100 chân dung "rám nắng và lý tưởng"
Họa sỹ Etcetera Nguyễn (sinh năm 1968), tên đầy đủ là Nguyễn Quang Trường. Anh hiện là Tổng thư ký tòa soạn tuần báo Việt Weekly, là người góp mặt trong số 40 kiều bào ra thăm quần đảo Trường Sa hồi tháng 4/2012. Dù thời gian tại đảo rất ngắn, anh đã vẽ ký họa được rất nhiều bức tranh về lính đảo và về Trường Sa. Nghe anh nói về đảo, về lính, không khó để nhận thấy một khao khát đến mãnh liệt của người con xa quê mong được sống, hiểu và cảm nhận cuộc sống trên đảo.
Họa sỹ, nhà báo Etcetera.
Có dịp gặp anh tại Hà Nội, tôi khá ấn tượng bởi mái tóc để dài, đen, rẽ ngôi giữa và buộc túm tóc phía sau. Vầng trán bóng nhẫy với nụ cười cuốn hút, cộng với cách nói chuyện nhã nhặn của anh luôn ấn tượng với người đối diện. Là một họa sỹ, một nhà báo, đi đến đâu, anh cũng khoác ba lô, bên trong lúc nào cũng có sẵn chì, giấy để vẽ. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, anh tỉ mẩn ghi lại bất cứ thông tin nào quan tâm vào một cuốn sổ nhỏ. Bất kỳ thông tin nào dù ở xa, anh cũng sẽ tìm ghi lại địa chỉ và tìm đến.
Họa sĩ, nhà báo Etcetera Nguyễn là một trong những đại biểu được bộ Ngoại giao Việt Nam mời về nước tham dự Hội nghị về người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai hồi tháng 9/2012 tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh và nằm trong danh sách những kiều bào tiêu biểu ra thăm Trường Sa tháng 4/2012. Chuyến đi kéo dài 9 ngày, khởi hành từ 18/4/2012 và kết thúc ngày 26/4. Nhớ lại chuyến đi Trường Sa năm 2012, anh chia sẻ, chuyến đi có khoảng 40 kiều bào đại diện cho hơn 30 nước cùng đi. Mục đích là đưa kiều bào ra thăm và tận mắt chứng kiến quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.
Etcetera Nguyễn kể lại: "Chuyến đi thăm Trường Sa qua các đảo Trường Sa Lớn, Đá Lát, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Khu nhà giàn DK11... đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi vì nhiều lý do. Trước hết, trên phương diện báo chí, là một nhà báo, tôi có dịp cảm nhận các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đưa thông tin thật chính xác, khách quan đến độc giả của chúng tôi ở hải ngoại, nơi rất thiếu thông tin về biển đảo Trường Sa, chưa kể, nhiều thông tin sai hoặc bị bóp méo vì lý do chính trị. Bên cạnh công việc báo chí, tôi đã dự tính sẽ vẽ thật nhiều ký họa tại chỗ".
Theo đó, dù thời gian ngừng lại ở mỗi đảo khá ngắn ngủi, họa sỹ Etcetera Nguyễn vẫn thực hiện được khoảng 100 chân dung lính đảo và phong cảnh tại chỗ. Một số lớn các bức chân dung khi vẽ xong được tặng ngay cho các anh lính đảo. Số tranh ký họa cảnh đảo anh đã mang về Mỹ và thực hiện một cuộc triển lãm hình ảnh, chân dung và phong cảnh biển đảo mang chủ đề "Trường Sa trong mắt chúng tôi" ngay tại tòa soạn báo Việt Weekly.
Chân dung chiến sỹ mà Etcetera vẽ.
Được biết, cuộc triển lãm ảnh về Trường Sa cùng chân dung những người lính đảo mang tên "Trường Sa trong mắt chúng tôi" tại tòa soạn Việt Weekly mở cửa cho công chúng trong khoảng ba tháng liên tục, đón hàng trăm lượt khách tới xem. Họa sỹ kiêm nhà báo này cho biết: "Chúng tôi chọn khoảng 400 kiểu ảnh chụp các đảo với nhiều sinh hoạt của chuyến đi đặc biệt này. Có thể nói, đây là lần đầu tiên đồng bào hải ngoại mới tận mắt chứng kiến các hình ảnh sống động, hiện thực diễn ra tại các vùng biển đảo chủ quyền của Việt Nam. Hầu hết các khách xem đều ngạc nhiên về các phương tiện sống, hạ tầng cơ sở ở ngoài đảo rất khang trang và quy mô. Vì hầu như không ai nghĩ rằng, ở các đảo xa lại có thể xây dựng kiên cố và hoành tráng như vậy. Đặc biệt là những ngôi chùa, trường học, sân bãi, hải đăng và đời sống trên đảo thật phong phú”.
Những bức chân dung lính đảo hay phong cảnh đảo của Etcetera Nguyễn đều thuộc loại ký họa, tức vẽ nhanh và ghi nhận thật sát với người và cảnh ở đảo. Anh bảo, điều vui nhất là được vẽ những khuôn mặt các anh lính đảo rất trẻ, từ sĩ quan đến binh nhất đều trẻ. Những khuôn mặt rám nắng và lý tưởng là nhận xét của anh mỗi khi ký họa chân dung các chiến sĩ. Mỗi bức vẽ của anh chỉ mất khoảng từ 10-15 phút.
