119 hộ dân sống trong ốc đảo, 15 năm “ở không được, đi chưa xong”

119 hộ dân sống trong ốc đảo, 15 năm “ở không được, đi chưa xong”

Phạm Xuân Chinh

Phạm Xuân Chinh

Thứ 7, 27/01/2024 11:34

Thuộc lòng hồ thủy lợi Bản Mồng ở Nghệ An, 15 năm nay 119 hộ dân ở Thanh Hóa chưa được tái định cư trong khi cơ sở vật chất xuống cấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Năm 2009, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt dự án hồ thủy lợi Bản Mồng, bằng vốn trái phiếu Chính phủ, với tổng mức đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh là 5.318 tỷ đồng. Công trình được xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu thuộc địa phận xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Lòng hồ thủy lợi Bản Mồng rộng 25 km2, phần lớn nằm tại huyện Quỳ Châu (Nghệ An) và một phần thuộc huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Đây là công trình đa mục tiêu lớn nhất Nghệ An, sức chứa 225 triệu m3 nước.

Theo thiết kế, khi dự án tích nước lên cao trình +78,9m thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hóa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) với diện tích 702,6 ha gồm nhà cửa, ruộng vườn, đất sản xuất nông nghiệp… sẽ chìm trong nước, buộc phải di dời tái định cư.

Dân sinh - 119 hộ dân sống trong ốc đảo, 15 năm “ở không được, đi chưa xong”

Vượt qua gần 8km đường rừng hiểm trở, PV mới tiếp cận được "ốc đảo" Thanh Sơn.

Từ đường Hồ Chí Minh, vượt qua quãng đường khoảng 8km, băng qua 7 con suối với thời gian gần 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới vào được “ốc đảo” Thanh Sơn. Thôn Thanh Sơn có 119 hộ dân, với 430 nhân khẩu, 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống rất khó khăn.

Ông Hà Văn Giới, Trưởng thôn Thanh Sơn cho biết, thôn như một “ốc đảo” khi xung quanh đều là núi đá vôi dựng đứng và rừng phòng hộ bao bọc, chỉ có một con đường độc đạo đi vào thôn.

Từ đường Hồ Chí Minh vào thôn khoảng 8km, do nhiều năm không được đầu tư tu sửa nên đường xuống cấp nghiêm trọng. Muốn vào Thanh Sơn, phải vượt qua 7 con suối, với những chiếc cầu tạm bằng luồng, gỗ tạp.

Dân sinh - 119 hộ dân sống trong ốc đảo, 15 năm “ở không được, đi chưa xong” (Hình 2).

Đường vào Thanh Sơn lởm chớm đá cấp phối.

Dân sinh - 119 hộ dân sống trong ốc đảo, 15 năm “ở không được, đi chưa xong” (Hình 3).

Về mùa mưa lũ, cầu tạm bị trôi, suối ngập khiến thôn Thanh Sơn bị cô lập.

“Về mùa mưa, nước ngập sâu, lũ cuốn trôi cầu khiến thôn Thanh Sơn bị cô lập hoàn toàn. Lúc này, có người đau ốm, dân bản lại hò nhau cho lên võng khiêng đi bộ hàng giờ qua núi mới đến được trạm y tế xã”, ông Giới chia sẻ.

Theo trưởng thôn Hà Văn Giới, 15 năm nay, kể từ khi triển khai dự án hồ thủy lợi Bản Mồng, thôn Thanh Sơn không được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, đường giao thông. Là thôn mà 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, sống biệt lập, đất sản xuất rất ít, nên đời sống của người dân Thanh Sơn rất khó khăn.

Nhà nước đã tiến hành kiểm kê, áp giá, có kế hoạch di chuyển toàn bộ 119 hộ dân Thanh Sơn ra xã Thanh Hòa. Tuy nhiên, 15 năm nay, người dân Thanh Sơn vẫn phải chịu cảnh “ở không được, đi chưa xong”.

Hàng năm, sau mỗi trận mưa lũ, hệ thống cầu tạm bằng luồng và gỗ tạp bắc qua 7 con suối vào thôn Thanh Sơn bị lũ cuốn trôi, khiến học sinh phải nghỉ học, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Mưa lũ khiến nhà cửa của nhiều hộ dân bị ngập sâu.

Dân sinh - 119 hộ dân sống trong ốc đảo, 15 năm “ở không được, đi chưa xong” (Hình 4).

 

Dân sinh - 119 hộ dân sống trong ốc đảo, 15 năm “ở không được, đi chưa xong” (Hình 5).

Mưa lũ khiến nhiều nhà dân ở thôn Thanh Sơn bị ngập sâu.

