Thalidomide là một dẫn chất tổng hợp của acid glutamic, một loại biệt dược giảm đau, an thần, hỗ trợ giấc ngủ. Loại biệt dược này được bác sĩ Heinrich Mueckter - thành viên Đức Quốc Xã chủ trì việc nghiên cứu phát minh và chế tạo. Ông là một bác sĩ, nhà nghiên cứu giỏi của Đức thời bấy giờ. Dược phẩm khi được sáng chế đã từng được Đức Quốc Xã thử nghiệm tại các trại tập trung ở Ba Lan hồi Thế chiến II.
Vào năm 1957, sản phẩm bắt đầu xuất hiện ở các hiệu thuốc của Đức với quảng cáo ghi rõ dòng chữ “thần dược”. Chúng có tác dụng an thần, giảm các triệu chứng buồn nôn, chán ăn, của phụ nữ thời kì mang thai. Thalidomide hiệu quả rất nhanh trong điều trị và giải quyết nhiều vấn đề phức tạp trong thời kì sinh sản, chính vì vậy 1 năm sau, nó đã có mặt ở Anh.
Tại thời điểm phát triển của loại thuốc này, các nhà khoa học tin rằng, không có loại thuốc nào dùng cho phụ nữ mang thai có thể vượt qua hàng rào nhau thai và gây tổn hại cho bào thai đang phát triển. Chính vì vậy, việc sử dụng các loại dược phẩm để hỗ trợ trong việc sinh con rất được ủng hộ.
Kể từ đây, Thalidomide có mặt tại hàng loạt quốc gia trên thế giới. Chỉ trong thời gian ngắn lưu hành, từ tháng 10/1957 đến đầu năm 1962, Thalidomide đã được tiêu thụ tại ít nhất 46 quốc gia trên thế giới.
Nhưng tác dụng phụ của Thalidome đã khiến nhiều đứa trẻ sinh ra bị tổn thương dây thần kinh chân tay, dị tật bẩm sinh, mù lòa, không có chân tay… Nhưng lại không có những cáo buộc nào cho việc sử dụng Thalidome. Chỉ 3 năm sau, số nạn nhân bị dị tật do sử dụng Thalidome đã tăng lên con số chóng mặt và Thalidome đã biến thành thảm họa lớn nhất trong ngành y học thế giới.
Trong thời gian trên, tổng cộng có khoảng 10.000 – 20.000 trẻ sơ sinh trên thế giới bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc Thalidomide. Những trẻ sơ sinh mới chào đời có mẹ uống loại thuốc trên đều bị dị tật, khiếm khuyết tay, chân hoặc bị co rút ngón tay, ngón chân, thậm chí cả mắt, tai cũng bị biến dạng.
Đức là quốc gia phát minh và sản xuất loại biệt dược trên nên cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (ít nhất có khoảng 3.000 nạn nhân). Đứng thứ hai là Anh với ít nhất 2.000 nạn nhân. Kế đến là Mỹ, Brazil và nhiều nước khác. Mỗi quốc gia này có vài trăm trẻ em bị dị tật cơ thể nghiêm trọng do thuốc Thalidomide gây ra.
Do trình độ y khoa thời kỳ đó chưa phát triển nên các chuyên gia không sớm phát hiện ra dị tật mà trẻ sơ sinh mắc phải có liên quan đến biệt dược của người Đức. Vì vậy, nó vẫn tiếp tục được sử dụng và ngày càng có nhiều nạn nhân hơn. Cuối cùng, năm 1961, bác sĩ sản khoa William McBride và bác sĩ nhi khoa Widukind Lenz (Australia) đã chứng minh được tác dụng phụ của Thalidomide thực sự ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự phát triển của thai nhi.
Kể từ đó, nhiều quốc gia ban hành lệnh cấm buôn bán và sử dụng loại thuốc này. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, gần 8.000 nạn nhân đã qua đời khi mới ở tuổi vị thành niên.
Gây ra những hậu quả vô cùng tai hại và bị phản đối dữ dội nhưng hiện nay, Thalidomide vẫn được một số nước cho phép sử dụng trong điều trị một số bệnh như phong, HIV, ung thư tủy xương. Tổ chức Y tế thế giới vẫn không ngừng khuyến cáo về tác dụng phụ của loại thuốc này gây dị tật ở thai nhi.
Duyên Trần (t/h)