Nhiều người dự định mua những món cần thiết vào dịp siêu giảm giá Black Friday nhưng cuối cùng họ lại mang về nhà những thứ không có trong kế hoạch trong khi ví tiền sạch bách. Mua sắm mà không có chiến lược hợp lý sẽ khiến bạn tốn kém hơn là tiết kiệm, thậm chí bị bội chi. Dưới đây là những lỗi lớn nhất nhiều người mắc phải:
Không lập kế hoạch mua sắm
Không lên kế hoạch mua sắm là sai lầm rất phổ biến. Hãy nhớ rằng bạn cần lập danh sách những thứ mình muốn mua, gồm những mặt hàng trong nhà còn thiếu, những món quà bạn muốn tặng trong dịp Giáng Sinh, năm mới... Nếu không có kế hoạch, bạn sẽ dễ dàng chi tiêu vượt quá khả năng, từ đó rơi vào khủng hoảng tài chính.
Không nghiên cứu trước
Trước khi chi tiền mua sắm bạn nên nghiên cứu trước xem khuyến mãi nào là thật, cái nào chỉ là chiêu trò. Đầu tiên, đừng bị phân tán bởi những chương trình giảm giá sâu và thấp nhất. Thứ hai, phân tích kỹ xem sản phẩm đó mình có thực sự cần và có các đặc điểm như ý hay không. Bạn sẽ hối tiếc nếu mua rồi sau đó phát hiện món đồ này ở chỗ khác lúc nào cũng có giá thấp hơn, dù không chạy chương trình giảm giá.
Nợ tín dụng để mua sắm
Bị hấp dẫn bởi các mặt hàng giảm giá trong khi ngân sách đã cạn kiệt, nhiều người sẵn sàng nợ thẻ tín dụng để mua bằng được một món đồ. Hãy cân nhắc quyết định mua sắm đó nếu bản thân không đủ khả năng chi trả. Hãy nhớ giảm giá không phải là cái cớ để bạn chi tiêu vượt quá khả năng của mình.
Bị “dụ” xem những thứ mình không cần
Bạn nhanh chóng tới siêu thị điện máy khi thấy quảng cáo chiếc ti vi đời mới giảm giá tới 70% nhưng khi đến nơi thì nhận được thông báo không còn hàng. Sau đó, bạn được mời chào xem những chiếc đắt tiền hơn và có thể xem thêm một loạt các món điện máy khác cũng được giảm giá sâu (sau khi đã được nâng giá lên cao). Đừng mắc phải sai lầm này. Nếu cửa hàng không có món bạn định mua, tốt nhất nên trở về tay không.
Không hỏi rõ chính sách đổi trả hàng
Bạn nên lưu ý rất nhiều sản phẩm được tung ra vào dịp Black Friday sẽ không được đổi hoặc trả lại. Lý do các cửa hàng, nhà phân phối đưa ra là chúng đã được áp dụng chính sách ưu đãi rồi. Để tránh “mất tiền oan” đừng quên hỏi nhân viên về việc đổi trả trước khi quyết định mua một sản phẩm nào đó, nhất là với những món đồ có giá trị cao.
Mua các sản phẩm công nghệ lỗi thời
Công nghệ thay đổi từng ngày. Thường những mẫu cũ sẽ được giảm giá và người bán sẽ cố thuyết phục để bạn mua các sản phẩm lỗi thời. Do đó hãy kiểm tra kỹ xem sản phẩm đó có thực sự đáng tiền không. Đừng quên xem xét liệu vài tháng tới thiết bị có cập nhật bản mới và món bạn mua giá sẽ còn tụt sâu hơn.
Mua trước, trả tiền sau
Để tăng doanh thu, nhiều cửa hàng trực tuyến có chính sách chỉ thu tiền khi khách nhận hàng, nghĩa là dù bạn không có đủ tiền vào thời điểm mua sắm nhưng vẫn có thể chốt đơn và điều này khiến nhiều người mua sắm quá nhiều. Khi các gói hàng được gửi đến nhà, bạn mới nhận ra mình đã chi tiêu không kiểm soát nhưng đành phải cắn răng tìm cách thanh toán.
Không mua các nhãn hiệu quen thuộc
Đừng bị thuyết phục mua một sản phẩm không rõ nguồn gốc, tính hiệu quả chưa được xác thực chỉ vì giá tốt hơn. Cách này sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền về lâu dài.
Quên là còn nhiều dịp khuyến mại khác
Có rất nhiều chương trình giảm giá trong năm, vì vậy đừng quá nôn nóng, sợ mình không mua ngay thì món đó sẽ hết hoặc không có giá hời như vậy nữa. Tiền chưa tiêu vẫn là tiền của bạn. Có thể trong chương trình giảm giá tiếp theo bạn sẽ mua được sản phẩm với mức giá thậm chí còn hấp dẫn hơn.
Bạn mua sắm quá muộn
Dù chương trình giảm giá có thể kéo dài cả ngày thậm chí vài ngày sau đó nhưng đi sớm thì các mặt hàng phong phú hơn, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn.
Minh Hoa (t/h)