13 năm “ngục tù” của Britney Spears luận bàn giám hộ dưới góc độ pháp luật Việt Nam

13 năm “ngục tù” của Britney Spears luận bàn giám hộ dưới góc độ pháp luật Việt Nam

ctv ban tk

ctv ban tk

Thứ 6, 30/07/2021 07:00

Bộ phim tài liệu Framing Britney Spears được nhận hai đề cử Phim tài liệu xuất sắc và Chương trình không thuộc thể loại giả tưởng được biên tập tốt của giải Emmy. Cuộc đời "công chúa nhạc Pop" không chỉ có ánh hào quang sân khấu, nó còn là một "cuộc chiến pháp lý" đầy chông gai...

Mới đây bộ phim tài liệu Framing Britney Spears được nhận hai đề cử Phim tài liệu xuất sắc và Chương trình không thuộc thể loại giả tưởng được biên tập tốt của giải Emmy (giải thưởng thường niên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Truyền hình Mỹ) khiến cuộc đời của công chúa nhạc POP như sống lại. Cô đã trải qua một cuộc sống không hề yên ả, mà trớ trêu thay, mọi câu chuyện lại xoay quanh chính những thành viên ở trong gia đình của cô...

13 năm “ngục tù” của công chúa nhạc POP

Góc nhìn luật gia - 13 năm “ngục tù” của Britney Spears luận bàn giám hộ  dưới góc độ pháp luật Việt Nam

Framing Britney Spears bộ phim gây chấn động khi phơi bày những điều công chúa nhạc POP phải chịu đựng 13 năm qua.

Câu chuyện bắt đầu từ thời điểm năm 2008, khi Britney hoàn tất thủ tục ly dị với chồng thứ hai của mình, Kevin Federline. Cô thua trong phiên xử về quyền nuôi hai con trai. Hoảng loạn, cô tự nhốt bản thân và các con trong nhà tắm, cảnh sát Los Angeles phải tới can thiệp và cứu lũ trẻ. Britney bị bắt trong tình trạng đang chịu ảnh hưởng của chất kích thích và được đưa đến bệnh viện xét nghiệm. Hàng loạt tờ báo đăng tải hình ảnh ca sĩ cười thất thần khi bị áp giải lên xe cứu thương. Nhiều bài viết khẳng định Britney đã “hóa điên”.

Gia đình phải đưa Britney tới bệnh viện theo lệnh 5150 của luật bang California, cho phép giam khẩn cấp người bất ổn tâm lý trong 72h để đảm bảo an toàn cho họ và những người xung quanh. Một ngày sau đó, tòa án giao quyền giám hộ tạm thời Britney cho ông Jamie Spears. Ông được quyền thay con gái ra mọi quyết định về cuộc sống của cô. Tòa cũng giao cho Jamie và luật sư Andrew Wallet quyền đồng quản lý tài sản của ca sĩ, luật sư Samuel Ingham III được chỉ định đại diện Britney.

Sau đó, tòa án thay đổi lệnh giám hộ từ tạm thời thành vô thời hạn sau khi Britney có nhiều biểu hiện bất ổn tâm lý. Thẩm phán Reva Goetz - người ban hành quyết định - nói với Reuters: “Việc giám hộ là cần thiết và phù hợp với hoàn cảnh công việc, tài chính của cô ấy”. Ông Jamie Spears được trả khoảng 130.000 USD (hơn ba tỷ đồng) hàng năm nhờ vai trò này.

Góc nhìn luật gia - 13 năm “ngục tù” của Britney Spears luận bàn giám hộ  dưới góc độ pháp luật Việt Nam (Hình 2).

Ông Jamie Spears và con gái Britney.

Trong giai đoạn từ năm 2009- 2018, Britney không lên tiếng về việc bị giám hộ. Ca sĩ tiếp tục hoạt động nghệ thuật, ra sản phẩm mới. Nhiều fan nghĩ cô đang hồi phục sau những vấp ngã và dần lấy lại phong độ.

Tháng 4/2012, Goetz phê duyệt Jason Trawick, bạn trai của Britney Spears, tham gia giám hộ cô sau bốn tháng họ đính hôn. Anh này có quyền quyết định một số vấn đề đời tư, tài chính của ca sĩ. Jason Trawick xin hủy quyền này tháng 1/2013 vì cả hai chia tay.

Tháng 9/2016, Britney lần đầu nhắc đến việc bị giám hộ trên chương trình The Jonathan Ross Show: “Tôi đã trải qua việc bị kiểm soát trong vài năm. Tôi không được quyền đưa ra nhiều quyết định riêng. Tuy nhiên, tôi muốn đứa con tinh thần lần này (album Glory) theo ý mình. Tôi đã lên kế hoạch rất chi tiết về nó”.

Tuy nhiên, theo bài điều tra của NY Times công bố tháng 6/2021, ca sĩ đã âm thầm đòi tự do trong nhiều năm qua. Trong các lá thư gửi tòa, Britney bất bình khi bị cha kiểm soát quá hà khắc, từ việc chọn bạn trai, bạn bè đến trang trí nhà cửa. Có lần cô muốn sơn lại tủ bếp, ông Jamie không đồng ý vì cho rằng quá tốn kém. Britney cũng khẳng định khó chịu vì thường bị cha cử người theo sát mọi hoạt động. Mỗi khi làm phật ý cha, cô đối mặt những hình phạt nặng. Cô từng phải lên sân khấu hát khi đang sốt cao vì sợ cha.

Dù kiếm tiền tốt từ các show ở Las Vegas, Britney chỉ được nhận khoản tiền tiêu vặt hàng tuần khoảng 2.000 USD. Một điều tra viên cho biết: “Britney nói cảm thấy quyền giám hộ như một công cụ áp bức và kiểm soát cô ấy. Britney mệt mỏi vì bị lợi dụng. Cô phải làm việc để trả lương cho mọi người xung quanh”.

