Gần 100 năm trước, ông Mai Văn Lai, cha của ông Tình tu hành tại chùa Giác Hải (phường 12, quận 6, TP.HCM) được sư thầy Huệ Ngân truyền nghề điêu khắc tượng Phật.
Tuy được sư thầy Huệ Ngân dạy điêu khắc tượng Phật, nhưng ông Lai vẫn được người trong nghề tôn làm Tổ nghề. Bởi, ông Lai có công phát triển làng nghề đúc tượng Phật nổi tiếng gần xa.
Qua sự truyền dạy của cha, ông Mai Văn Tình cùng các anh chị em trong gia đình sớm lĩnh hội đầy đủ tinh hoa. Từ đó, họ cùng nhau mở cơ sở làm tượng Phật và lấy tên là nhà điêu khắc Mai Văn Lai.
Sau gần 100 năm, nghề đúc tượng Phật vẫn luôn in dấu trong lòng người mến đạo và phát triển mạnh mẽ. Cơ sở làm tượng Phật của gia đình ông Tình nhận được sự tin tưởng của đông đảo khách hàng trong và ngoài nước.
Tượng Phật của cơ sở Mai Văn Lai có chất lượng đồng nhất từ bên ngoài lẫn bên trong. Đặc biệt, thần thái của bức tượng luôn đạt yêu cầu của khách hàng, kể cả những người khó tính nhất.
Ông Tình chia sẻ: “Tạo khuôn mặt cho tượng Phật có hồn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành công của tác phẩm. Người thợ phải thực sự lành nghề, có khiếu thẩm mỹ và đặt hết tâm huyết vào mới tạo ra được một bức tượng Phật hoàn hảo nhất” .
Ở cơ sở Mai Văn Lai, các nghệ nhân không đặt kỳ vọng thu lợi nhuận “khủng” mà làm bởi đam mê và tâm huyết. Họ không bận tâm đến việc kinh doanh mà chỉ toàn tâm sáng tạo ra sản phẩm ưng ý nhất.
Ông Mai Văn Tám, anh trai của ông Tình là một người thợ lành nghề cho biết: “Một bức tượng hoàn chỉnh phải trải qua các công đoạn chính như: Tạo mẫu, làm khuôn; đúc tượng, làm nguội (làm láng bức tượng); chà nhám, vẽ mặt và tô màu”.
Hiện nay, cơ sở Mai Văn Lai có khoảng 20 lao động, chủ yếu là người thân trong gia đình cùng nhau tiếp nối nghề truyền thống của bậc tiền nhân.
Để duy trì được cơ sở làm tượng Phật suốt 100 năm qua, những người trong gia đình ông Tình đã bỏ ra không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, nước mắt.
Những tượng Phật đầy tôn nghiêm, mang những nét đẹp chân thiện mỹ của cơ sở Mai Văn Lai được phổ biến rộng khắp mọi miền đất nước.
Dung Nhi