Việc xử lý 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ của ngành công thương đang được các cơ quan chức năng làm rất quyết liệt. Nhiều ý kiến đề nghị sớm làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức để xử lý, thậm chí là xử lý hình sự.
Để có thêm cái nhìn đa chiều về vấn đề, PV báo Người Đưa Tin đã có trao đổi với ông Bùi Đức Thụ, nguyên Ủy viên Thường trực ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
PV: Thưa ông, sau thời gian vào cuộc quyết liệt, các cơ quan chức năng đã bước đầu nhận diện về những nguyên nhân dẫn đến việc 12 dự án nghìn tỷ đồng bị thua lỗ của ngành công thương. Cá nhân ông đánh giá thế nào về điều này?
Ông Bùi Đức Thụ: Doanh nghiệp thua lỗ có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau.
Nguyên nhân khách quan có thể do tình hình thị trường. Lúc đầu tính toán với đầu tư thế này, giá đầu vào thế này, giá đầu ra thế kia, hoạt động có lãi như thế nào? Nhưng khi tình hình thị trường thay đổi, giá đầu vào có thể tăng lên trong khi đầu ra giảm xuống dẫn đến thua lỗ, ăn mòn vào vốn. Trong trường hợp này, dự báo kinh tế thị trường của chủ đầu tư và Nhà nước là chưa tốt.
Về nguyên nhân chủ quan, do vấn đề quản lý đầu vào, vận hành và tổ chức thực hiện không đúng quy định pháp luật. Việc không đúng hoặc sơ hở làm mất vốn Nhà nước. Khi đó, căn cứ từng vụ việc, từng hành vi cụ thể gây nên hậu quả để xem xét cá thể hóa trách nhiệm với từng tổ chức, từng cá nhân. Căn cứ quy định pháp luật xử lý đúng người, đúng tội, kể cả xử lý hình sự để lập lại trật tự, kỷ cương.
Hiện tại, với thua lỗ của 12 doanh nghiệp này, tôi được biết Quốc hội nhận diện, yêu cầu Chính phủ có chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, làm rõ trách nhiệm để xử lý với tổ chức, cá nhân. Chúng ta có cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra. Trước hết phải nhận diện thực trạng tài chính của doanh nghiệp thế nào, mức độ thua lỗ ở khoản nào, thời điểm nào, nguyên nhân gì, từ đó làm rõ trách nhiệm, xử lý phù hợp.
PV: Chúng ta đang quyết liệt tìm “lối thoát” cho 12 dự án này. Minh chứng là sự chỉ đạo, vào cuộc sát sao của các cơ quan từ Quốc hội, Chính phủ đến ngành công thương và nhiều cơ quan hữu quan. Ông kỳ vọng thế nào vào những kết quả trong thời gian tới?
Ông Bùi Đức Thụ: Như tôi đã nói, cần làm rõ thực trạng quản lý, tài chính xem thua lỗ đến đâu, xác định và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân. Điều quan trọng nữa là xử lý các dự án này như thế nào. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào bước đầu tiên.
Có thể có một số trường hợp như: Do khó khăn nhất thời ảnh hưởng đến sự thua lỗ của doanh nghiệp. Nhưng hiện tại và tương lai, nếu như có cơ chế, có các hình thức phù hợp, doanh nghiệp vẫn có thể phát triển và có hiệu quả, cần có những giải pháp để tháo gỡ cho doanh nghiệp đó tồn tại phát triển.
Trường hợp thứ 2, nếu thua lỗ quá lớn, dù Nhà nước có “hà hơi tiếp sức” bằng cơ chế này, chính sách kia nhưng tương lai doanh nghiệp không thể trụ vững được, hình thức xử lý phải khác như: Phá sản, cổ phần hóa, bán khoán cho thuê...
Tôi nhấn mạnh, phải có đề án tái cơ cấu xử lý với doanh nghiệp nhưng tái cơ cấu xử lý hình thức nào phải làm rõ tính hiệu quả, khả thi của từng dự án đó. Tránh tình trạng như đối với một số doanh nghiệp trước đây, chúng ta cũng đưa vào tái cơ cấu, “hà hơi tiếp sức”, có cơ chế chính sách, cơ chế tín dụng ưu đãi… Nhưng “chết vẫn hoàn chết”, dẫn đến nặng nợ nhiều hơn. Như thế là không được.
Trong đề án tái cơ cấu, tùy theo mức độ nên thảo luận, lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ nhiều cá nhân để quyết đáp phù hợp tình hình thực tế.
Thêm nữa, dù cho tổ chức hay cá nhân nào đó quyết định về hình thức tái cơ cấu đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng phải chịu trách nhiệm về tương lai đối với hoạt động của các doanh nghiệp này. Nếu quyết định tái cơ cấu mà lỗ hoàn lỗ hoặc lỗ nhân lên, tổ chức cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước đề án, quyết định của mình.
PV: Về trách nhiệm ngành công thương, cụ thể là bộ Công Thương, ông có quan điểm thế nào?
Trách nhiệm đã quy định rõ, qua rà soát làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó có trách nhiệm của bộ Công Thương, căn cứ vào đó để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trong cải cách những năm qua, chúng ta đã tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng quản lý sản xuất kinh doanh, chức năng chủ sở hữu. Tương ứng từng chức năng là các trách nhiệm đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Do đó, nếu bộ Công Thương quản lý, điều hành có sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Xem thêm >>>>
Ông Võ Kim Cự không thể xin thôi làm ĐBQH một cách đơn giản
Ông Võ Kim Cự xin thôi làm ĐBQH: 'Không nên sắp đặt vị thế cho mình'
Dương Thu (thực hiện)