Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay, mặt hàng bột ớt được chế biến thành nhiều sản phẩm khác như tương ớt, muối ớt…
Theo công bố của viện Pasteur, nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện Aflatoxin trong ớt bột là do các vấn đề liên quan đến thu hoạch, chế biến, vận chuyển và bảo quản. Các phương pháp sản xuất, bảo quản thủ công khiến người dân không thể kiểm soát về nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, dẫn đến việc nhiễm Aflatoxin-chất có thể gây ung thư.
Để xảy ra tình trạng 100% mẫu ớt bột có ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng là do hệ quả của vấn đề quản lý còn yếu kém. Không chỉ mặt hàng ớt bột mà các mặt hàng khác hiện cũng chưa được quản lý tốt, khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng vẫn chưa được kiểm định chất lượng, hoặc có kiểm định nhưng quy trình còn lỏng lẻo. Chúng ta đang quá coi thường sức khỏe.
Ông Phú cho biết: “Tôi đã đi đến lò mổ lợn nhiều lần. Một số lò mổ để la liệt thịt ở trên nền vô cùng mất vệ sinh. Đối với lợn, phải kiểm tra từ huyết tương mới biết con lợn có sán hay không. Thế nhưng, đoàn kiểm tra nhìn bề mặt thịt lợn tươi và một số dấu hiệu khác rồi đóng một cái dấu tím lên là xong. Kiểm tra như vậy, hỏi sao người tiêu dùng vẫn không yên tâm với sản phẩm thịt lợn”.
Ông Phú cho rằng, hiện nay, ở nước ta, việc đầu tư cho vệ sinh an toàn thực phẩm rất thấp. Đầu tư của Việt Nam bằng 1/36 của Thái Lan, bằng 1/136 của Mỹ. Không có các biện pháp bảo quản thực phẩm tốt để khi nào giá rẻ thì giữ trong các kho bảo quản, kho lạnh, tới lúc giá tốt thì tung hàng ra. Chính vì thế mới có việc năm nào cũng được mùa, mất giá, bị thương lái nước ngoài ép giá, chi phối giá nông sản.
Cũng chính vì bảo quản, chế biến thực phẩm chưa được tốt dẫn tới việc nhiễm nấm độc Aflatoxin. Rất nhiều cơ quan quản lý nhưng sản phẩm tới tay người tiêu dùng vẫn độc hại.
Ông Phú nói thêm: "Bây giờ là ớt bột nhiễm chất nguy cơ gây ung thư, rau còn tồn dư chất bảo vệ thực vật, thịt chứa kháng sinh, chất cấm… sau này còn những mặt hàng nào phát hiện ra có chất gây hại cho sức khỏe nữa?
Phải tổ chức sản xuất sạch, quản lý theo chuỗi. Đó là những chuỗi ớt, chuỗi dưa chuột, cà chua… Nếu vẫn còn quản lý theo kiểu “5 cha 3 mẹ” thì không giải quyết được việc gì. Bên cạnh đó, việc cấp thiết và phải làm ngay là quản lý tốt các mặt hàng mà nhân dân sử dụng nhiều và thường xuyên nhất như gạo, sữa, đường, rau xanh, hoa quả. Hãy tập trung tiền, vật chất, kỷ cương vào các mặt hàng thiết yếu này".
Ông tiếp tục nhấn mạnh: “Các nhà quản lý đừng "tham bát, bỏ mâm". Đừng chỉ làm theo phong trào mà không đi vào cái căn cơ. Chúng ta chỉ nên chọn 4-5 mặt hàng mà người dân sử dụng nhiều nhất để làm cho tốt, sau đó mới nhân rộng”.