1. Tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2019-2024
Đại hội đại biểu toàn quốc hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024 đã được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 9 năm 2019. Về dự Đại hội có 328 đại biểu đại diện hơn 63.000 hội viên trong cả nước. Đại hội vinh dự được đón đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tới dự và chỉ đạo. Đại hội cũng vinh dự được đón nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan ban, ngành đoàn thể ở Trung ương và đại diện một số địa phương tới dự.
Đại hội đánh giá, trong nhiệm kỳ qua, Đảng đoàn, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và toàn thể các cấp Hội và hội viên hội Luật gia Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nhất là các văn bản chỉ đạo về công tác của hội Luật gia và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2014-2019 của Hội đã đề ra, chủ động xây dựng và thực hiện thành công các chương trình, kế hoạch công tác, trong đó có nhiều nội dung, nhiều mặt hoạt động có bước phát triển mới. Chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại của đất nước.
Trên cơ sở đó, Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ XIII (2019-2024). Theo đó, phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, xây dựng hệ thống tổ chức Hội vững mạnh, toàn diện, phát triển đội ngũ luật gia Việt Nam theo sáu chuẩn mực đạo đức của hội viên hội Luật gia Việt Nam; phát huy vai trò của một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
2. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới
Ngày 30/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó khẳng định việc thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2013 đã được các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cấp hội Luật gia triển khai một cách nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi để kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vị trí và vai trò tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của hội Luật gia Việt Nam, góp phần tạo chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện công tác. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy vai trò và khả năng của giới luật gia trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc phổ biến, quán triệt nội dung các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác của hội Luật gia Việt Nam để nắm vững những quan điểm chỉ đạo nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp hội Luật gia củng cố, kiện toàn tổ chức và phát triển hội viên. Phát huy vai trò của hội Luật gia Việt Nam trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao như công tác xây dựng, thẩm định, góp ý kiến về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý... bảo đảm, sử dụng kinh phí chi hoạt động thường xuyên hàng năm để hội Luật gia thực hiện nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị này theo quy định pháp luật về phân cấp ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng nêu rõ trách nhiệm của bộ Tư pháp, bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ và bộ Ngoại giao trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải có các đề xuất, giải pháp đồng thời chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể đó nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của hội Luật gia Việt Nam trong thời gian tới.
Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg cho thấy, vai trò của hội Luật gia Việt Nam tiếp tục được khẳng định và nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ.
3. Thông qua Điều lệ hội Luật gia Việt Nam năm 2019 thay thế Điều lệ hội Luật gia Việt Nam năm 2010 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Điều lệ hội Luật gia Việt Nam được Đại hội đại biểu toàn quốc hội Luật gia Việt Nam lần thứ XI thông qua ngày 31/12/2009 và được bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 1004/QĐ-BNV ngày 31/8/2010. Gần 10 năm qua, Điều lệ 2010 đã đi vào cuộc sống, tổ chức và hoạt động của Hội ngày càng phát triển và khẳng định vị trí, vai trò của hội Luật gia Việt Nam trong hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, hội Luật gia Việt Nam với vị trí là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đang đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, đòi hỏi cấp thiết xây dựng Điều lệ mới để phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, khắc phục những bất cập, tồn tại, đưa công tác Hội tiếp tục phát triển.
