Đây là năm thứ 12 sự kiện được tổ chức. 10 sự kiện nổi bật năm 2017 được công bố là kết quả bình chọn của hơn 40 nhà báo viết về lĩnh vực khoa học và công nghệ đến từ 20 cơ quan truyền thông đại chúng Trung ương và địa phương.
Đó là các sự kiện thuộc các lĩnh vực cơ chế chính sách, khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu ứng dụng, hội nhập quốc tế, tôn vinh nhà khoa học sau:
1. Quốc hội thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi):
Chiều ngày 19/6, Quốc hội thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Luật có thay đổi, chỉnh lý một số nội dung. Trong đó có những nội dung quan trọng như chính sách của Nhà nước đối với chuyển giao công nghệ; các công nghệ cần khuyến khích, hạn chế, cấm chuyển giao; thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư, các biện pháp khuyến khích thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường.
2. Chính phủ ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4:
Ngày 4/5, Thủ tướng ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ chính của bộ Khoa học và Công nghệ: Tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chủ trì, phối hợp các bộ ngành, địa phương triển khai có kết quả Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025…
3. Dự án “ Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội”:
Để tòa Nhà Quốc hội trở thành điểm nhấn phản ánh sức sống trường tồn của trung tâm quyền lực trong dòng chảy lịch sử dân tộc, Đảng và Nhà nước quyết định dành một phần không gian dưới 2 tầng hầm Nhà Quốc hội làm nơi tái hiện trưng bày những khám phá quan trọng của khảo cổ học dưới lòng đất của khu Di sản Văn hóa thế giới - Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội” được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện Nghiên cứu Kinh thành là đơn vị chủ trì tổ chức triển khai thực hiện. Sau gần 5 năm, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã hoàn thành Dự án, đáp ứng tốt các yêu cầu của nội dung, mục tiêu và tiến độ đề ra.
4. Đài thiên văn Nha Trang chính thức hoạt động cuối tháng 9/2017:
Đài Thiên văn Nha Trang trực thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đặt trên Hòn Chồng (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), là một phần của dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Một số nghiên cứu có thể được thực hiện với kính và thiết bị đi kèm gồm: quan sát sao biến quang, từ đó có thể nghiên cứu tính chất của khí quyển; đo phổ vạch từ các ngôi sao để thu thông tin về loại sao, tốc độ quay và độ lớn từ trường trên bề mặt sao…
5. TS. Hà Phương Thư nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017:
Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trao tặng Giải thưởng trên cho TS. Hà Phương Thư - Trưởng phòng Vật liệu nano y sinh, viện Khoa học Vật liệu (viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với những đóng góp trong công cuộc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
TS. Thư là một trong số ít những nhà khoa học trẻ tiêu biểu của Việt Nam có 30 công bố quốc tế về lĩnh vực nano y sinh và làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp viện Hàn lâm và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia…
6. GS.TS Nguyễn Quang Liêm nhận Giải thưởng Công huân khoa học ASEAN (AMSA):
Ngày 20/10, tại Myanmar, Ban tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN chính thức lần thứ 17 (AMMST-17) đã trao cho GS.TS Nguyễn Quang Liêm (Viện trưởng viện Khoa học Vật liệu, viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam) giải thưởng trên.
GS.TS Nguyễn Quang Liêm đã công bố hơn 150 bài báo trên nhiều tạp chí khoa học uy tín quốc tế và trong nước, là đồng tác giả Giải thưởng Nhà nước về KH và CN năm 2005 cho cụm công trình “Nghiên cứu cơ bản tính chất quang - điện - từ của một số vật liệu điện tử tiên tiến”.
7. Kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam:
Ngày 19/11/1997 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành thông tin và truyền thông Việt Nam khi diễn ra Lễ ấn nút mở cửa Internet.
Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2017, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới và nằm trong tốp những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng cao nhất tại châu Á.
8. Viettel triển khai mạng 4G:
Chỉ trong 6 tháng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã gần như hoàn thiện mạng 4G trên phạm vi toàn quốc. Theo đánh giá của các chuyên gia, với hơn 36 nghìn trạm BTS 4G, chỉ riêng hạ tầng của Viettel đã đủ để đưa Việt Nam vào tốp 20 quốc gia có hạ tầng 4G hiện đại nhất, chất lượng nhất, mật độ phủ dân cư tốt nhất theo chuẩn quốc tế.
Hiện chỉ có chưa tới 10% số nhà mạng trên thế giới sử dụng được công nghệ này.
9. Hàn Quốc xây dựng nhà máy sản xuất động cơ máy bay tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc:
Ngày 21/9, Công ty Hanwha Techwin (Hàn Quốc) tổ chức lễ khởi công nhà máy Hanwha Aero Engines tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Đây là dự án đầu tư đầu tiên tại Việt Nam liên quan đến ngành công nghiệp động cơ hàng không. Nhà máy sẽ sản xuất các cấu kiện, linh kiện động cơ cho một số hãng hàng không hàng đầu thế giới, như: General Electric (GE), Pratt & Whitney (PW) và Rolls-Royce.
Trước đó ngày 7/7, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án nhà máy của Hàn Quốc với tổng mức đầu tư 200 triệu USD (giải ngân trong ba năm) và có kế hoạch đầu tư thêm 60 triệu USD trên tổng diện tích 96.789 m2.
10. Traphaco khánh thành nhà máy sản xuất thuốc hiện đại nhất Việt Nam:
Ngày 8/11, Công ty CP Traphaco tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy sản xuất thuốc tân dược hiện đại nhất Việt Nam tại tỉnh Hưng Yên. Traphaco đã đầu tư các công nghệ mới nhất hiện nay để xây dựng nhà máy tân dược "thông minh".
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 46.288 m2 với tổng vốn đầu tư 477 tỷ đồng, gồm 3 phân xưởng và 5 dây chuyền sản xuất. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và vận hành sản xuất, nhà máy được đầu tư đồng bộ và tự động hóa hoàn toàn cho các dây chuyền sản xuất thuốc.
Hải Yến.