Từ người bán đến người trực tiếp cho lợn ăn, không ai có thể biết loại thuốc đó có thành phần gì, hàm lượng thế nào, độc hại ra sao. Họ chỉ gọi theo thói quen là hoóc môn tăng trưởng hay đơn thuần là thuốc kích lợn trước khi xuất chuồng.
Ăn một tuần, biết ngay kết quả
Tay cầm túi hoóc môn “bung đùi, nở mông vai”, tôi tìm đến các cửa hàng thuốc thú y trên địa bàn Văn Giang, Khoái Châu (Hưng Yên) để dò hỏi về một loại thuốc kỳ dị. Đến đâu, tôi cũng nhận được đáp án: Loại này ăn thua gì so với loại mà các nhà chăn nuôi ở đây đang đổ cho lợn ăn. Anh cứ đến các trang trại nuôi lợn mà hỏi. Đó là loại thuốc đang được truyền tai nhau lợn ăn "một tuần, biết ngay kết quả".
Trong vai một người đi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, tôi vào ngõ ngách các xóm, thấy nhà nào nuôi lợn là tạt vào. Nói đến thuốc kích lợn, hầu như nhà chăn nuôi nào cũng hay, cũng biết, song hỏi về nguồn gốc dường như ai cũng lơ mơ. Có người mách "muốn mua thuốc thử sang nhà Hà - Loan ở Mễ Sở (Văn Giang) vì nhà này nuôi lợn số lượng lớn có cho ăn hoóc môn tăng trưởng".
Chị Loan - chủ nhân của đàn lợn hơn 200 con, thật thà: “Nhà tôi không dùng loại thuốc mà anh đang cầm đâu. Chúng tôi dùng thuốc khác, hiệu quả hơn nhiều”.
Một loại hoóc môn kích thích tăng trưởng đang được nhà chăn nuôi truyền tay nhau.
“Mua ở đâu chỉ có ông nhà tôi và hội nuôi lợn biết với nhau chứ tôi chịu. Còn ăn như thế nào là tùy thôi, nếu xác định 20 ngày nữa xuất thì pha trộn nhiều thuốc, còn xác định 50 ngày nữa xuất thì pha trộn ít thuốc, cho lợn ăn đến khi xuất chuồng thì thôi. Lợn có ăn hoóc môn mới nhanh xuất chuồng”, chị Loan cho biết thêm.
Nói xong, Loan đưa tôi ra phía sau thăm đàn lợn độ mươi ngày nữa là xuất chuồng. Con nào cũng đạt trên 100 kg. Loan bảo: Đấy! thuốc hiệu quả hay không nhìn lợn là biết.
Quả đúng thật, con nào cũng béo, hồng hào, tôi dùng chân đạp mạnh, nhưng nhiều con béo quá không đứng dậy được.
Tôi tìm gặp Tuy - một người chuyên mổ lợn ở Đông Tảo (Khoái Châu). Nhà Tuy có nuôi lợn bằng hoóc môn tăng trưởng - loại mà chúng tôi đang tìm kiếm.
Khi tuần trà đã hết, ánh mắt dò xét mà Tuy dành cho tôi cũng đã thu về, lúc này anh mới ghé tai rỉ nhỏ: “Lợn ăn hoóc môn vào, lớn kinh khủng. Khi lợn đạt 80 - 90 kg/con, tôi mới bắt đầu cho ăn. Sau 20 ngày, lợn có thể đạt 120 kg/con. Vừa rồi tôi phải bán gấp đấy.
Thấy lợn xấu nên tôi xác định cho lợn ăn hoóc môn 30 ngày, nhưng mới hai mấy ngày tôi đã phải bán vì chúng béo quá nhanh, không thể đứng dậy được, nếu để độ dăm ngày nữa chắc chắn có con chết. Tiếc quá, giá như anh đến sớm một hôm thì sẽ thấy 31 con tôi mới xuất chuồng, kẻo lại bảo tôi khoác lác”.
Chỉ tay vào đàn lợn 9 con to béo, Tuy nói tiếp: “Anh xem, đàn lợn này tôi mới cho ăn thuốc được 10 ngày. Mới có chừng ấy thời gian thôi nhưng tôi dám cá với anh là đã tăng 20 kg/con rồi đấy”. Tôi tin, Tuy làm nghề giết mổ nên có con mắt nhìn lợn chuẩn xác về trọng lượng lợn hơi trong chuồng. Nếu con số mà Tuy đưa ra là thực thì loại hoóc môn tăng trưởng mà Tuy và các nhà chăn nuôi đang cho lợn ăn có thể kích lợn tăng 2 kg/ngày tương đương với 60 kg/tháng!
Có thêm lời giải thích của Tuy, giờ thì tôi đã hiểu những gì Loan khẳng định: Sở dĩ, người ta chỉ cho ăn hoóc môn ở giai đoạn cuối là bởi sau khi ăn vào, vai, đùi lợn sẽ bung ra hết cỡ, chân sau lại nhỏ nên rất có nguy cơ gãy xương chân cao, mặt khác lợn có muốn đi cũng chẳng đi được, mà lợn nằm nhiều quá lại bị lạnh bụng, tất yếu sẽ viêm đường tiêu hóa mà chết. Thế nên, dùng loại hoóc môn này khi lợn có dấu hiệu lớn hết cỡ là phải bán ngay, dù đắt hay rẻ.
Nơi đây còn có một nghịch lý về giá lợn hơi. Đối với lợn nuôi lớn bằng cám bình thường thương lái mua với giá chỉ 47 nghìn đồng/kg. Đối với lợn nuôi bằng hoóc môn tăng trưởng lại được mua với giá 51 nghìn đồng/kg.