Trên cơ sở kế thừa Điều lệ năm 2010, Điều lệ năm 2019 đã có những sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới. Ngày 13 tháng 9 năm 2019, Đại hội đại biểu toàn quốc hội Luật gia Việt Nam đã thông qua Điều lệ hội Luật gia Việt Nam năm 2019 thay thế Điều lệ hội Luật gia Việt Nam năm 2010 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4. Thực hiện thành công Nghị quyết số 339/NQ-BCH-HLGVN ngày 30/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Hội về thống nhất thời gian Đại hội nhiệm kỳ các cấp Hội
Nghị quyết 339/NQ-BCH-HLGVN ngày 30/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương hội Luật gia Việt Nam về thống nhất thời gian Đại hội nhiệm kỳ các cấp Hội đã nhận được sự nhất trí rất cao của cấp ủy, chính quyền các địa phương và các cấp hội Luật gia trong cả nước. Do đó, trong năm 2019, thực hiện lộ trình thống nhất thời gian Đại hội nhiệm kỳ đã có 31 hội Luật gia tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 07 chi hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2019 - 2024. Việc nhiều tỉnh, thành hội, chi hội Luật gia tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ theo Nghị quyết 339/NQ-BCH-HLGVN đã khẳng định sự lãnh đạo liên tục, trực tiếp, toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương Hội đối với hội Luật gia các tỉnh, thành phố, các chi hội luật gia trực thuộc Trung ương Hội, nhằm bảo đảm tính thống nhất của toàn bộ hệ thống hội Luật gia Việt Nam.
5. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện “Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017-2021”
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” giai đoạn 2017 – 2021, lãnh đạo hội Luật gia Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-HLGVN ngày 15/3/2019 chỉ đạo các cấp Hội. Thực hiện kế hoạch này, trong năm 2019, Trung ương Hội đã triển khai có hiệu quả các hoạt động như: Tổ chức khảo sát về mô hình Trung tâm Pháp luật cộng đồng tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lai Châu, Đồng Nai; Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên và nhân dân tại một số địa bàn điểm; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho hội Luật gia các tỉnh, thành phố, các chi hội Luật gia trực thuộc và đơn vị trực thuộc Trung ương Hội; phát hành tài liệu bồi dưỡng kiến thức phổ biến, giáo dục pháp luật...
Kết quả thực hiện Đề án ở Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội được xây dựng thành một nội dung quan trọng trong báo cáo công tác Hội. Trung ương Hội đã tổng hợp và hoàn thiện báo cáo việc thực hiện Đề án năm 2019 gửi các cơ quan hữu quan.
6. Sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị về hội Quần chúng
Thực hiện Công văn số 02-CV/BCDDTW, ngày 30/11/2018 của Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội Quần chúng, hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức sơ kết việc thực hiện Kết luận 102-KL/TW trong hệ thống hội Luật gia Việt Nam trên toàn quốc. Từ kết quả tổ chức sơ kết, Trung ương hội Luật gia Việt Nam đã báo cáo Ban Chỉ đạo về kết quả triển khai thực hiện Kết luận 102-KL/TW; đánh giá những ưu điểm, những hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện Kết luận. Trên cơ sở đó đã có kiến nghị với Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận 102-KL/TW của Bộ Chính trị trong giai đoạn tới; đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về Hội và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hội Quần chúng trong Kết luận số 102-KL/TW vào Luật về Hội.
7. Bước đầu triển khai thực hiện có hiệu quả một số chương trình phối hợp công tác với các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương
Trên cơ sở các Chương trình phối hợp công tác đã được ký kết giữa hội Luật gia Việt Nam với bộ Tư pháp, bộ Tài nguyên và Môi trường, hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hiệp hội bia – rượu – nước giải khát, trong năm 2019 vừa qua, Thường trực Trung ương Hội đã tích cực chỉ đạo các Ban chuyên môn xây dựng văn bản hướng dẫn triển khai những chương trình này để các cấp Hội ký kết, ban hành chương trình phối hợp công tác phù hợp với nhu cầu và điều kiện tại địa phương. Từ đó, nhiều hội Luật gia tỉnh, thành phố đã tổ chức ký kết với sở Tư pháp, sở Tài nguyên và Môi trường địa phương trên cơ sở các Chương trình phối hợp công tác đã được hội Luật gia Việt Nam ký kết với bộ Tư pháp và bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhìn chung, đây là hoạt động thiết thực và là cơ sở cho hội Luật gia Việt Nam phát huy vai trò và năng lực của mình trong công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội.
