"Trong đội nữ dân quân của xã Lam Hạ, cô Nguyễn Thị Thi trẻ nhất chưa đầy 16 tuổi, các cô còn lại cũng mới 18, 20. Sau khi đánh phá Phù Vân, máy bay Mỹ chuyển sang đánh trận địa pháo Lam Hạ. Nghe tiếng kẻng báo động máy bay địch xuất hiện, bộ đội chủ lực và các nữ dân quân vào vị trí sẵn sàng chiến đấu", cụ Tình nói tiếp.
Hy sinh không để lại tấm hình
Dải đất nhỏ Lam Hạ nằm uốn mình bên dòng Châu Giang (TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) thơ mộng. Khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, nơi đây trở thành trọng điểm giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam. Nhất là từ tháng 10/1966 đến hết năm 1967, tại đây đã diễn ra những trận đánh trả quyết liệt máy bay Mỹ bảo vệ trọng điểm giao thông Phủ Lý và các vùng phụ cận. Trong những ngày chiến đấu căng thẳng và ác liệt ấy, các đơn vị phòng không đứng chân trên đất Lam Hạ đã cùng lực lượng dân quân của xã kiên cường đánh trả, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bảo vệ vững chắc huyết mạch giao thông này. Và trong những trận chiến đấu đó, nhiều nam nữ dân quân của xã đã anh dũng hy sinh, trong đó có 10 nữ dân quân, mà giờ đây tên tuổi của họ đã trở thành niềm tự hào, được nhắc đến như 10 cô gái "Ngã ba Đồng Lộc của Hà Nam".
Những nữ pháo thủ Lam Hạ trong trận đánh năm xưa
Qua lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến thăm cụ Nguyễn Thị Tình, ngày trước là chỉ huy của đội nữ dân quân trong xã. Dù tuổi đã cao, mắt không còn nhìn rõ nhưng trí nhớ của cụ vẫn còn nguyên vẹn. Vừa rót nước mời chúng tôi, cụ vừa kể: "10 cô gái Lam Hạ hy sinh ở các trận địa khác nhau. Tại trận địa pháo 37 ly, ngày 1/10/1966 có đến 6 chị hy sinh: Chị Đinh Thị Tâm (SN 1948); chị Trần Thị Tuyết (SN 1947); chị Phạm Thị Lan (SN 1944); chị Vũ Thị Phương (SN 1943); chị Nguyễn Thị Thu (SN 1948) và chị Nguyễn Thị Thi (SN 1950). Trên trận địa pháo 57 ly, ngày 2/10/1966, chị Đặng Thị Chung (SN 1944) đã anh dũng hy sinh để ngăn cản bước đi của quân thù. Tại trận địa pháo 100 ly, ngày 9/10/1966 chị Nguyễn Thị Thuận (SN 1948); chị Trần Thị Thẹp (SN 1944) và chị Nguyễn Thị Oánh (SN 1942) cũng đã quên thân trước bom đạn quân Mỹ.
Có thể coi trận đánh máy bay Mỹ ngày 1/10/1966 là trận hiệp đồng chiến đấu oanh liệt, tiêu biểu nhất của nam nữ dân quân xã với Đại đội 1, Tiểu đoàn 6 pháo phòng không 37 mm thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nam Hà cũ. Nhận được lệnh, dân quân xã Lam Hạ đã nổ súng kịp thời và quyết liệt, cản phá nhiều tốp máy bay cường kích của địch, khiến cho hầu hết bom đạn của chúng ném trượt khỏi mục tiêu.
Không phá được cầu, địch quay sang tập kích huỷ diệt trận địa pháo cao xạ đặt cách cầu khoảng 300 mét. Ngay loạt bom bi và rốc-két đầu tiên, gần như cả trung đội 1 dân quân bố trí trên đê mất sức chiến đấu, 10 cán bộ và chiến sĩ (trong đó có 6 nữ pháo thủ dân quân là Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương) bị thương vong...
Nguyễn Thị Thi khi hy sinh mới qua tuổi trăng rằm, chưa kịp để lại dù chỉ một tấm hình. Được biết, khi tham gia dân quân chiến đấu và hy sinh, chị mới xuất đội được mấy ngày. Những người cùng chiến đấu kể lại rằng khi anh trai mình là Nguyễn Văn Thái, xạ thủ trung liên lao vào cõng ra khỏi trận địa lúc bị thương nặng, Thi đã gắng nói với anh: "Là xạ thủ chính, anh phải về ngay vị trí chiến đấu, để người khác cõng em ra cũng được...". Chiều ấy, do vết thương quá nặng, Nguyễn Thị Thi đã ra đi ở tuổi 16. Đặc biệt nhất là cô giáo - y tá Vũ Thị Phương, mặc dù bị thương nặng vẫn nén đau, giấu mọi người để tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi bị ngất trên cáng tải thương... và sau đó đã vĩnh viễn ra đi, để lại cho mọi người và những học sinh thân yêu của mình những hình ảnh không thể nào quên…
Ngày 9/10/1966, tức là 8 ngày sau trận chiến đấu trước, trên các trận địa phòng không bảo vệ hướng bắc cầu Phủ Lý bố trí trên địa bàn xã Lam Hạ lại diễn ra trận đọ sức quyết liệt với không quân Mỹ. Tại trận địa phòng không đặt tại thôn Đường Ấm, đại đội pháo 57mm của trung đoàn 233; các đơn vị súng máy cao xạ 12,7mm của dân quân đã tập trung hoả lực, chiến đấu dũng cảm, cản phá có hiệu quả nhiều tốp máy bay địch khiến hầu hết bom đạn của chúng rơi xuống lòng sông. Địch lại giở thủ đoạn vừa bắn phá mục tiêu, vừa tập kích áp chế hoả lực phòng không của ta - trọng tâm là trận địa pháo của trung đoàn 233 đặt tại thôn Đường Ấm. Ngay loạt bom đầu tiên, một số pháo thủ của đơn vị và 5 dân quân thôn Đường Ấm, trong đó có ba nữ pháo thủ là Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh hy sinh.
