cốp pha. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm ở bệnh viện”, anh Nam kể.
Ông Lê Thành Khải (68 tuổi, cha của anh Nam), cho biết thêm: “Sau tiếng động kinh hoàng phát ra nơi con trai tôi làm việc, tôi chạy ra xem thì thấy nhịp dẫn cầu Cần Thơ bị sập. Tôi hô hoán, đồng thời chạy đến tìm con trai. Đến nơi, cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt, con trai tôi đang nằm cùng với 2 xác người. Tiến đến gần thì con trai tôi tỉnh lại như một phép màu. Mọi người kịp thời đưa con tôi đến bệnh viện cấp cứu nên đã thoát chết”.
Người góp công không nhỏ trong việc cứu sống các nạn nhân, phải kể đến ông Lê Tấn Thành (48 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa). Vốn chuyên nghề cưa cây thuê ở địa phương, ông Thành đã dùng máy cưa của mình cưa những tấm ván cốp pha. Nhờ việc nghĩa này, ông Thành đã cứu sống 11 người gặp nạn. Ông Thành thuật lại, thời điểm xảy ra sự cố là ông đang ở nhà. Lúc xảy ra tai nạn, nghe có tiếng động lớn, ông chạy đến xem. Đến hiện trường thì cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt. Số người chết và bị thương nằm la liệt trên hiện trường, có người bị kẹt trong đống đổ nát.
“Nghĩ nhà có sẵn cây cưa nên tôi quyết định trở về nhà mang cưa quay lại hiện trường cứu người. Dù rất hoảng loạn nhưng tôi vẫn cố giữ bình tĩnh cưa một mạch và cứu được 11 người. Trong số 11 người được tôi cứu sống, có cháu Nguyễn Văn Thắng (khi đó 18 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa) là người duy nhất có thể nói chuyện với tôi. Thắng bị nhiều thanh gỗ chèn ép vào chân nên không thể cử động được. Khi tôi đặt cưa để cưa những thanh gỗ thì Thắng la lên: “Chú ơi cứu cháu, chú cưa cẩn thận, coi chừng đứt luôn chân của cháu”. Vừa hồi hộp, vừa cưa cẩn thận nên sau đó tôi đã đưa Thắng ra ngoài an toàn”, ông Thành kể.
Nhìn lại 10 năm sau vụ tai nạn, ông Huỳnh Minh Thiệt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Mỹ Hòa nói: “Có tới 34 người chết và 42 người bị thương, vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ thực sự là một nỗi đau mất mát lớn đối với người dân Mỹ Hòa. Rất mừng là nhiều gia đình có người thân gặp nạn đã dần ổn định cuộc sống, có người khá giả. Dẫu sẽ dần nguôi ngoai, nhưng nỗi đau ngày nào sẽ vẫn còn trong tâm trí của người dân nơi đây”.