14 hồ chứa đang ở mực nước chết
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa chỉ đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (NN&PTNT) khẩn trương rà soát toàn diện, ưu tiên giải quyết nước sinh hoạt để người dân ổn định đời sống.
Theo báo cáo của của sở NN&PTNT, từ đầu năm 2018 đến nay, lượng mưa trên địa bàn chỉ đạt 37% so với trung bình nhiều năm. Tổng dung tích 21 hồ chứa nước cả tỉnh chỉ còn khoảng 50 triệu m3/194 triệu m³ nước (so với tổng dung tích thiết kế). Trong đó, 14 hồ chứa đang ở mức mực nước chết. Riêng, hồ Ông Kinh (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) không còn nước từ tháng 2/2018.
Ngày 17/9, PV báo Người Đưa Tin đã đi ghi nhận tình hình mực nước tại các hồ thuộc huyện Thuận Bắc và huyện Ninh Sơn. Cụ thể, tại thôn Tập Lá (xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc), nguồn nước sản xuất của bà con chủ yếu lấy từ suối Tập Lá đã không còn.
Tại xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn, nguồn nước còn ít ỏi đã làm cuộc sống sinh hoạt của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn. Diện tích sản xuất bị thiệt hại từ 50% - 70% tại các huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc và Bác Ái, ước tính hơn 4.032ha.
“Những tháng qua, lòng hồ Ông Kinh đã khô trơ đáy, cỏ chết khô, cừu, dê của bà con đói trơ mỏ. Không có thức ăn, nước uống nhiều con đã chết, bây giờ không biết đưa đàn gia súc đi đâu nữa vì chỗ nào cũng hạn, cứ bám trụ lòng hồ được ngày nào hay ngày đó” – anh Nguyễn Văn Lượm (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) buồn bã nói.
Anh Chamlé Hiếu, ngụ xã Phước Trung, huyện Thuận Bắc, thở dài nói: “Giờ hạn, cỏ, nước uống hiếm lắm. Cừu, dê con nào lanh kiếm được thức ăn thì no bụng, còn con nào chậm chạp thì chỉ có đói”.
Nhận thấy những khó khăn mà bà con đang gặp phải, tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh các biện pháp ứng phó, khắc phục hạn hán, đồng thời kiến nghị TW hỗ trợ gạo cứu đói cho 16.818 hộ/74.226 khẩu.
Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Ngay từ đầu năm, đơn vị và công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi đã làm việc với công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi để duy trì mức xả nước cho Ninh Thuận phục vụ sản xuất, sinh hoạt, chăn nuôi từ hồ Đơn Dương qua nhà máy Thủy điện Đa Nhim, đáp ứng vụ đông xuân 2017 - 2018 và hè thu”.
Xây dựng công trình chống hạn
Để ứng phó với hạn hán diễn ra ngày càng gay gắt, từ cuối tháng 8 đến nay, công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đã tăng cường điều tiết bổ sung 1,4 triệu m3 nguồn nước từ hệ thống đập Nha Trinh về đập Lâm Cấm thông qua các cống tiêu Liên Sơn thuộc kênh Nam và cống tiêu Suối Sa thuộc kênh Bắc và duy trì việc cấp nước cho Nhà máy nước Tháp Chàm với công suất gần 70.000m³/ngày, đêm.
Ninh Thuận đã hoàn thành một số công trình nước sinh hoạt cấp bách ứng phó hạn hán như: Hệ thống cấp nước sinh hoạt thôn Gia Hoa, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn; hệ thống cấp nước sinh hoạt Ma Lâm, xã Phước Thành, huyện Bác Ái; hệ thống cấp nước sinh hoạt Khánh Tân, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải... để phục vụ nhân dân.
Ngoài ra, công trình đường ống lấy nước từ trạm bơm Xóm Bằng, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc phục vụ cấp nước tưới cho khu vực hồ Ông Kinh, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải đang được các đơn vị nỗ lực thi công đào và lắp ống. Dự kiến khối lượng thực hiện ước khoảng 3.500m, sẽ hoàn thành trong tháng 9/2018 theo đúng kế hoạch.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, hạn hán tiếp tục kéo dài tại Ninh Thuận. Dự kiến nếu nguồn nước thô tại các hồ chứa của nhà máy cấp nước phục vụ cho các địa phương như: Xã Phước Trung, Phước Thành, huyện Bác Ái; xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn; thôn Suối Le, xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc không còn đủ nước, hoặc các sông suối bị cạn kiệt, sẽ tổ chức vận chuyển nước sinh hoạt từ các nhà máy nước lân cận cho bà con sử dụng.
Trước tình hình hạn hán hiện nay, các địa phương tại tỉnh Ninh Thuận tổ chức nạo vét ao, giếng có sẵn để tăng nguồn nước ngầm; trồng cỏ và tận dụng tối đa các nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn gia súc.
Ngoài ra, chủ động di dời đàn gia súc đến những nơi thuận lợi thức ăn, nước uống khi cần thiết.
“Trong vụ hè - thu, có một số địa phương tổ chức gieo trồng kéo dài thời vụ, nên công tác tổ chức điều tiết nước phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn, diện tích lúa còn lại chưa thu hoạch khoảng 2.426ha và cần gần 5 triệu m3 nước điều tiết đến khi kết thúc vụ. Trong khi đó, tổng dung tích nước tại các hồ chứa quá thấp, nên sở NN&PTNT cùng các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo, tuyên truyền cho nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, tạm ngưng gieo trồng trong vụ mùa mới”, ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc sở NN&PTNT cho biết thêm.
Theo thống kê, lượng mưa đo được tại các trạm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận từ tháng 1/2018 đến ngày 31/8/2018 chỉ đạt 37%, ở mức thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, tại TP.Phan Rang – Tháp Chàm là 177.2mm, các huyện Hòa Sơn là 200.5mm, Ma Nới là 325.3mm, Phước Bình là 336.1mm, Phước Đại là 442.3mm, Phước Hà là 121mm, Phước Hòa là 162.4mm, Phước Tân là 416.7mm, Tân Mỹ là 189mm.
Đến thời điểm hiện tại, Ninh Thuận đang dồn sức để ứng phó với hạn hán, nhưng tình hình thời tiết ngày càng diễn biến bất lợi, đời sống của người dân đang đứng trước tình cảnh khốn đốn. Người dân Ninh Thuận chỉ biết thở dài và cầu mong các bộ, ngành sớm hỗ trợ để vượt qua thời điểm khắc nghiệt của hạn hán.