Mới đây, trong chuyên đề “Xét nghiệm gen y khoa trong tầm soát điều trị ung thư” tại bện viện Gia An 115, tiến sĩ Phan Minh Liêm, thành viên của hiệp hội Di truyền Y khoa Hoa Kỳ cho biết ung thư có thể do đột biến gen và có thể ảnh hưởng đến các thế hệ sau.
Chẳng hạn như, đột biến trên các gen BRCA1, BRCA2 có thể tăng nguy cơ mắc ung thư đến 80%; đột biến gen TP53 (hội chứng Li-Fraumeni) tăng nguy cơ ung thư đến 90%, đột biến gen PTEN, RB1 gây ung thư đa cơ quan với xác suất có thể lên đến 85,2%.
Do đó, giải mã gen và phân tích di truyền y khoa giúp phát hiện các đột biến gen ung thư di truyền sẽ góp phần làm tăng hiệu quả phát hiện sớm và điều trị ung thư.
Theo Trung tâm ung thư MD Anderson, 2/3 số ca ung thư có thể phòng tránh được nếu chúng ta áp dụng đầy đủ các biện pháp tầm soát và phòng ngừa.
Các tác nhân gây đột biến gen dẫn đến ung thư gồm: lối sống (thói quen hút thuốc lá, rượu bia…), môi trường (ô nhiễm, chất gây ung thư), tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn…) và các bệnh khác (béo phì, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…).
Vì thế, để giảm nguy cơ ung thư, mỗi người nên: tầm soát đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý; không hút thuốc và tránh xa khói thuốc; ăn uống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng phù hợp; bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây ung thư, hạn chế tiếp xúc với tia tử ngoại, tiêm ngừa (viêm gan siêu vi B, HPV…), giữ tâm lý thoải mái, sống vui vẻ…
Tiến sĩ Liêm cho biết, theo hiệp hội Di truyền Y khoa Hoa Kỳ và Trung tâm ung thư MD Anderson, những người có nguy cơ ung thư cao nên tầm soát định kỳ và tầm soát đột biến gen ung thư theo chỉ định của bác sĩ. Nguy cơ mắc ung thư tăng lên khi: có thành viên trong gia đình mắc ung thư khi dưới 50 tuổi; có từ 2 thành viên trong gia đình mắc ung thư; mắc các hội chứng, bệnh lý làm tăng nguy cơ ung thư.