Chiều 1/11, tại phiên chất vấn Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng bộ Công an, Tổng thanh tra Chính phủ trả lời thêm về tiến độ xử lý sai phạm xảy ra tại 12 dự án để Quốc hội và nhân dân tham gia giám sát việc xử lý vi phạm.
Trả lời nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, trong 12 dự án thua lỗ, Thanh tra Chính phủ thanh tra trực tiếp 6 dự án. Đến nay, đã thông báo kết luận 4 dự án theo quy định, gồm: Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi; Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ; Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước; Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ 4 dự án này cho cơ quan điều tra vì phát hiện có dấu hiệu vi phạm.
Đối với hai dự án còn lại là dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên và dự án Đạm Hà Bắc, ông Khái cho biết, đã có dự thảo kết luận thanh tra, hiện Thanh tra Chính phủ đang hoàn thiện để báo cáo Chính phủ và ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng.
Đối với 6 dự án còn lại, theo ông Khái, Chính phủ giao Thanh tra bộ Công Thương thanh tra 5 dự án và Thanh tra tỉnh Lào Cai thanh tra 1 dự án. Hiện 6 dự án này đã có kết luận.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đơn vị này có trách nhiệm rà soát cùng với bộ và tỉnh, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng sớm thực hiện những kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, góp phần sớm đưa những dự án vào khai thác có hiệu quả.
Trước đó, tại phiên chất vấn chiều ngày 30/10 ở hội trường Quốc hội, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cũng chất vấn Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về "sức khoẻ" của 12 đại dự án nghìn tỷ bị thua lỗ này. Liệu các dự án này sẽ tồn tại hay phá sản và Bộ có xử lý trách nhiệm cá nhân những người có liên quan hay không?
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay: “12 dự án về cơ bản đã đảm bảo tiến độ, tuy nhiên về tình hình cơ bản của từng dự án còn có mức độ treo.
Trước hết trong số 6 nhà máy và dự án đấu thầu sản xuất kinh doanh thua lỗ, có 2 dự án nhà máy hiện nay đã bắt đầu khôi phục kinh doanh và có lãi là nhà máy thép Việt Trung, DAP Hải Phòng đã cắt lỗ và đang đề xuất để đưa ra khỏi 12 dự án thua lỗ.
4 dự án của nhà máy còn lại đang từng bước khắc phục khó khăn gồm: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai, công ty đóng tàu ở Dung Quất cũng đã cắt giảm bớt mức lỗ. Mặc dù còn lỗ nhưng mức độ lỗ không còn cao như trước, đã cắt giảm được.Những khoản lỗ này vẫn tiếp tục xem xét để quyết liệt xử lý trong thời gian tới.
Có 2 dự án đã tiến hành khởi tố hình sự vụ án là xơ sợi Đình Vũ và dự án nhiên liệu Phú Thọ.
Riêng dự án nhiên liệu sinh học của Phú Thọ vì vốn Nhà nước dưới 30%, còn lại là vốn tư nhân nên không tham gia được vào trong tái cơ cấu. Vì quá trình đầu tư có sai về địa điểm, sai về các phương án kinh doanh nên dự án này thực ra kinh doanh không có hiệu quả và sẽ phải xem xét thực hiện những biện pháp kiên quyết nhất, tức là tổ chức cho phá sản...
Nhận xét chung về “sức khỏe” của các dự án này, Bộ trưởng bộ Công Thương cho rằng còn tùy thuộc vào diễn biến của thị trường, nguyên liệu... , tuy nhiên, mục tiêu là giảm thiểu tối đa thiệt hại và bảo toàn vốn của Nhà nước do đó phải tuân theo chỉ đạo của Chính phủ để xử lý dứt điểm.
H.Y (tổng hợp)