Ngày 19/3, Cục CSGT (Bộ Công an) và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp tổ chức hội thảo: “Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc – Thực trạng và giải pháp”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, Phó Cục trưởng Cục CSGT (C08) cho biết, thời gian qua, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần kiềm chế, làm giảm sâu số người chết và số người bị thương.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, trên các tuyến đường bộ cao tốc đã bộc lộ những tồn tại, bất cập ngay từ trong quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo trì đường cao tốc. Trên các đoạn, tuyến đầu tư phân kỳ mới được đưa vào khai thác thời gian gần đây, tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn xảy ra nhiều, trong đó có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng (điển hình 2 vụ xảy ra đầu năm 2024 trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và Nội Bài - Lào Cai)…
Nhiều cao tốc chưa bảo đảm tiêu chuẩn
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục CSGT, cho biết theo phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050, mạng lưới đường bộ cao tốc được quy hoạch 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km và đến nay đã được khai thác, sử dụng 9 tuyến với chiều dài 1.708 km. Quá trình các tuyến cao tốc đưa vào sử dụng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập trong quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo trì… gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên cao tốc.
Đại tá Nhật cho hay, trong năm 2023, qua khảo sát trên các tuyến do C08 quản lý đã phát hiện 132 mục bất hợp lý về tổ chức giao thông. Đến nay, ngành giao thông đã chỉ đạo khắc phục xong 77 mục; 21 mục đang thực hiện hoàn thành trong năm 2024 và 34 mục chưa được thực hiện, trong đó đã có một số mục là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông, gây tai nạn giao thông trong thời gian qua.
Đặc biệt, sau khi xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người chết, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, C08 đã tham mưu Bộ Công an chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các kiến nghị chưa được khắc phục và các bất hợp lý phát sinh mới. Đến nay tổng số kiến nghị đã được khắc phục là 74, có 58 kiến nghị chưa được khắc phục và 43 kiến nghị phát sinh mới.
Chỉ ra các vấn đề, đại tá Nhật cho hay hiện việc tổ chức giao thông trên các tuyến còn nhiều tồn tại, xuất hiện tình trạng mở điểm mở cho phương tiện đi thẳng vào cao tốc; hệ thống hàng rào lưới thép còn nhiều vị trí chưa khép kín, thiếu người trực chốt, gác nên người dân vẫn có thể tự ý đi bộ, điều khiển xe máy, xe ba gác vào cao tốc, súc vật đi trên cao tốc; đã xảy ra tình trạng cắt rào, trèo lên đường cao tốc để đón xe khách.
Một số tuyến vừa khai thác hoạt động giao thông vừa thi công, thậm chí còn tháo dỡ hộ lan để phương tiện chở vật liệu đi từ cao tốc xuống đường gom, thi công đường gom gây bụi làm cản trở, che khuất tầm nhìn của lái xe. Cá biệt, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ Km25 + 300 đến Km25 + 400 bị ngập sâu do mưa làm phương tiện không lưu thông được, gây ùn tắc giao thông kéo dài.
Bên cạnh đó, một số tuyến trong quá trình khai thác, sử dụng chất lượng bị xuống cấp, mặt đường hằn lún, sập lún tại các mố của hầm, cầu, lưu thông không êm thuận, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng chậm trễ trong việc khắc phục, sửa chữa (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên); thiếu hệ thống chiếu sáng, sóng điện thoại,... Riêng tuyến đường Hà Nội - Lào Cai sau thời gian dài khai thác, thu phí từ năm 2014, mặc dù lưu lượng tăng cao, xảy ra nhiều vụ tai nạn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vẫn chưa tiến hành đầu tư mở rộng lên 4 - 6 làn xe theo đúng phê duyệt.
Đối với những đoạn, tuyến không có dải phân cách cứng ở giữa, không có làn dừng khẩn cấp thì luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và khi xảy ra tai nạn thường đặc biệt nghiêm trọng như tuyến Cam Lộ - La Sơn và đoạn tuyến Yên Bái - Lào Cai. Ngoài ra, những tuyến không có làn dừng khẩn cấp khi xảy sự cố, tai nạn thì lực lượng chức năng khó tiếp cận điểm xảy ra vụ việc để xử lý ngay, có nguy cơ cao gây tai nạn liên hoàn và ùn tắc kéo dài…
Theo đại tá Nhật, sau 13 năm được giao quản lý, bố trí lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, đến nay mô hình đã cơ bản hoạt động ổn định, làm giảm tải lưu lượng phương tiện trên các tuyến đường quốc lộ, giảm tai nạn, ùn tắc... góp phần giữ và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Song, đại tá Nhật cho rằng những vấn đề tồn tại, bất cập trong quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo trì đường cao tốc gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc, tai nạn vẫn xảy ra nhiều, trong đó có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, điển hình là 2 vụ ở cao tốc Cam Lộ - La Sơn và Nội Bài - Lào Cai đầu năm 2024.
