Là con gái, tốt nghiệp đại học ra trường, ngoài mấy câu như "Thế đi làm ở đâu rồi?", "Lương tháng bao nhiêu?" thì đảm bảo rằng một trong số những câu hỏi bạn nhận được nhiều nhất chính là "Có người yêu chưa?", hay một phiên bản khác nữa là "Thế bao giờ lấy chồng?".
Bị họ hàng, láng giếng hỏi đã đành, sợ nhất phải là bị bố mẹ giục cưới. Các bậc phụ huynh lúc nào cũng có cả tá những lý do chính đáng ép bạn vào khuôn khổ: Nào là con gái thì phải lấy chồng chứ, lấy chồng cho nó ổn định, lấy nhanh không ế, định lông bông thế đến bao giờ, hay có người trực tiếp hơn: "Lấy chồng cho tao còn bế cháu!"
Ôi trời ơi.
Khổ nỗi, người yêu chưa có thì chồng đâu mà lấy? Mà kể cả có người yêu thì mới 24, 25 tuổi, tuổi chơi còn chưa hết, mấy ai sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân. Ấy vậy nhưng trước sự áp bức của "phụ hoàng, mẫu hậu", các cô gái đến tuổi cập kê vẫn phải đau đầu tìm cách đối phó, dần dà, có cả một cẩm nang "Làm gì khi bố mẹ giục lấy chồng" luôn!
36 kế - "Chuồn là thượng sách"
Chuồn ở đây vừa là tránh mặt, bơ, lơ, vừa là "chạy trối chết" theo đúng nghĩa đen đấy! Các bạn cứ thử nghĩ xem, vừa đặt chân về nhà, ngồi vào mâm cơm là bố mẹ bắt đầu nói bóng nói gió: "Thế có thằng nào nó thèm ngó chưa?", "Thế bao giờ cô mới cho hai ông bà già này bế cháu?"... Giải thích bao nhiêu lần là "duyên số không vội được" nhưng cứ hôm nay thôi thì hôm sau bố mẹ lại nhắc khéo. Ôi, mệt! Vậy là phải trốn!
Tình cảnh chung của các "quả bom nổ chậm"
Trốn sao? Trốn khéo bằng cách bố mẹ cứ nhắc đến chuyện chồng con là nói lảng sang chuyện khác, không thì làm bộ không nghe thấy, bố mẹ nói chán một hồi là thôi. Nhưng biện pháp này thực ra không có ích lợi lắm, vì bố mẹ đâu bỏ cuộc dễ dàng vậy, vậy là cũng có những cô gái chọn cách tránh mặt hoàn toàn.
Biện pháp này chỉ thích hợp với những ai sống xa nhà, như trường hợp của cô nhân viên ngân hàng tên H.V, năm nay 26 tuổi.
V. kể: "Hồi mới đi làm mình cũng chăm về nhà lắm, vì quê cũng ở ngay gần Hà Nội thôi, nhưng được một thời gian thì bố mẹ, họ hàng mình bắt đầu hỏi chuyện chồng con. Ngồi nhà thì bố mẹ hỏi, đến nhà ông bà thì ông bà hỏi, sang hàng xóm thì hàng xóm hỏi... Sợ lắm! Thế là mình trốn, chẳng dám về nhà nữa cho khỏi bị hỏi, chỉ đợt nào nghỉ dài dài mới về thôi, còn không mình toàn bảo mình bận công việc."
Hay như L.H.A, cô bạn này mới chỉ ra trường được 1 năm thôi nhưng cũng đã bị ép từ từ và dần dần rồi. "Không biết mọi người thế nào chứ tớ ở Nghệ An, một năm chỉ về nhà đúng 1 lần vào Tết, mà cũng chỉ ở được 3 ngày là phải chạy vội vì bị hỏi ghê quá. Mới 23, 24 tuổi, nghĩ lấy chồng thôi đã thấy sợ!'
Nhờ/thuê người đóng giả người yêu
Nghe như phim đúng không? Nhưng trên thực tế, đây lại là cách được khá nhiều cô gái lựa chọn để đối phó với lời giục lấy chồng. Những gì bạn cần làm là có sẵn một cậu bạn thân hoặc không thân cũng được nhưng phải là con trai, nếu không có thì có thể đi mượn, hoặc đi thuê cho nó bài bản, lại còn nhiều sự lựa chọn; sau đó dẫn về nhà và giới thiệu: "Đây là người yêu con!" cho bố mẹ bớt mong.