Trước đó, tháng 3, luật sư Andrew Wallet xin hủy quyền đồng giám hộ tài sản Britney Spears sau khi xin tăng lương không thành công. Jamie trở thành người duy nhất giữ quyền quản lý cả đời tư và tài sản của con gái. Cùng giai đoạn này, phong trào đòi trả tự do cho Britney Spears bùng nổ trên mạng xã hội sau bài viết trên trang blog Absolute Britney. Cây viết Anthony Elia khẳng định, đội ngũ giám hộ Britney đã khống chế Instagram của nữ ca sĩ để đưa ra những thông tin sai sự thật. Phía Jamie Spears gửi đơn kiện lên tòa Los Angeles và buộc tội Elia vu khống, bôi nhọ danh dự. Mối quan hệ giữa cha con Britney Spears càng xấu đi sau những phiên xét xử.

Trong phiên điều trần gần nhất hôm 14/7, thẩm phán phê duyệt yêu cầu của Britney bổ nhiệm luật sư mới Mathew Rosengart sau khi ông Samuel Ingham III từ chức. Đây là lần đầu tiên trong 13 năm ca sĩ được tự chọn người đại diện trước tòa.

Nguồn tin thân cận của ca sĩ cho biết: “Cô ấy sung sướng và biết ơn vì nhận nhiều sự hỗ trợ gần đây. Britney cũng hài lòng với tiến trình của các phiên xét xử. Cô ấy hy vọng luật sư mới có thể giúp mình thoát khỏi việc bị giám hộ”.

Góc nhìn luật gia - 13 năm “ngục tù” của Britney Spears luận bàn giám hộ  dưới góc độ pháp luật Việt Nam (Hình 3).

Britney Spears và luật sư đại diện mới Mathew Rosengart.

Lăng kính pháp luật Việt Nam về giám hộ

13 năm “đáo tụng đình” của Britney liên quan đến giám hộ, bất giác chúng ta đặt câu hỏi: Nếu Britney Spears lại được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, thì mọi thứ sẽ ra sao?

Vấn đề giám hộ tại Việt Nam được quy định cụ thể từ Điều 46 đến Điều 63 của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015. Theo đó, khoản 1 Điều 46 Bộ luật quy định: “Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ)”.

Như vậy, người giám hộ tại Việt Nam phải được sự chấp thuận của Uỷ ban Nhân dân (UBND) cấp xã (tức là từ cấp cơ sở), Toà án và thậm chí là theo ý chí của người được giám hộ (theo như khoản 2 Điều 48 của Bộ luật quy định), đáp ứng đầy đủ các điều kiện được nêu tại Điều 49 (đối với cá nhân) hoặc Điều 50 (đối với pháp nhân) thì mới có thể trở thành người giám hộ. Điều này hoàn toàn khác biệt so với Hoa Kỳ, khi quyền quyết định về người giám hộ hoàn toàn thuộc về Toà án, trong khi chưa chắc rằng, những vị Thẩm phán này đã nắm được hết các tình tiết đằng sau những bản án, hoặc là họ đang cố tình thiên vị một bên, đưa ra kết quả có lợi cho họ. Cần phải nhớ rằng, tại Hoa Kỳ, quyền lực của Thẩm phán là “tối thượng”.

Góc nhìn luật gia - 13 năm “ngục tù” của Britney Spears luận bàn giám hộ  dưới góc độ pháp luật Việt Nam (Hình 4).

Britney Spears đã phải chịu đựng 13 năm “ngục tù”.

Cũng trong Bộ luật Dân sự 2015 của Việt Nam, Điều 51 có quy định một thiết chế đặc biệt mà pháp luật Hoa Kỳ không có là giám sát việc giám hộ.

Việc giám sát giám hộ ngay từ những đơn vị nhỏ nhất sẽ góp phần đảm bảo tính “bình đẳng”, “thiện chí, trung thực”, đúng như những nguyên tắc cơ bản của BLDS đã nêu tại Điều 3 của Bộ luật. Từ đó sẽ tránh gây ra tình trạng người giám hộ trục lợi, lợi dụng sự yếu thế của những người được giám hộ cũng như kẽ hở của pháp luật để ép buộc người được giám hộ thực hiện hành vi theo mục đích của bản thân, gây ra những hậu quả xấu mà người được giám hộ phải chịu đựng trong một thời gian dài. Chủ thể giám sát có thể báo lại ngay những hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ của người giám hộ để các cơ quan có thẩm quyền sẽ từ đó đưa ra những biện pháp kịp thời, không để tình trạng đó kéo dài.

Về vấn đề tài sản, người giám hộ có quyền được quản lý tài sản của người được giám hộ, nhưng phải nằm dưới sự giám sát của người giám sát và các cơ quan có thẩm quyền. Việc thanh toán tài sản, chuyển giao quyền, nghĩa vụ (nếu có) cũng phải được lập thành văn bản với sự giám sát của người giám sát việc giám hộ (khoản 4 Điều 63 BLDS 2015).

Cuộc đời của Britney khiến ta thấm câu: “Chúng ta không có quyền lựa chọn người làm cha mẹ mình”. Suy cho cùng, trong vụ án của Britney, những bậc làm cha làm mẹ sẽ phải là những người suy nghĩ, day dứt nhiều nhất. Không chỉ là vấn đề pháp luật, vụ án này còn cho chúng ta những bài học đắt giá về cách giáo dục, đối xử với con cái của những người làm cha mẹ.

PHAN HƯNG

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.