Lâu nay, rất nhiều tranh chấp xung quanh việc sở hữu và sử dụng nhà chung cư, một số luật sư cho rằng, đã tới lúc Việt Nam cần có luật riêng về chung cư.
Theo luật sư Trần Vũ Hải và luật sư Nguyễn Thị Bảo Ngọc mới đây trả lời trên báo Pháp luật VN thì xung quanh việc sở hữu và sử dụng nhà chung cư có 13 loại tranh chấp điển hình. Đây là kết quả bằng các nghiên cứu và khảo sát riêng của 2 vị luật sư này về các loại tranh chấp điển hình về chung cư, chưa kể hàng loạt vấn đề liên quan khác.
1. Liên quan đến việc chủ đầu tư chưa đủ điều kiện nhưng vẫn huy động vốn, khách hàng đòi lại tiền, chủ đầu tư không có khả năng hoặc không muốn hoàn trả.
2. Chủ đầu tư đã khởi công dự án, nhưng chậm tiến độ dẫn đến việc khách hàng đòi hủy bỏ hợp đồng hoặc đòi giảm giá tiền.
3. Khi giá nhà đất trên thị trường tăng, chủ đầu tư đòi khách hàng trả thêm tiền mới giao nhà.
4. Chủ đầu tư niêm yết giá bằng USD, khách hàng phản đối, chủ đầu tư không giao nhà, hoặc khách hàng đòi hủy hợp đồng.
5. Khách hàng không chịu trả tiền đúng tiến độ, chủ đầu tư lâm vào tình trạng khó khăn tài chính, chậm tiến độ.
Tòa nhà chọc trời Keangnam (đường Phạm Hùng - Từ Liêm - Hà Nội) - từ lâu xảy ra rất nhiều tranh chấp giữa chủ đầu tư với khách hàng
6. Chung cư, căn hộ không đạt chất lượng so với cam kết khiến khách hàng đòi lại tiền hoặc bồi thường thiệt hại.
7. Tranh chấp liên quan đến việc chủ đầu tư không giao giấy tờ chủ quyền nhà cho khách hàng theo cam kết và theo luật định.
8. Tranh chấp liên quan đến việc xác định nghĩa vụ và mức nộp tiền sử dụng đất.
9. Tranh chấp về phí quản lý và cách thức quản lý chung cư.
10. Tranh chấp về phần diện tích sử dụng chung giữa chủ đầu tư và người sở hữu căn hộ.
11. Tranh chấp về các vấn đề bảo trì, bảo hành chất lượng.
12. Tranh chấp về việc cung cấp dịch vụ độc quyền.
13. Tranh chấp liên quan đến cải tạo, phá dỡ chung cư cũ.
Vấn đề được đặt ra là, với rất nhiều loại tranh chấp như vậy nhưng cơ sở pháp lý để xử lý hiện không đầy đủ, dẫn tới việc hầu hết các tranh chấp không thể giải quyết được một cách thỏa đáng.
Hiện tại, cách giải quyết thường là các bên tự giải quyết với nhau tuy nhiên thông thường khách hàng mua căn hộ ở thế bất lợi, ngay cả khi họ liên kết với nhau gây sức ép cho chủ đầu tư cũng chỉ có số kết quả nhất định mà không giải quyết được dứt điểm các vấn đề.
Theo như lời luật sư Trần Vũ Hải, cũng trả lời trên tờ báo này cho rằng, ngay cả trong trường hợp nhờ chính quyền giải quyết, thì chính quyền chỉ có thể giải quyết ở một mức độ nào đó, mà đôi khi lại "làm tình hình phức tạp thêm".
Trong khi đó, việc giải quyết thông qua trọng tài đến nay vẫn chưa thấy trường hợp nào. Còn nếu đưa ra tòa án, trên thực tế cách thức này tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí và chưa chắc có hiệu quả cao.
Hiện tại, pháp luật Việt Nam cũng có nhiều văn bản có thể điều chỉnh quan hệ giao dịch liên quan đến chung cư như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Hợp tác xã, Luật Trọng tài và những văn bản hướng dẫn luật này.
Tuy nhiên, theo ông Trần Vũ Hải, những văn bản này chưa đủ để giải quyết vấn đề chung cư, một vấn đề rất đặc thù mà Việt Nam chưa có kinh nghiệm giải quyết, đặc biệt liên quan đến những chung cư mang tính thương mại. Cũng theo ông, cần xem xét ban hành Luật Chung cư. Luật này sẽ điều chỉnh 4 nhóm vấn đề chính.
Theo đó, để khởi công một dự án chung cư luật quy định cấm chủ đầu tư không được khởi công nếu không đủ điều kiện.
Thu Hiền (tổng hợp)