Theo tờ Mirror của Anh, một trận động đất 6,9 độ richter đã làm rung chuyển khu vực Pandeglang, tỉnh Banten, Indonesia, tâm chấn nằm ở độ sâu 42 km, cách Lubuan - phía Tây Nam thủ đô Jakarta khoảng 150 km.
Có thông tin cho rằng, trận động đất này có cường độ 7,4 độ richter. Sau khi trận động đát xảy ra, Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia (BNPB) cho biết do có cảnh báo sóng thần cao 3m nên có khoảng 1.000 người đã sơ tán lên tới các khu có vị trí cao hơn.
Ngoài ra, trận động đất đã gây thiệt hại 223 căn nhà với các mức độ khác nhau ở Tây Java, thành phố Bogor, Cianjur, Sukabumi và Tây Bandung.
Theo thông tin của TTXVN, ngoài nhà dân còn có các công trình như nhà thờ Hồi giáo, văn phòng, trung tâm hội nghị và cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng, riêng Banten có 122 căn nhà bị thiệt hại.
Ngay sau khi trận động đất xảy ra, BNPB đã cử Đội phản ứng nhanh (TRC) đến các địa điểm bị ảnh hưởng như Nam Lampung, Pandeglang, Serang, Lebak và Sukabumi để ứng phó và khắc phục hậu quả.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, trong đó có Cơ quan Quản lý thảm họa thiên tai quốc gia, các lực lượng an ninh, quân đội phối hợp hành động, khẩn trương rà soát thiệt hại và khắc phục hậu quả.
Do nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, Indonesia thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất và núi lửa hoạt động.
Tháng 7 vừa qua, một trận động đất 7,3 độ richter vừa xảy ra lúc 16h10 ngày 14/7 (giờ địa phương) ở hòn đảo lớn nhất nằm ở phía bắc quần đảo Maluku phía đông Indonesia.
Hồi năm ngoái, một trận động đất với cường độ 7,5 richter đã gây ra sóng thần ở Palu, trên đảo Sulawesi của nước này, khiến hơn 2.200 người bị cho là mất tích.
Tháng 12/2018, khu vực Banten phải gánh chịu hậu quả nặng nề do núi lửa Anak Krakatau phun trào đã tạo một đợt sóng thần tại Eo biển Sunda giữa hai đảo Sumatra và Java, làm ít nhất 429 người thiệt mạng, hơn 1.459 người bị thương và 128 người mất tích.
Minh Anh