Gần một năm sau, ngày 7/7/1967, tại trận địa pháo đặt tại thôn Hoà Lạc, trong trận đánh trả máy bay Mỹ đến phá cầu, nữ dân quân Đặng Thị Chung đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh cùng hơn chục pháo thủ khác. Trải qua hàng trăm trận chiến đấu với máy bay Mỹ, từ năm 1965 đến năm 1972, nhiều dân quân, trong đó có mười nữ pháo thủ dân quân xã Lam Hạ đã anh dũng hy sinh. Mỗi con người có một cuộc đời, một số phận riêng nhưng đã tạo nên dấu ấn lịch sự không thể phai mờ.
Cụ Nguyễn Thị Tình, người chỉ huy 10 nữ dân quân đang kể lại ngày tháng oanh liệt
Hòa bình em sẽ làm cô giáo!
Anh Nguyễn Văn Phước, lúc ấy đang là trưởng thôn Đường Ấm, xã Lam Hạ, anh trai của liệt sỹ Nguyễn Thị Thuận còn nhớ như in cái ngày hôm ấy: "Tôi vừa rang ngô xong, đưa ra để chị em ăn thì có kẻng báo động. Thuận kịp bốc một nắm ngô đẩy vào tay tôi rồi vội vác súng K44 chạy đi. Con bé Thuận lanh lợi lắm, lúc ấy chỉ còn hai tháng nữa là tròn 18 tuổi Thuận sẽ được kết nạp Đảng...".
Còn ông Nguyễn Văn Tuế vẫn ứa nước mắt khi kể về cái ngày định mệnh mà chị gái Trần Thị Oánh trút hơi thở cuối cùng. Hôm đó là ngày 9/10/1966, khi máy bay Mỹ tạm dừng đánh phá, nhận được tin báo trận địa pháo bị trúng bom, bố ông Tuế chạy lên trận địa thì thấy chị Oánh đã hy sinh.
Ông Tuế tiếp tục câu chuyện, thời con gái chị Oánh nổi tiếng xinh đẹp. Chị có ước mơ sau khi hòa bình lập lại sẽ trở thành một cô giáo. Hôm trước chị hy sinh thì hôm sau, một trường cao đẳng sư phạm ở miền Bắc có giấy gọi chị nhập học. Ước mơ của chị Oánh đã không bao giờ trở thành hiện thực.
Ở nghĩa trang của xã Lam Hạ đã hội tụ sự hy sinh vô bờ bến của quân và dân Lam Hạ nói riêng, của cả dân tộc ta qua mấy mươi năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc nói chung… Sự hội tụ không ai mong muốn nhưng thật linh thiêng vô cùng. Máu của các chị, các anh đã thấm vào lòng đất mẹ để ghi tạc lên dáng hình quê hương đang thay da đổi thịt. Trên các trận địa pháo phòng không bên bờ sông Châu năm xưa, hôm nay ngô lúa đã lên xanh ngút ngàn. Những người con của mảnh đất Lam Hạ kiên cường đã làm nên những huyền thoại trong lòng quê hương và đất nước.
Được biết, năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã về đây dâng hương, viếng các liệt sĩ, trồng cây lưu niệm tại Khu tâm linh và Đền thờ tưởng niệm 10 cô gái dân quân xã Lam Hạ.
Trong những ngày này, chính quyền, nhân dân và bè bạn của các nam nữ dân quân xã Lam Hạ lại tổ chức giỗ trận để tưởng nhớ, tri ân đồng đội của mình, trong đó có 10 nữ dân quân đã hy sinh trong những ngày tháng lịch sử ấy. Cụ Phạm Văn Quỹ, 83 tuổi, hiện đang là người tình nguyện tham gia quản trang nghĩa trang liệt sĩ xã Lam Hạ. Cụ luôn chu đáo và chú trọng công việc chăm sóc hương khói cho các anh hùng liệt sĩ, bởi cái ngày chiến tranh ác liệt ấy, chính cụ cũng là đồng đội của 10 nữ pháo thủ Lam Hạ…
Nhật Tân