Khi PV báo Người Đưa Tin đề cập xin phỏng vấn ý kiến cá nhân liên quan đến 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ của ngành công thương thời gian qua, GS.TS. Đặng Đình Đào (nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế quốc dân) đã chia sẻ nhiều trăn trở.
Đề cập đến việc xử lý hình sự nếu có sai phạm nghiêm trọng ở 12 dự án này, vị Giáo sư cho rằng: “Nếu xem xét đến cùng, không loại trừ việc xử lý hình sự để thể hiện quyết tâm đến cùng của Chính phủ khi xử lý 12 dự án nghìn tỷ đồng bị thua lỗ của ngành công thương. Làm được vậy là đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân hiện nay”.
Cũng theo nhìn nhận của vị chuyên gia kinh tế, các “siêu dự án” này hoạt động kém hiệu quả, bị thua lỗ, nếu tính ra, con số thua lỗ là hàng trăm nghìn tỷ đồng.
“Đó là tiền ngân sách Nhà nước, tiền của nhân dân. Trong khi đó, ngân sách đang khó khăn, phải cân đối từng đồng, từng việc thì để xảy ra thua lỗ là không thể chấp nhận được”, GS.TS. Đặng Đình Đào nói.
“Xử lý chậm trễ ngày nào, thất thoát lớn hơn ngày đó. Tôi nghĩ việc truy cứu trách nhiệm hình sự là đúng, không để tình trạng đổ lỗi cho nhau. Có việc các dự án được thuyết minh rất hay, được thẩm định và phê duyệt, khi thực hiện thay đổi thiết kế hoặc thiết bị khiến vận hành kém hay không phải làm rõ. Trước hết đó là trách nhiệm cá nhân”, vị giáo sư đưa quan điểm.
Đưa thêm ý kiến cá nhân, ông Đào cho rằng: “Tôi nghĩ, không chỉ “nộp thuế là quyền lợi, nghĩa vụ của công dân” mà cần bổ sung nội dung “ai sử dụng ngân sách lãng phí, thất thoát là có tội với nhân dân, có tội với Tổ quốc”. Đã đến lúc chúng ta phải tuyên truyền, bổ sung nội dung này để không còn tình trạng “đốt” hàng chục nghìn tỷ đồng của dân nhẹ như lông hồng”.
Để xử lý nghiêm, đạt hiệu quả, tránh lãnh đạo doanh nghiệp bỏ lại thua lỗ rồi lên vị trí cao hơn, theo GS Đào, chúng ta cần thực hiện nghiêm từ trên xuống, tuân thủ luật pháp.
“Phải quyết tâm chống lãng phí, thất thoát, phải làm mạnh, xử nghiêm sai phạm. Nếu có thể khôi phục thì tiếp tục, nếu không phải thanh lý, đóng ngay, không chần chừ càng gây thất thoát”, ông nói.
“Chúng ta đang thiếu cơ chế xử lý trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Đây là điều cần nghiên cứu và điều chỉnh luật pháp trong thời gian tới. Cần tính toán đến việc thu hồi bồi thường thất thoát hiệu quả”, GS.TS. Đặng Đình Đào nhấn mạnh.
Dương Thu