Sở dĩ có sự chêch lệnh về giá đó bởi những con lợn được nuôi bằng hoóc môn tăng trưởng hồng hào, mẫu mã đẹp. Với những nhà chăn nuôi nhiều, mức giá chênh lệnh như thế là một con số rất đáng để cân nhắc và điều đó gần như đồng nghĩa với việc khuyến khích nuôi lợn bằng hoóc môn.
Diện kiến mối lái hoóc môn
Để tiếp cận được với đường dây buôn bán hoóc môn, tôi được chủ một đại lý thuốc thú y ở Đông Tảo mách nước: Nhà ông Hiệu - Hằng bán loại hoóc môn đó, nhưng anh là người lạ, không đời nào người ta tin và bán thuốc cấm cho anh. Để ông Hiệu tin, anh nên tìm một người trong hội nuôi lợn môi giới và ông Triển - thành viên hội nuôi lợn ở gần chợ Đông Tảo là người thích hợp nhất.
Ông Triển rút điện thoại, nói với đầu dây bên kia sau khi nhận được câu trả lời về nguyên do đi mua hoóc môn của tôi: “Bác có nhà không? Có thằng cháu sang mua hoóc môn. Em đã kiểm tra kỹ rồi, bác cứ bán đi, em chịu trách nhiệm, em bảo nó sang ngay đấy”.
Nhà ông Hiệu không treo biển, cánh cửa sắt được khóa chốt cẩn thận. Thủ tục làm quen khá khắt khe, tôi phải trình chứng minh thư và trả lời hàng loạt các câu hỏi mà ông Hiệu đưa ra.
10 ngày lợn có thể tăng 20kg nhờ ăn hoóc môn.
Sau cùng, ông Hiệu mới nhẹ nhàng: “Đây là hàng cấm nên phải cẩn thận, anh thông cảm! Loại thuốc kích lợn này có nguồn gốc từ Ấn Độ, hàm lượng đậm đặc, đảm bảo hơn thuốc Trung Quốc nhiều. Nó là một loại bột trắng, không có nhãn mác, chỉ có bao trắng. Mỗi túi 1 kg, được trộn với 2 - 3 tấn thức ăn, hoặc đậm đặc tùy theo thời gian xuất chuồng. Giá đét đe 400 nghìn/túi. Chất lượng miễn chê, mua là dùng thật, không phải thử…”.
Để cho thuyết phục, ông Hiệu mở cửa sau, đưa tôi ra thăm lợn: “Anh xem đi, xem lợn có dấu hiệu gì khác không. Lứa này tôi mới cho ăn hoóc môn được một tuần thôi đấy, nhìn biết liền. Trước, cứ 3 tháng, tôi xuất được 100 con, nay thì xuất được 120 con. Nếu anh xác định 120 kg/con xuất chuồng thì khi lợn được 80 kg/con là phải cho ăn thuốc, 25 - 30 ngày sau chắc chắn lợn đạt mức 120 kg, xuất chuồng tốt” - ông Hiệu nói.
Theo ông Hiệu, tính đến nay, ông đã cho lợn ăn hoóc môn được gần 1 năm. Ở đây hầu như nhà nào nuôi nhiều lợn cũng cho ăn hoóc môn - loại mà lâu nay ông vẫn cho lợn ăn.
“Nói độc, có hại cho sức khỏe thì ai cũng biết nhưng mà thấy người ta cho lợn ăn mình cũng cho ăn. Mặt khác, dùng loại thuốc kích này cũng có cái hay của nó. Thứ nhất có thể giảm lượng thức ăn ở giai đoạn cuối; thứ hai là ngoại hình con lợn rất đẹp; thứ ba là giá cao hơn lợn bình thường nên tội gì…, thấy hiệu quả nên anh em chăn nuôi truyền tay nhau là chủ yếu” - ông Hiệu nói.
Tôi ngỏ ý mua nhiều về buôn, ông Hiệu gật đầu. Theo ông chuyển về quê tôi không khó, vì thực tế đã có người lặn lội từ trong miền Trung ra nhà ông lấy hoóc môn về bán. Mặt khác, ông biết người ta vẫn chuyển hoóc môn đi các tỉnh lân cận và tận Đồng Nai nên việc vận chuyển đi xa với ông thật quá dễ dàng, còn thủ thuật tinh vi thế nào mà qua mắt được cơ quan chức năng thì ông không tiết lộ.
Theo một bác sỹ thú y, nhà nước nghiêm cấm việc cho lợn ăn các hoóc môn tăng trưởng. Bởi lẽ, khi lợn ăn hoóc môn, các hoóc môn sẽ làm nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển cơ bắp, làm nhỏ xương và chuyển hóa lớp mỡ thành nạc. Tuy nhiên, hoóc môn là loại khó tiêu hóa, không dễ dàng gì bộ máy tiêu hóa của lợn có thể hấp thụ hết các hoóc môn. Con người ăn thịt lợn có chứa hoóc môn sẽ dẫn đến hiện tượng chân tay run, hoạt động chậm, gây béo phì do tồn dư của hoóc môn chứa trong thịt lợn và có thể gây ung thư. Trong khi đó, hàng ngày vẫn có hàng trăm con lợn ở vùng này được đưa lên Hà Nội tiêu thụ, và dĩ nhiên bằng mắt thường người tiêu dùng khó có thể phân biệt đâu là thịt lợn chăn nuôi bình thường đâu là thịt lợn dùng hoóc môn tăng trưởng... |
Theo Nông nghiệp Việt Nam