Ngoài ra, những đoạn, tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác như Hà Nội - Lào Cai, Cao Bồ - Mai Sơn - QL45, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm... liên tục xảy ra tai nạn giao thông do chưa đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng. Ví dụ như chưa có trạm dừng nghỉ cho lái xe, không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa đảm bảo bề rộng tiêu chuẩn, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế...
Mặt khác, một số tuyến chưa bố trí trụ sở làm việc bãi tạm giữ phương tiện, nơi xử lý vi phạm... gây khó khăn cho hoạt động của lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Lắp đèn chiếu sáng toàn tuyến cao tốc là lãng phí
Trước nhiều ý kiến về việc xây dựng các tuyến cao tốc phân kỳ, chưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam lý giải vấn đề này do nguồn lực còn hạn chế, nguồn vốn phân bổ chỉ đáp ứng khoảng 66% nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
"Là đơn vị quản lý, chúng tôi luôn muốn khai thác những tuyến đường có 6 làn xe với đầy đủ tiêu chuẩn như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Tuy nhiên do nguồn lực còn hạn chế, chúng ta buộc phải phân kỳ đầu tư một số tuyến có lưu lượng chưa cao và chạy qua khu vực có địa hình khó khăn", ông Thắng nói.
Sau thời gian khai thác, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận việc đầu tư các cao tốc 2 làn xe không có dải phân cách cứng gây nguy cơ cao dẫn tới tai nạn; đồng thời các cao tốc không có làn dừng khẩn cấp liên tục sẽ gây ùn tắc kéo dài khi xảy ra sự cố.
Trong quý 1/2024, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành quy chuẩn về đường cao tốc.
"Khi có quy chuẩn này, chắc chắn sẽ không còn cao tốc 2 làn xe nữa mà đầu tư phải tối thiểu 4 làn xe", ông Thắng nói và cho biết cơ quan chức năng sẽ bố trí nguồn lực sao cho việc xây dựng các tuyến đường cao tốc phải đảm bảo hoàn thiện.
Về trang bị hệ thống chiếu sáng trên cao tốc, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, đối với tham gia giao thông trên cao tốc thì người điều khiển phương tiện đi theo biển báo, vạch sơn..., đường cao tốc cũng không có giao cắt đồng mức, không có phương tiện thô sơ đi vào nên đầu tư đèn chiếu sáng toàn tuyến là lãng phí.
"Theo quy định, quy chuẩn đã quy định rõ lắp đèn chiếu sáng tại các khu vực trạm thu phí, trạm dừng nghỉ, nút giao, cầu vượt, hầm..., còn đối với đường thẳng thì xe chạy đủ vạch sơn, biển báo... là đảm bảo an toàn", ông Nguyễn Mạnh Thắng nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho hay, theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới thì việc lắp đèn chiếu sáng nhiều, tràn lan còn gây ô nhiễm ánh sáng.
Theo thống kê của C08, năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, trên các tuyến cao tốc xảy ra 267 vụ tai nạn, làm chết 91 người, bị thương 172 người. So với thời gian trước liền kề tăng 2 vụ (0,75%), tăng 30 người chết (32,97%), tăng 56 người bị thương (32,56%).
C08 cho rằng nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, không tuân thủ nguyên tắc khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, hạ tầng giao thông và hệ thống báo hiệu trên cao tốc chưa hoàn chỉnh và đồng bộ.
Bên cạnh đó, qua điều tra, kiểm tra đánh giá tại hiện trường và phân tích tình huống vụ tai nạn còn cho thấy hạ tầng tổ chức giao thông trên một số tuyến cao tốc, nhất là các tuyến thực hiện đầu tư phân kỳ còn bất cập, phần nào ảnh hưởng đến nguyên nhân dẫn đến tai nạn.
T.M (tổng hợp)