Ao ước ngày trở lại
Mỗi lần có dịp về Việt Nam, anh lúc nào cũng mang theo bút, màu, tập giấy để ký họa lại những chợ Đồng Xuân, phố cổ, cầu Long Biên, những góc phố Sài Gòn, Hà Nội... Rồi, những buổi tối lang thang khắp các con phố của Hà thành để ghi lại khoảnh khắc đẹp bằng hình ảnh. Mỗi khi vẽ trên phố, mọi người lại vây kín xung quanh để xem anh phác thảo từng nét vẽ.
Rời Việt Nam năm 1988, anh đổi tên từ Nguyễn Quang Trường thành Etcetera Nguyễn và sống ở tại Thái Lan ba năm. Sang Mỹ năm 1991, Etcetera Nguyễn học ngành đồ họa tại Cypress College miền Nam California, Mỹ) trong hai năm từ 1988 - 2000. Thế nhưng, chưa dứt chương trình học, anh bỏ học ra mở phòng tranh và tiệm in. Sau đó mở và phát hành tờ báo Mimi News, một nguyệt san văn nghệ phục vụ cho phòng tranh Mimi Studio được một năm rồi ngưng. Năm 2002, anh cùng một số bằng hữu chủ trương tuần báo Việt Weekly và giữ vai trò Tổng thư ký từ đó tới nay.
Họa sỹ Etcetera Nguyễn trong một lần vẽ phong cảnh Hà thành.
Khi được hỏi về điều còn mong muốn nhất sau chuyến đi Trường Sa ấy, Etcetera Nguyễn chia sẻ: "Tôi tin rằng, bất cứ ai một lần ra thăm đảo Trường Sa, rời đảo cũng đều mang chung một tâm trạng là mong được trở lại thêm một lần nữa. Riêng tôi, có lẽ là một nhà báo cũng là một họa sĩ, nên nếu chỉ ở đảo trong vài ngày thì không thể nào thỏa mãn được sự hiếu kỳ. Tôi ao ước được sống ở đảo ít nhất là sáu tháng để viết và vẽ về đảo Trường Sa. Tôi rất muốn sống với các anh chiến sỹ và đồng bào ở các vùng biển này để cùng ăn, cùng sống với họ và thực hiện một dự án về nghệ thuật trong một thời gian dài".
Là một họa sỹ đồng thời là một nhà báo hải ngoại, anh bảo, việc ghi nhận mọi việc bằng hình ảnh và bằng câu chữ đều rất thú vị. "Công việc chính của một nhà báo là đến tận nơi để ghi nhận sự việc. Tôi đã làm tốt vai trò của một nhà báo từ hải ngoại về nước, ra tận Trường Sa để chụp ảnh, viết bài, nói lên một cách khách quan những gì mắt thấy tai nghe. Nhà báo chúng tôi cố gắng giữ tinh thần độc lập, không thiên kiến. Bên cạnh đó, tôi còn là một họa sĩ nên công việc vẽ, có thể nói bổ túc khá tốt cho việc làm báo của tôi. Khi vẽ, tôi hóa thân thành một người khác, chỉ còn nghĩ tới nét vẽ với người mẫu và phong cảnh mình muốn mô tả. Công việc nhà báo giúp tôi tỉnh táo để làm tốt vai trò thông tin chính xác. Còn vẽ vời thì lại thả hồn mình đi rong trên từng khuôn mặt, từng phong cảnh. Tôi thấy cả hai việc đều thú vị", Etcetera Nguyễn nói.
"Trường Sa trong mắt chúng tôi" Rất nhiều khách xem triển lãm "Trường Sa trong mắt chúng tôi" tỏ ra rất an tâm, ủng hộ chính quyền Việt Nam trong chuyện giữ vững an ninh, bảo vệ chủ quyền Quốc gia các khu biển đảo này. Một số ý kiến khác xuất phát từ nhóm những người chống cộng cực đoan thì cho rằng đây chỉ là sự "dàn dựng" của chính quyền để "đánh lừa" nhà báo. Tuy nhiên, với những hình ảnh, phim ảnh chúng tôi thu thập được, đều có giá trị xác nhận rằng, biển đảo Trường Sa vẫn đang được Nhà nước nỗ lực giữ gìn". "Tôi phải làm hài lòng các anh bằng những nét vẽ thật phóng khoáng nhưng cũng phải thật giống. Hầu hết các anh lính đều hài lòng với món quà lạ của tôi trao cho các anh. Trong lúc vẽ, tôi hỏi các anh về đời sống, hoàn cảnh gia đình, kể cả chuyện tình cảm. Mỗi anh lính là một câu chuyện khác nhau, thật phong phú. Có nhiều đảo cạn, hay nhà giàn, thời gian ghé lại rất ngắn. Khi tôi mang bút vẽ ra hí hoáy được vài anh lính, thế là khá nhiều chiến sỹ ghé tới... đề nghị vẽ. Thời gian không kịp vẽ cho các anh, chia tay, chúng tôi ai nấy hẹn gặp nhau lần sau, mà mắt rưng rưng", người họa sỹ kiêm nhà báo này xúc động nói. |
Yến Dương