Cách này không khó thực hiện nhưng độ rủi ro cũng khá cao. Hoặc là bạn bị phát hiện ngay từ lúc bắt đầu do chàng trai kia là người quen của ai đó trong nhà bạn mà bạn không biết, hoặc trót lọt vượt qua được một buổi họp mặt gia đình nhưng sẽ có một tỷ rắc rối kèm theo.
Chẳng nói đâu xa, tôi có cô bạn, bị bố mẹ hỏi han nhiều quá, mà nó thì cũng FA như tôi thôi, thế là nó lên Facebook, kiếm mấy trang dịch vụ cho thuê bạn trai, thuê một anh nhìn khá đẹp trai về ra mắt. Cũng thuận lợi lắm nếu không kể đến việc bị anh ta dây dưa, quấn lấy suốt mấy tuần sau đó.
Còn M.N, sinh viên năm cuối một trường ĐH ở Cầu Giấy chia sẻ: "Chắc chẳng ai như bố mẹ em, con gái vẫn còn đi học mà đã giục. Bị nói nhiều thế là em nhờ cậu bạn đại học giả làm người yêu về nhà. Bữa cơm vui vẻ lắm. Tới lúc bạn kia về rồi em mới bị bố mẹ gọi vào xổ cho một tràng là làm ăn gian dối, dám lừa cả bố mẹ... Thế mới biết, các cụ tinh mắt lắm, không phải muốn lừa là lừa được đâu!"
Thôi thì "nhắm mắt đưa chân"
Đã qua rồi cái thời "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", các cô gái bây giờ càng ngày càng trở nên độc lập và có chủ kiến hơn. Thế nhưng trước cái định kiến "con gái thì phải lấy chồng", "con gái thì phải sinh con", "con gái thì phải thế này", "con gái thì phải thế kia"... nhiều cô gái không tránh nổi sự mệt mỏi và quyết định đồng ý cho xong. Thế là sao?
Tức là họ chấp nhận "bừa" một ai đó: Do bố mẹ giới thiệu cũng được, bạn bè giới thiệu cũng được, một trong số những "vệ tinh" xung quanh minh cũng được... Miễn là có một người để ghép thành đôi cho đỡ bị hỏi
Mà ở đời thì mấy ai được như Young Jae và Ji Eun trong phim Full House, cưới nhau cho người lớn vui rồi cuối cùng thì hạnh phúc suốt đời. Những cuộc hôn nhân chóng vánh như vậy thường kết thúc một cách chóng vánh không kém, mà cuối cùng, con gái vẫn là người chịu tổn thương hơn cả.
Thế mới có câu chuyện của cô gái 29 tuổi "lấy chồng cho xong nghĩa vụ", để rồi chưa tìm hiểu gì nhau đã làm đám cưới, cưới xong, cô thường xuyên bị chồng đánh đập, cuộc sống bế tắc nhưng muốn ly hôn cũng không được, một phần là vì sợ bố mẹ buồn, một phần là sợ người ngoài đánh giá, một phần khác là do người đàn ông kia sẽ không bao giờ chịu giải thoát cho cô.
Kết
Đó chỉ là một vài cách trong vô vàn chiêu mà các cô gái đã buộc phải nghĩ ra để có thêm thời gian chuẩn bị cho chuyện chung thân đại sự của cuộc đời mình. Kết hôn là chuyện cả đời nên không thể nhanh vội được đâu. Chỉ mong sao ông bố, bà mẹ nào cũng tâm lí và hiểu cho con gái mình hơn, đâu phải họ không lấy chồng đâu, chỉ là chưa tới lúc thôi.
Cũng xin gửi đến những cô gái còn một mình những lời này: "Dù còn một mình cũng nhớ phải trân trọng bản thân, bạn nhé! Trên thế giới này, ngày nào cũng có người yêu một ai đó, vậy nên ngày nào cũng có người gặp cảnh chia ly. Đừng vì muốn thoát cảnh một mình mà chọn bừa một ai đó, hãy cứ là chính mình, rồi bạn sẽ gặp một người khiến tất cả những năm tháng đợi chờ của bạn đều thành đáng giá."
Theo Trí Thức Trẻ