8. Thực hiện Chương trình phối hợp số 02 ngày 11/10/2018 về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương, cơ sở
Ngày 11 tháng 10 năm 2018, Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, bộ Tư pháp, hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức Tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 01 và tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp số 02 về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương, cơ sở. Để chủ động và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình phối hợp nói trên, Thường trực Trung ương Hội đã ban hành văn bản số 351/HLGVN hướng dẫn các tỉnh, thành Hội chủ động nắm vững những nội dung chủ yếu cần triển khai trong thời gian tới.
Hội đã lựa chọn các vụ việc khiếu nại, tố cáo ở địa phương có dấu hiệu vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; những vụ việc khiếu nại, tố cáo đã có kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng, có thẩm quyền nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới mà công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo; những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, vượt cấp, đông người, phức tạp để báo cáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức giám sát tại cơ sở. Trong năm 2019 Hội đã đề xuất giám sát 02 vụ việc và đã được Thường trực Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chấp nhận, ban hành quyết định giám sát. Đó là: Dự án khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu hồ An Dương, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội kéo dài 19 năm và vụ khiếu nại của bà Nguyễn Thị Thu Hà liên quan đến việc thu hồi đất, giao đất sai Quyết định của Thủ tướng kéo dài 17 năm.
9. Ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược với hội Luật gia Liên bang Nga
Ngày 22/5/2019 trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Anatolyevich Medvedev cùng lãnh đạo các Bộ, ngành của hai quốc gia, Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền và Chủ tịch hội Luật gia Liên bang Nga Vladimir Gruzdev đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác chiến lược. Thỏa thuận hợp tác này được xây dựng trên cơ sở hiệu quả hợp tác giữa hai bên trong những năm qua được triển khai theo Thỏa thuận Hợp tác được ký năm 2011. Đây là lần đầu tiên hội Luật gia Việt Nam ký kết Thỏa thuận Hợp tác chiến lược với tổ chức nghề luật của quốc gia khác.
Với chủ đề là thiết lập quan hệ đối tác, thúc đẩy luật pháp và tìm hiểu kinh nghiệm của hai bên trong công tác hoàn thiện luật pháp và thiết lập các nguyên tắc pháp lý, tham gia các nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội, cải thiện văn hóa pháp lý và giáo dục pháp luật, Thỏa thuận hợp tác mới mang tính chiến lược lâu dài sẽ tạo cơ sở để hai Hội triển khai nhiều hoạt động hợp tác có ý nghĩa chính trị - pháp lý - xã hội hơn nữa, giúp giới luật gia hai nước thúc đẩy giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần tăng cường quan hệ đối ngoại nhân dân, đóng góp thiết thực cho công tác đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước giữa hai quốc gia.
10. Chủ tịch nước trao Huân chương Hữu nghị cho bà Jeanne Mirer - Chủ tịch hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL)
Ngày 13/9/2019 tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao Huân chương Hữu nghị tặng bà Jeanne Ellen Mirer - Chủ tịch hội Luật gia dân chủ quốc tế về những đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa giới luật gia quốc tế và giới luật gia Việt Nam.
Việc Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hữu nghị cho bà Jeanne Ellen Mirer theo đề nghị của hội Luật gia Việt Nam đã thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại của Hội. Đặc biệt việc đại diện cấp cao của Đảng trao Huân chương Hữu nghị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc của Hội không chỉ nâng cao ý nghĩa của việc Chủ tịch nước tặng phần thưởng cao quý cho một luật gia quốc tế mà còn giúp hội Luật gia Việt Nam nâng cao vị thế trước giới luật gia quốc tế, tạo thuận lợi cho Hội trong việc vận động sự ủng hộ của giới luật gia tiến bộ trên thế giới đối với các vấn đề liên quan đến chủ quyền và lợi ích của Việt Nam.
Báo Người Đưa Tin (bình chọn)