Trưởng thôn Hà Văn Giới phải huy động người dân trong thôn nhiều ngày dầm mưa bắc lại cầu tạm qua suối. Mười lăm năm trôi qua, một năm bao nhiêu trận lũ thì bấy nhiêu lần người dân Thanh Sơn phải bắc lại cầu tạm qua suối.

Chồng chết, thuộc diện hộ nghèo, ba mẹ con chị Vi Thị Đoán sống trong căn nhà nhà cấp 4 mà cửa sổ được kết bằng phên nứa. Đất sản xuất ít, hàng ngày chị Đoán phải lên rừng tìm cây, củ dược liệu bán lấy tiền nuôi con.

Chị Đoán cho hay, do đường sá đi lại khó khăn, không có nghề phụ nên ngoài lên rừng chị này không biết làm gì để mưu sinh. Chi mong dự án sớm được triển khai, được tái định cư ra nơi ở mới, được cấp đất sản xuất để trồng trọt canh tác nuôi con ăn học.

Ông Lê Hồng Liệu được coi là một trong những hộ gia đình khá giá nhất thôn Thanh Sơn. Đất sản xuất ít, không có đất rừng, ông Liệu đã vượt suối, rời ốc đảo Thanh Sơn ra ngoài buôn bán.

Dân sinh - 119 hộ dân sống trong ốc đảo, 15 năm “ở không được, đi chưa xong” (Hình 6).

Mưa lũ năm 2023 khiến cầu tạm bị trôi, học sinh phải nghỉ học.

Dân sinh - 119 hộ dân sống trong ốc đảo, 15 năm “ở không được, đi chưa xong” (Hình 7).

Trưởng thôn Hà Văn Giới huy động người dân bắc lại cầu tạm qua suối sau mỗi trận mưa lũ.

Dù có điều kiện kinh tế khá giả hơn các hộ trong thôn, nhưng nhiều năm nay ông Liệu phải sống khổ, không dám làm nhà vệ sinh tự hoại. Chờ đợi tái định cư, di chuyển ra nơi ở mới đã 15 năm, năm nay, khi gần Tết, ông Liệu quyết định đầu tư hàng chục triệu đồng làm nhà vệ sinh mới để sinh hoạt.

Theo ông Liệu, do nhà cửa, tài sản trên đất của gia đình đã được hội đồng giải phóng mặt bằng kiểm đếm, chưa đền bù. Bây giờ gia đình phát sinh xây dựng mới đến khi dự án thu hồi đất sẽ không được đền bù, nhưng ông và gia đình không thể “sống khổ” thêm được nữa.

Dân sinh - 119 hộ dân sống trong ốc đảo, 15 năm “ở không được, đi chưa xong” (Hình 8).

Ngôi nhà của ba mẹ con hộ nghèo chị Vi Thị Đoán.

Dân sinh - 119 hộ dân sống trong ốc đảo, 15 năm “ở không được, đi chưa xong” (Hình 9).

Đất sản xuất ít, không có đất rừng, người dân Thanh Sơn phải lên rừng tìm cây, rễ dược liệu bán mưu sinh.

Ông Lương Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa cho biết, do nằm trong lòng hồ và vùng ảnh hưởng của lòng hồ thủy lợi Bản Mồng được xây dựng ở Nghệ An nên nhiều năm nay thôn Thanh Sơn không được nhà nước đầu tư cơ sơ vật chất hạ tầng. Thanh Sơn là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Thanh Hòa.

Thanh Sơn giống như một “ốc đảo” khi muốn vào thôn chỉ có một con đường độc đạo và phải vượt qua 7 con suối. Về mùa mưa lũ, cầu tạm bị trôi khiến Thanh Sơn bị cô lập.

Năm 2020, 119 hộ dân đã được nhà nước kiểm đếm đất đai, tài sản trên đất để tiến hành thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, bàn giao đất cho dự án. Tuy nhiên, nhiều năm nay, việc bồi thường, di dời dân tới nơi tái định cư mới chưa được thực hiện.

Dân sinh - 119 hộ dân sống trong ốc đảo, 15 năm “ở không được, đi chưa xong” (Hình 10).

Nhiều năm không được đầu tư xây dựng nên trường Tiểu học và THCS Thanh Hòa (điểm trường Thanh Sơn) tạm bợ, xuống cấp. 

Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết, dự án hồ thủy lợi Bản Mồng hiện đang chờ quyết định điều chỉnh của Chính phủ. Riêng dự án di dân, tái định cư cho 119 hộ dân thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa hiện đã được chuyển cho sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Địa phương đã chuẩn bị khu tái định cư cho 119 hộ dân Thanh Hóa ở xã Thanh Hòa.

Tuy nhiên, tổng thể dự án đang chờ quyết định điều chỉnh của Chính phủ nên việc thu hồi đất, bồi thường GPMB, tái định cư cho các hộ dân chưa thể thực hiện.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.